Chuyển đổi thị trường thực chất là tự do hoá nền kinh tế, dù khái niệm có thể bị “đánh tráo”, lộ trình thực hiện nhanh chậm thì quá trình này vẫn hoạt động thông qua cơ chế: nhiều tự do hơn, nhiều kiến thức hơn, nhiều khám phá sáng tạo hơn, và từ đó mà sự thịnh vượng cũng sẽ đi theo sau. Tuy nhiên, nó đồng thời cũng gây “bất ngờ” cho giới lãnh đạo, trong đó nhiều thành phần kinh tế, doanh nghiệp và con người trở nên “độc lập” hơn với Đảng – Nhà nước, vì thế “toàn trị” trở nên lung lay. Thể chế bất ổn kéo dài bởi quốc nạn tham nhũng, suy thoái đạo đức công vụ, xã hội mất phương hướng, người dân hoang mang và niềm tin vào chế độ giảm sút… Ngoài ra, khủng hoảng lý luận về việc Đảng Cộng sản lãnh đạo thị trường, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, sa vào ý thức hệ giáo điều trì hoãn thể chế hoá, cụ thể hoá các quyền công dân theo Hiến pháp… khiến Đảng đang “loay hoay” đối phó không hiệu quả những tác động của những “bất ngờ”, và đặt ra tương lai khó lường tiếp tục cải cách… Trước “những vấn đề của đất nước” như vậy, phải chăng Đảng cần cơ chế cho trí thức phản biện?
Như đã trình bày, để sửa đổi Nghị quyết số 27 năm 2008 “về xây dựng đội ngũ trí thức…”, liên tiếp có các lãnh đạo cao nhất của Đảng – Nhà nước, ông tân Chủ tịch nước ngày 16/2 và ông Tổng bí thư Đảng CS ngày 24/3/2023, có các cuộc gặp với giới trí thức, văn nghệ sĩ của chế độ, bày tỏ “sự tôn trọng” họ và cam kết “có cơ chế phù hợp” để họ “tư vấn, phản biện” đối với “những vấn đề của đất nước.” Liệu có thể một cơ chế cho trí thức phản biện nếu xa rời tự do?
Xây dựng một cơ chế phù hợp cho trí thức phản biện chính sách chỉ có thể khả thi khi khái niệm “phản biện chính sách” được nhìn nhận từ quan điểm tự do. Trước hết, hãy nói về phản biện. Phản biện được hiểu là hình thức giao tiếp, ứng xử từ một lối suy nghĩ đa chiều, sâu sắc để đưa ra các lập luận thuyết phục đối với người nghe. Nội hàm phản biện bao gồm: tư duy phản biện; một quá trình suy nghĩ một cách cẩn thận về một chủ đề hoặc một ý kiến mà không cho phép những cảm giác hay ý kiến khác ảnh hưởng tới; một quan điểm nói rằng cái gì đó là không chính xác hay một ý kiến phản đối chống lại một quan điểm, một ý kiến hoặc một gợi ý khác; và một hành động nói hoặc chứng minh rằng một ý kiến, một quan điểm hay một, nhóm người là không đúng…
Nói một cách khái quát: phản biện tạo ra sự khác biệt. Phản biện chính sách là khái niệm được áp dụng trong lĩnh vực chính trị, nó có thể tạo ra khác biệt về quan điểm, cách tiếp cận xây dựng và thực thi chính sách. Phản biện chính sách công liên quan đến quyền lực công và nó trở nên “nhạy cảm” khi quyền lực công không được kiểm soát hiệu quả và thực chất. Nghĩa là, trong môi trường thiếu tự do, dân chủ phản biện chính sách là hành động có nhiều rủi ro, thậm chí dưới chế độ chuyên quyền, toàn trị thường bị cấm đoán, những người phản biện có thể bị coi là đối tượng chống đối, thế lực phản động… và, các hình thức trừng phạt được dựng lên, từ răn đe, đề phòng bởi các các biện pháp gây áp lực công việc, “khủng bố” tinh thần… đến rào cản pháp lý với những điều luật “mơ hồ” tuỳ biến có lợi cho hành pháp mang tính chính trị và khung hình phạt cao nhất có thể.
