Vốn đầu tư công: sao mãi giải ngân chậm hoặc không thể?

Theo Bộ Tài chính Việt Nam, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương quý I  năm 2023 chỉ đạt 6,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có đến 13 đơn vị tỷ lệ giải ngân 0%.

Theo báo cáo này được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 17/4, tính đến hết quý I/2023, tổng vốn giải ngân của 17 bộ, cơ quan là gần 2.100 tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình của Việt Nam là 10,35%.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, tại cuộc họp với 17 bộ, cơ quan Trung ương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công hôm 17/4 cho rằng, nếu không thể giải quyết, chắc chắn cả năm 2023 sẽ không giải ngân hết lượng vốn trong dự toán ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư phát triển.

Có tiền nhưng muốn giải ngân thì cần có một đội ngũ cán bộ dấn thân và cam kết mạnh mẽ. Nhưng trong tình hình hiện nay, trong chiến dịch đốt lò chống tham nhũng thì có một lượng nhất định các cán bộ công chức ngần ngại, hết sức cẩn trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ đó.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương – CIEM từ năm 1993 đến năm 2002, hôm 18/4/2023 cho biết vì sao việc giải ngân đầu tư công tại Việt Nam gặp khó khăn:

“Việc giải ngân đầu tư công ở Việt Nam là một yêu cầu rất cấp thiết, để cải thiện kết cấu hạ tầng và tạo điều kiện để cho thu hút đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp tư nhân hoạt động. Tuy vậy thực hiện đầu tư công lại thường gắn với việc giải phóng mặt bằng, tức là thu hồi đất của người dân để sử dụng cho mở rộng đường xá và các dịch vụ khác. Vấn đề ở đây là giá đền bù của nhà nước chênh lệch nhiều so với giá đất của thị trường. Vì vậy cho nên cần phải có biện pháp làm cho giá đền bù của nhà nước xích gần với giá thị trường ở một mức độ hợp lý, thì lúc bấy giờ mới tránh được sự phản đối của người dân.”

Ngoài ra theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc thực hiện đầu tư công ở Việt Nam đối mặt với sự chồng chéo, trùng lắp của nhiều luật như: Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường… Tất cả những luật này theo ông Doanh đều có điều khoản liên quan đến đầu tư công. Ông Doanh nói tiếp:

“Và điều cuối cùng là có tiền nhưng muốn giải ngân thì cần có một đội ngũ cán bộ dấn thân và cam kết mạnh mẽ. Nhưng trong tình hình hiện nay, trong chiến dịch đốt lò chống tham nhũng thì có một lượng nhất định các cán bộ công chức ngần ngại, hết sức cẩn trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ đó. Vì họ sợ thực hiện điều này phù hợp luật đầu tư công, nhưng lại có thể chồng chéo với luật xây dựng, lại có thể sẽ vướng mắc đối với luật đất đai…”

24c0d162-46a6-4b46-b2f6-826e3e88998c.jpeg
Ảnh minh họa: Một cây cầu đang xây dựng ở Hà Nội vào ngày 5 tháng 10 năm 2021. AFP.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2022 theo Bộ Tài chính đạt 67,27% kế hoạch. Nếu tính đến ngày 31/1/2023 là hạn chót giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thì đạt 80,63% kế hoạch, tương ứng giải ngân gần 540.000 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước đó. Năm 2023 giải ngân vốn đầu tư công sẽ đối mặt áp lực khi phải giải ngân số vốn kỷ lục cùng kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang…

Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế của Học viện Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này nhận định:

“Khi đã được phê duyệt, có vốn vay… nhưng do thắt chặt quản lý kinh tế, chống tham nhũng, đòi hỏi đầu tư công phải có hiệu quả, và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu không đạt. Do đó, hiện nay nhiều bộ ngành địa phương thấy nếu tiếp tục sẽ không hiệu quả, người đứng đầu sẽ bị điều tra vì ‘thấy không hiệu quả nhưng vẫn làm’… Nên nhiều nơi đã chậm giải ngân để xem xét có dừng dự án để trả lại vốn đầu tư công hay không?”

Họ sợ thực hiện điều này phù hợp luật đầu tư công, nhưng lại có thể chồng chéo với luật xây dựng, lại có thể sẽ vướng mắc đối với luật đất đai…
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Nếu chỉ tính riêng vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài ODA, thì theo Bộ Tài chính, từ 1/1/2022 đến 30/11/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA của Việt Nam chỉ đạt khoảng 28% so với kế hoạch. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng độc lập cho biết, vốn vay ODA để được giải ngân cần phải thỏa mãn nhiều điều kiện:

“Các nguồn vốn ODA các nước tài trợ cho Việt Nam bị ràng buộc bời nhiều điều kiện lắm. Trước hết Việt Nam đã vào các nước có thu nhập trung bình nên không còn lợi thế như trước, bây giờ lãi suất tăng lên và điều kiện vay cũng khó khăn hơn. Đặc biệt các gói ODA của các chính phủ ràng buộc với điều kiện phải mua nguyên vật liệu của họ nếu dùng ODA phát triển hạ tầng cơ sở.”

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, còn có điều kiện tài chính đối với vốn ODA, Việt Nam phải có vốn đối ứng, tức vốn khởi đầu, rồi sau đó các chính phủ mới tài trợ. Vì vậy nếu chưa thỏa các điều kiện thì chưa thể nhận vốn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khi tham dự Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân đầu tư công và triển khai chương trình mục tiêu quốc gia hôm 26/9/2022 phát biểu cho rằng ngân sách có tiền nhưng cán bộ không giải ngân được là ‘có lỗi với nhân dân’. Với sự chậm trễ giải ngân với số vốn lớn nhiều năm qua, mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đem ‘nhân dân’ để nhắc cán bộ như vậy có hiệu quả răn đe?

Related posts