Vụ thầy bói môi giới hối lộ trong vụ Vũ Nhôm sau khi ra tù trở thành linh mục có diễn biến mới khi Giám mục giáo phận Maasin, Philippines lần đầu lên tiếng về các lùm xùm xung quanh việc truyền chức thánh cho ông GB. Hồ Hữu Hòa.
Hôm 17/02, trang Facebook Diocese of Maasin (Giáo phận Maasin) đăng tải “Tuyên bố chính thức về lễ truyền chức linh mục cho John Baptist JB. Hồ Hữu Hòa.”
Theo văn bản ký cùng ngày, Giám mục Cantillas của Giáo phận Maasin xác nhận đã phong phó tế cho GB. Hồ Hữu Hòa vào ngày 8/9/2022 và chức linh mục vào ngày 7/12/2022 theo các văn thư ủy nhiệm từ Giám mục Giáo phận Vinh, đặc biệt là có thư giới thiệu của nguyên Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh Phaolô Nguyễn Thái Hợp.
Phóng viên gọi cho Toà Giám mục Maasin theo số điện thoại trên thông cáo để hỏi về vụ việc, tuy nhiên người trực điện thoại cho biết linh mục Chưởng ấn của giáo phận đi vắng.
Nguyên Giám mục Hà Tĩnh nói gì về thư giới thiệu?
Thông cáo của Toà Giám mục Maasin có đoạn viết:
“Việc truyền chức này diễn ra sau những thủ tục thông thường theo Giáo luật, nhất là với việc đệ trình các văn thư uỷ nhiệm cần thiết được ký bởi Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long, giám mục giáo phận Vinh, được đóng dấu toà giám mục, và được xác thực bởi Linh mục Giêrađô Nguyễn Nam Việt, vị Chưởng ấn.”
Giám mục Cantillas cũng cho biết ông có nhận các tài liệu như thư bảo lãnh và giới thiệu, các chứng chỉ và tín chỉ, thậm chí cả thư cảm ơn được viết và ký bởi các giáo sĩ Việt Nam có uy tín chịu trách nhiệm cho ông Hồ Hữu Hòa, đặc biệt là thư giới thiệu của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục của giáo phận Vinh và sau này là Giám mục tiên khởi của giáo phận Hà Tĩnh.
Phía Philippines cũng cho biết sau khi được thụ phong linh mục, ông Hồ Hữu Hoà cùng với linh mục Chưởng ấn giáo phận Vinh gặp gỡ những người có trách nhiệm của giáo phận và đến ngày 15/01 vừa qua, linh mục Hòa được nhập tịch giáo phận Maasin.
Trong buổi trưa cùng ngày, phóng viên gọi điện thoại cho nguyên Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp để hỏi về văn thư giới thiệu được đề cập trong thông cáo, tuy nhiên Giám mục cho biết:
“Linh mục Hồ Hữu Hòa bây giờ ở bên Phi, về bên Phi rồi chứ có gì mà phỏng vấn,” nguyên Giám mục Nguyễn Thái Hợp cho biết “đang đi trên đường” và cúp máy.
Hai giờ sau, phóng viên gọi thêm một số cuộc vào số điện thoại của Đức Cha Hợp nhưng ông không nghe điện thoại.
Linh mục Nguyễn Nam Việt, người bị ngưng hai chức vụ Chưởng ấn và Chánh Văn phòng Toà Giám mục Vinh, từ chối trả lời phỏng vấn về sự việc sau khi nghe phóng viên tự giới thiệu và đặt câu hỏi.
Phía giáo phận Maasin ở Philippines cũng biết được sự xôn xao của dư luận trong việc phong chức linh mục cho ông GB. Hoà. Cuối thông cáo, Giám mục Castillas cho biết đang đang thực hiện các bước và thủ tục cần thiết để làm sáng tỏ vấn đề, cũng như xác thực các tài liệu được chuyển đến văn phòng của giáo phận.
Liệu có thể sa thải linh mục GB. Hồ Hữu Hoà khỏi hàng giáo sĩ?
Trong ngày 15/02, Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long trong Thông báo gửi tới toàn thể linh mục của giáo phận Vinh, quyết định không cho phép linh mục GB. Hồ Hữu Hòa cử hành các bí tích và lễ nghi trong Giáo phận Vinh.