Tri thức là nhân tố động lực phát triển thịnh vượng và, phản biện là một thuộc tính của trí thức cần có môi trường tự do. Bởi vậy, phản biện được coi là tiêu chí cần thiết để phân biệt những người làm việc trí óc thông thường, làm chuyên môn trong các lĩnh vực, các nghề chuyên sâu… Đội ngũ này có thể đông trong nền kinh tế trí thức, nhưng những trí thức phản biện không thể có nhiều, họ có số lượng và đặc điểm tuỳ thuộc vào môi trường ý thức hệ, chế độ chính trị, càng nhiều tự do, dân chủ thì họ càng đông và càng mạnh, hoặc ngược lại. Dưới chế độ toàn trị của Đảng CS Việt Nam quan niệm trí thức bị “đánh đồng” với lao động trí óc, trong đó số người do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam “quản lý” gồm 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu hội viên ‘trí thức’ (theo cách gọi của Đảng, nhưng thực chất là lao động trí óc), chiếm gần 1/3 số lượng trong cả nước. Đây là tổ chức chịu sự lãnh đạo trực tiếp, là cánh tay nối dài “toàn trị” của Đảng CS đối với lao động trí óc. Cơ quan này giúp Đảng không chỉ loại trừ các tổ chức phản biện độc lập mà còn dễ dàng trấn áp các tiếng nói khác biệt từ “gốc” khi chỉ mới có các dấu hiệu.
Chẳng hạn, GS Chu Hảo bị kỷ luật đảng năm 2018, ông bị coi là “suy thoái tư tưởng chính trị” trên cương vị là Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức đã có một số phát biểu và cho xuất bản các cuốn có nội dung trái với hệ tưởng của Đảng CS, trong đó có “Đường về nô lệ” của nhà kinh tế đoạt giải Nobel F. Hayek… Và mới đây, cuối năm 2022 PGS. TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển thuộc Liên Hiệp hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra bắt giam. Trong quyết định ông Giao bị khởi tố về tội “Trốn thuế”, nhưng dư luận cho rằng đó là cái cớ vì ông là “nhà phản biện nổi tiếng mạnh mẽ!”. Ranh giới phản biện và phạm tội thật mù mờ.
Sau hơn 30 năm Đổi mới mang lại thành tích kinh tế, nhưng môi trường tự do cho trí thức “sáng tạo” dường như “kém đi.” Như đã biết “Nhóm thứ sáu” tập hợp những trí thức của chế độ nhưng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trọng dụng để nghe “tư vấn”. Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có cuộc gặp năm 1987 để “cởi trói” cho giới giới văn nghệ sĩ để họ cho ra đời nhiều tác phẩm văn hoá “xứng tầm” đổi mới. Tiêu biểu như các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, các đạo diễn Lưu Quang Vũ, Trần Văn Thủy…. Họ được công chúng đón nhận. Họ đã “dấn thân”, mặc dù gây khó chịu cho không ít quan chức bảo thủ, nhưng không ai trong họ bị bỏ tù. Hiện nay, trái lại, nhiều nhà bất đồng chính kiến, nhà báo phản biện về “các vấn đề” nóng của đất nước đã bị đàn áp. Mới nhất, ngày 14/4/2023 Blogger nổi tiếng Nguyễn Lân Thắng, người có tiếng nói phản biện thẳng thắn, đã bị kết án nặng nề. Được biết, cộng đồng mạng lan truyền một bức thư của cha mẹ của Blogger này gửi tới Hội đồng xét xử, trong đó có đoạn: “… Lân Thắng là một trong hàng triệu nhân chứng sống cho tiến trình Đổi mới của Việt Nam…” Chính quyền đã không cho là thế, và vì vậy, danh sách các “nhân chứng sống” như Thắng có thể sẽ tiếp tục kéo dài!
Trở lại với các cuộc gặp của lãnh đạo với các “trí thức” của chế độ như nêu trên, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn họ “… làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật…” Tuy nhiên, có một ý kiến gây chú ý mang tính “phản biện” của ông Chủ tịch Hội Nhà văn đề đạt với Đảng hãy “đầu tư niềm tin, không gian sáng tạo” cho giới trí thức. Tất nhiên, ông Chủ tịch Hội Nhà văn là “người của Đảng” và, ông ấy đã không thể nói thẳng rằng họ cần có sự đảm bảo tự do cho hoạt động sáng tạo. Một cơ chế, chính sách “đặc biệt” cho trí thức phản biện cần sự cam kết từ Đảng được thể chế hoá về quyền tự do.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do