Ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch tập đoàn FLC, hôm 25/8, bị khởi tố thêm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với cáo buộc hành vi thổi khống vốn điều lệ tại Công ty CP Xây dựng FLC Faros lên gấp hơn 3.000 lần. Một số chuyên gia kinh tế nhận đinh rằng, nếu thật sự có sự việc này xảy ra thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể nào tránh khỏi trách nhiệm liên đới.
Theo thông tin từ Bộ Công an, ông Trịnh Văn Quyết bị cho là đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ cho Công ty CP Xây dựng FLC Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng chỉ trong hai năm, từ năm 2014 đến 2016, tương ứng với 430 triệu cổ phần của công ty này, với mã cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.
Bà Hương Trần Kiều Dung, cựu phó chủ tịch Tập đoàn FLC và hai em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế cũng bị khởi tố bổ sung về cùng tội danh.
Tính đến tháng 2/2021, ông Quyết đã chỉ đạo bà Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên mình và năm người khác, thu được hơn 6.400 tỉ đồng rồi rút tiền mặt từ việc bán cổ phiếu.
Cơ quan quản lý không thể vô can
Bình luận với RFA vấn đề này, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết ông không có đủ điều kiện, bằng chứng để xác định liệu rằng báo chí đưa tin về các thủ thuật mà FLC Faros đã sử dụng để nâng giá vốn điều lệ là có đúng hay không, vấn đề đó còn chờ cơ quan điều tra làm rõ.
Tuy nhiên, ông cho biết nếu điều đó là đúng thì các cơ quan chức quản lý thị trường nhà nước không thể vô can:
“Theo tin tức của báo chí thì họ đổ vốn vào một tài khoản, xong sau đó họ lại rút ra, rồi lại đổ tiền vào. Mỗi lần mà họ đổ tiền vào thì được tính là một lần tăng vốn.
Tôi không hiểu là điều đó có xác thực hay không. Nếu thật thì liệu rằng các cơ quan quản lý có quan tâm, để ý chuyện đó hay không. Nếu thực sự như thế thì nó là một loại tăng vốn khống. Việc tăng vốn đó là không có thật, tăng vốn ảo thì dĩ nhiên đó là một sự lừa bịp.”
Theo tạp chí điện tử nhaquanly.vn, FLC Faros đã sử dụng một thủ thuật đơn giản để nâng khống giá vốn điều lệ lên tới hơn 3.000 lần.
Ví dụ, một công ty có ba cổ đông với vốn điều lệ được đăng ký là 1.000 tỷ. Ban đầu, cổ đông thứ nhất bỏ vào ngân hàng 100 tỷ để góp vốn điều lệ. Ngay lập tức, cổ đông thứ hai sẽ rút ngay 100 tỷ đó ra để ký chuyển cho cổ đông thứ ba vay. Cổ đông thứ ba lại chuyển đúng 100 tỷ đó vào ngân hàng để góp vốn điều lệ.
Tương tự, sau khi cổ đông thứ ba chuyển tiền vào, cổ đông thứ nhất lại rút 100 tỷ đó ra rồi cho cổ đông thứ hai vay để góp vốn điều lệ.
Như vậy, sau ba lần chuyển tiền vào rồi rút ra, công ty này, trên lý thuyết đã có 300 tỷ vốn điều lệ. Nhưng thực tế chỉ có 100 tỷ ban đầu được luân chuyển ra vào tài khoản ngân hàng của công ty này.
Tạp chí Nhà quản lý dẫn lại Báo cáo tài chính kiểm toán của FLC Faros rằng các cổ đông góp vốn từng phần thông qua việc chuyển tiền vào tài khoản của công ty, nhưng lại ngay lập tức rút tiền ra. Quy trình này lặp lại đến 18 lần chỉ trong ngày 8/1/2016.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho rằng sự việc này cho thấy rõ là các lãnh đạo Nhà nước về thị trường chứng khoán có vấn đề:
“Đây là vấn đề sai sót trong vấn đề kiểm tra của Nhà nước tại Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh hoặc thành phố Hà Nội.
Nó cho thấy rõ ràng là vấn đề quản lý Nhà nước và vấn đề trung thực của các công ty có vấn đề. Lãnh đạo của các sàn giao dịch được Nhà nước cần đưa ra để xét xử trách nhiệm như thế nào mà để xảy ra tình trạng như vậy, có thể là có vấn đề đưa hối lộ và tiêu cực. Đó là điều không tốt đối với cả một hệ thống tài chính.”
Nhà đầu tư và nền kinh tế gánh chịu rủi ro
Đối với hành vi thổi giá lên hàng ngàn lần như vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng người chịu thiệt hại sau cùng và nặng nề nhất chính là những nhà đầu tư đã trót tin và bỏ tiền đầu tư vào các công ty như FLC.
Ông Bùi Kiến Thành nói việc nâng khống giá trị của một công ty khiến cho những nhà đầu tư mất niềm tin vào sự an toàn của thị trường chứng khoán, khiến họ không dám bỏ tiền đầu tư để phát triển kinh tế đất nước:
“Giá trị của cổ phiếu đó chỉ có một đồng thôi mà lại thổi lên thành 100 đồng, tức là đó là trị giá ảo. Người nào lỡ đầu tư mua với giá 100 đồng thì sau này lại không bán được. Người ta sẽ mất tiền. Rõ ràng là thiệt hại lớn cho người đầu tư đã lỡ mua cổ phiếu đó.
Như vậy thì không tốt đối với nền kinh tế. Người ta sẽ mang tâm lý sợ rằng các công ty khác cũng ở trong tình trạng đó, và người ta sẽ rút ra. Khi đó, tinh thần chung là không còn tin tưởng vào sự an toàn của của thị trường chứng khoán nữa.”
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đánh giá những công ty làm ăn gian lận như FLC làm nền kinh tế Việt Nam bị “nhiễm độc”:
“Còn đối với nền kinh tế thì nếu nhiều công ty làm ăn kiểu này, những công ty có vốn ảo để hấp dẫn các nhà đầu tư bỏ tiền vào thì ngoài việc lừa các nhà đầu tư vào trong cái bẫy của họ, khả năng là họ còn có những động thái như “xào nấu” sổ sách hoặc là có những động thái gian lận, lừa các nhà đầu tư để làm cho các nhà đầu tư tin tưởng, nhưng thực chất là không có cơ sở.
Nó tạo ra không những là thiệt hại cho nhà đầu tư mà còn cho cả nền kinh tế. Bởi vì nền kinh tế có chắc chắn hay không là dựa vào những thành phần kinh tế, những công ty làm ăn chân chính. Bây giờ lại có những công ty làm ăn không chân chính như thế thì đó là một rủi ro rất lớn cho nền cả một nền kinh tế.”
Vào cuối tháng ba năm nay, ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc có hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra vào ngày 10/1/2022.
Ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc đã bán chui 74,8 triệu cổ phiếu vào ngày 4/1 vừa qua cho phiên giao dịch vào ngày 10/1 thu về hơn 1.500 tỷ đồng.