Điều này đồng nghĩa với việc tước bỏ năng quyền trong giáo luật công giáo, dân gian gọi nôm na là “treo chén,” tuy nhiên chức thánh linh mục vẫn còn.
Bình luận về sự việc, linh mục Anton Lê Ngọc Thanh của Dòng Chúa Cứu thế ở Long Xuyên, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA):
“Nếu hai toà giám mục đều minh bạch được chuyện Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long không hề ký thư uỷ nhiệm như vậy thì tức khắc bí tích truyền hành chức phó tế và linh mục cho ông GB. Hồ Hữu Hòa tức khắc là vô hiệu bởi vì là do sự lừa dối nên bí tích không thành.
Bí tích được ban cho người có tội trọng thì bí tích tự động không thành nên (ông Hoà- PV) sẽ không là phó tế hay linh mục gì cả.”
Linh mục Thanh cũng cho biết thêm một bất thường nữa là ngay sau khi được thụ phong linh mục, GB. Hồ Hữu Hoà đã xin chuyển đến Giáo phận Maasin và được chấp thuận chỉ sau hơn một tháng, trong khi thủ tục xin chuyển giáo phận bình thường phải mất năm năm.
“Nếu đúng là Đức cha Long đã giới thiệu thì ông Hoà sẽ không mất tịch Giáo phận Vinh cho đến sau năm năm được bên kia chấp nhận. Có nghĩa là trong vòng năm năm đó thì ông Hoà có thể trở về Giáo phận Vinh bất cứ lúc nào vì ông chưa hoàn toàn mất chức giáo sĩ ở Giáo phận Vinh.”
Theo bài viết của linh mục JB. Lê Ngọc Dũng, thành viên chủ chốt của trang Giáo luật Công giáo, một trang web chuyên giải đáp những vấn đề liên quan đến Bộ Giáo Luật 1983, cho rằng việc “phong chức thánh do man trá vẫn hữu hiệu.”
Theo linh mục Dũng, “trong những trường hợp truyền chức bị khiếm khuyết về ý chí tự do, bị nhầm lẫn, do lừa gạt, Giáo hội không tuyên bố chức thánh bất thành nhưng lại có thể ban ơn cho phép ra khỏi hàng giáo sĩ nếu giáo sĩ đó xin, hoặc Giáo hội trục xuất một người ra khỏi hàng giáo sĩ do phạm tội nghiêm trọng.
Khi một người ra khỏi hàng giáo sĩ, chức thánh vẫn còn nhưng không được thi hành thánh chức, trừ việc giải tội cho người nguy tử.”
Trong bản minh định về trường hợp linh mục Hồ Hữu Hòa ngày 10/2, Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long khẳng định văn thư ủy nhiệm có ký tên ông là giả, theo Điều 1391 của bộ Giáo luật 1983 đây là hành vi giả mạo tài liệu thuộc Giáo hội.
“Thông thường, thuộc thẩm quyền Giám mục giáo phận ra hình phạt, hoặc bằng sắc lệnh hành pháp hoặc bằng phán quyết tư pháp, tức là trao cho tòa án giáo phận xét xử và ra bản án.
Tuy nhiên, hình phạt trục xuất ra khỏi hàng giáo sĩ, là hình phạt có tính chung thân, Giám mục giáo phận hay thẩm phán không có quyền tuyên phạt,” theo trang Giáo luật Công giáo.
Linh mục JB. Lê Ngọc Dũng – Tiến sĩ Giáo Luật tại Đại Học Tòa Thánh Urbaniana, Roma, năm 2009 trong bài viết cho rằng, “ở mức độ tội phạm nghiêm trọng, gây scandal lớn Bản quyền nên khởi tố phạm nhân lên Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Bộ Giáo Lý Đức Tin có thẩm quyền xét xử những tội phạm chống lại đức tin, cũng như những tội nghiêm trọng hơn phạm đến luân lý và trong việc cử hành các bí tích.”
Ở mức độ nghiêm trọng nhất, Bộ sẽ đệ trình trực tiếp lên Đức Giáo Hoàng, để ngài quyết định trục xuất ra khỏi hàng giáo sỹ và ban miễn chuẩn luật độc thân, vẫn theo linh mục Dũng.