Hai địa điểm du lịch tại Đắc Lắk bị một du khách đăng bài trên mạng xã hội tố đã lạm dụng voi để chở khách đi du lịch và làm bị thương những con vật này.
Báo điện tử Vnexpress đã đăng tin trên trong ngày 9/2 từ nội dung được đăng tải trên Facebook của du khách có tên Nguyễn Ngọc A. Cô này cho rằng cô đã đến thăm buôn Jun ở thị xã Buôn Ma Thuột, và khu du lịch Cầu Treo, huyện Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk, vào ngày 3 và 4/2/2022. Tại đây, cô đã chứng kiến cảnh người điều khiển voi gây thương tích cho các con vật này.
Nội dung phần đăng tải của cô A được Vnexpress trích lại rằng: “Mỗi người điều khiển voi cầm một chiếc gậy có một chiếc đinh sắt nhọn ở bên đầu để điều hướng và khiến con voi phải tuân theo. Tất cả những con voi tại địa điểm này đều có thương tích, cả mới lẫn cũ.”.
Cô Nguyễn Ngọc A. còn đăng tải các video và hình ảnh về những con voi và những vết thương của chúng. Cô cho biết mục đích của bài đăng là muốn du khách cân nhắc lại việc cưỡi voi và hy vọng các địa điểm du lịch sẽ nhân đạo hơn đối với những con voi.
Tuy nhiên sau bài đăng của cô A., Y Gai Bya, 44 tuổi, sống tại huyện Buôn Đôn, chủ của những con voi ở khu du lịch Cầu Treo, cho biết một trong những con voi được đề cập trong bài thuộc về gia đình anh nhưng anh không đối xử tệ bạc với con vật như lời của du khách viết.
Ông này khẳng định những vết thương nhìn thấy trong các bức hình cô A đăng là do con voi ở trong rừng một mình nên bị thương.
Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi và Cứu hộ Động vật hoang dã nói với tờ VnExpress hôm 9/2 rằng trung tâm đang xác minh các cáo buộc trên.
Ông Phước cũng cho biết thêm, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, các địa điểm du lịch ở Đắk Lắk đã đóng cửa trong khoảng 9 tháng và các con voi được thả ra ngoài tự sinh sống trong rừng. Do đó, ông Phước cho rằng, hiện tại, hoạt động du lịch đã bắt đầu trở lại, những con voi đã được đưa trở lại và những người huấn luyện có thể đã sử dụng chiếc đinh để huấn luyện lại chúng sau nhiều tháng để chúng sống trong tự nhiên.
Đắk Lắk, nơi có nhiều voi nhất tại Việt Nam, đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia Foundation) có trụ sở tại Hồng Kông vào tháng 12/2021 về chuyển đổi xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi, cam kết loại bỏ ngành du lịch cưỡi voi cùng với một số hoạt động khác làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của những con voi được thuần hóa.
Thay vào đó, tỉnh này sẽ cung cấp các dịch vụ du lịch thân thiện với voi để bảo tồn động vật được nói đã giảm 90% về số lượng trong suốt bốn thập kỷ qua.
Năm 1990, toàn tỉnh có hơn 500 con voi, nhưng nay chỉ còn 140 con, chủ yếu ở huyện Buôn Đôn và huyện Lắk.