Một ngày trước phiên xử sơ thẩm Facebooker Bùi Văn Thuận, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra thông cáo báo chí cho rằng, những lời phê phán bộc trực như của ông này không thể cấu thành tội hình sự và chính quyền nên xoá bỏ tất cả các cáo buộc đối với nhà bất đồng chính kiến này.
Toà án Nhân dân tỉnh Thanh Hoá sẽ đưa ông Thuận ra xét xử vào ngày 17/11 với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, với mức án có thể từ năm năm đến 12 năm tù giam nếu bị kết tội.
Ông Phil Robertson- Phó giám đốc Phân ban Châu Á của HRW cho rằng, việc chính quyền Việt Nam truy tố Bùi Văn Thuận thiếu căn cứ về các bài đăng trên Facebook thể hiện mức độ bất chấp của họ đối với quyền tự do biểu đạt. Ông bình luận trong thông cáo ngày 16/11:
“Chính quyền Việt Nam, dù đang kiểm soát tất cả các đài phát thanh, truyền hình, báo chí và truyền thông trong nước và thường xuyên bơm ra các sản phẩm tuyên truyền chính thức, vẫn cảm thấy sợ hãi các bộ óc độc lập như Bùi Văn Thuận.”
Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế cần nhận ra hậu quả xấu từ việc đàn áp trực tuyến của chính quyền Việt Nam:
“Các đối tác thương mại và chính phủ nước ngoài cần nhận thấy rằng việc nhà cầm quyền Việt Nam truy tố một người sử dụng Facebook phê bình ôn hòa sẽ gây đe dọa không chỉ đối với các nhà hoạt động trong nước.”
Vợ ông, bà Trịnh Thị Nhung, người cũng bị mời tham dự phiên toà với tư cách người làm chứng, nói với Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn về phiên toà sắp tới:
“Là một người vợ, dĩ nhiên tôi luôn hy vọng điều tốt nhất cho chồng tôi. Tôi tin chồng tôi vô tội nhưng với những gì tôi đã chứng kiến qua các phiên xử tù nhân chính trị khác tôi không hy vọng vào việc chồng tôi được trả tự do.
Kỳ vọng lớn nhất từ phiên tòa sắp tới là phần đối chất giữa các nguyên cáo với chồng tôi và các luật sư. Tôi mong rằng tòa đủ minh bạch để triệu tập tất cả những người tố cáo anh Thuận và đối chất với ảnh trước tòa để mọi người được chứng kiến rằng những lời tố cáo đó đúng hay sai.”
Trên Facebook, ông Bùi Văn Thuận thường chỉ trích Chính phủ Việt Nam về nhiều vấn đề chính trị, trong đó có việc dùng bộ máy chính quyền gây sức ép để buộc người dân đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp quốc gia. Ông cũng thường phê phán cách thức chính quyền ứng phó với đại dịch COVID-19.
Trong một bài đăng ngày 21/8/2021 với tiêu đề “Làm toán giúp Đảng,” ông đã tính toán dân số thành phố Hồ Chí Minh và nhu cầu thiết yếu của họ để kết luận rằng kế hoạch của chính quyền đưa quân đội đến thành phố lớn thứ hai cả nước với mục đích đi chợ giúp người dân trong thời gian phong tỏa là bất khả thi.
Theo HRW, tuy kế hoạch đó phải hủy bỏ sớm hơn dự định, chính quyền hiển nhiên đã để mắt tới phát ngôn của Bùi Văn Thuận, và bắt ông chín ngày sau đó.
Theo cáo trạng công bố bởi Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hoá (VKSND) vào cuối tháng 9 vừa qua, từ năm 2016 đến tháng 8/2021, ông Bùi Văn Thuận đã có hành vi sử dụng hai tài khoản Facebook “Thuan Van Bui (Cha già Dân tộc)” và Thuan Van Bui (Cha dà Dân tộc)” đăng tải 27 bài viết phỉ báng chủ nghĩa cộng sản là chủ thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc bôi nhọ chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, ngày 16/11 tài khoản Facebook có tên Thuan Van Bui được VKSND tỉnh Thanh Hóa sử dụng để truy tố ông Thuận hoạt động trở lại, tài khoản này đăng tải một bài viết nhận định về phiên tòa sắp diễn ra và một video phát trực tiếp về cuộc nói chuyện điện thoại được cho là của hai lãnh đạo ngành an ninh.
Bình luận về việc này, bà Trịnh Thị Nhung nói:
“Trong khi chồng tôi vẫn đang bị giam giữ trong trại giam công an tỉnh Thanh Hóa mà Facebooker Bùi Văn Thuận nào đó vẫn đăng bài mới công khai. Phía an ninh điều tra sẽ trả lời như thế nào về việc họ kết luận chồng tôi điều hành hai trang mạng như cáo trạng nêu? Tôi cho rằng đây là mấu chốt của vụ án.”
Trong quyết định mở phiên toà, TAND tỉnh Thanh Hoá triệu tập 12 nhân chứng ở nhiều địa phương. Theo cáo trạng, họ kết bạn Facebook với ông Thuận, mua mật ong rừng mà ông này bán, rồi phát hiện những bài viết trên trang cá nhân, từ đó tố cáo lên cơ quan chức năng.
Ông Thuận có năm luật sư bảo vệ, bao gồm các ông bà: Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân, Phạm Lệ Quyên, và Nguyễn Thị Trang.