Công an tỉnh Hà Tĩnh không thông tin gì thêm về vụ bắt giữ blogger Đường Văn Thái sau khi hết thời hạn tạm giữ (tối đa chín ngày-PV), không thông báo quyết định trả tự do hoặc chuyển sang hình thức tạm giam cho gia đình và công chúng biết.
Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, công an xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) tạm giữ ông Đường Văn Thái trong chiều muộn ngày 14/4 vì “xâm nhập trái phép” từ Lào vào địa phương này, không có bất kỳ hình ảnh nào về vụ bắt giữ được đưa ra.
Cho đến hôm 25/4, tức là khoảng 11 ngày từ khi ông Thái bị tạm giữ, phía công an và truyền thông Nhà nước không có tin tức gì về các bước tiếp theo của nhà chức trách tỉnh Hà Tĩnh hoặc Bộ Công an trong vụ này, trái ngược hẳn với sự rầm rộ đưa tin của truyền thông ba ngày sau khi blogger này mất tích ở Thái Lan.
Phóng viên gọi điện cho Công an huyện Hương Sơn nhưng không ai nghe máy. Người trực ban của Công an tỉnh Hà Tĩnh nói phóng viên phải đến trụ sở của cơ quan này để được cung cấp thông tin, trong khi đó nhiều cuộc gọi tới Bộ Công an cũng không có người nhấc máy.
Theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015, tổng thời gian tạm giữ bao gồm hai lần gia hạn tạm giữ không quá chín ngày, và sau thời gian này, cơ quan công an phải trả tự do cho người bị tạm giữ hoặc phải chuyển đổi hình thức từ tạm giữ sang tạm giam, khi đó phải có quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can với sự phê chuẩn của cơ quan kiểm sát cùng cấp.
Vi phạm quyền được tiếp cận thông tin
Theo luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, bằng việc im lặng trong mấy ngày qua, báo chí và cơ quan công tố của Việt Nam vi phạm quyền được tiếp cận thông tin của gần 100 triệu người dân về vụ việc của blogger Đường Văn Thái. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào ngày 25/4.
“Đã qua 48 tiếng (thời gian tạm giữ- PV) mà báo chí Việt Nam cũng như các cơ quan tư pháp của Việt Nam hoàn toàn không có thông tin gì cả, như vậy là họ đã vi phạm quyền được thông tin của người dân.
Anh đã thông tin một lần (khi tạm giữ ông Đường Văn Thái ngày 14/4- PV) thì anh phải thông tin trở lại để người dân biết về tình trạng của công dân Việt Nam ấy như thế nào.”
Hôm 25/4, một người thân với gia đình không nêu tên cho biết, mẹ của ông Đường Văn Thái đến nay hoàn toàn không nhận được bất kỳ thông tin về con trai mình từ cơ quan công an, mà chỉ được biết qua báo chí và hàng xóm.
Theo Điều 116 của Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan công an phải thông báo cho gia đình và chính quyền địa phương của người bị bắt giữ trong thời hạn 24 giờ.
Lưu ý rằng, “nếu việc thông báo cản trở truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người, cơ quan điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt phải thông báo ngay.”
Tuy nhiên, trong vụ ông Đường Văn Thái, khi tạm giữ ông, truyền thông đã rầm rộ đưa tin thì không có lý gì phía công an lại không thông báo cho gia đình sau gần 2 tuần, luật sư Nguyễn Văn Đài bình luận.
Hiểm nguy mà blogger Đường Văn Thái có thể đối mặt
Theo điều tra riêng của nhóm bạn thân của blogger Đường Văn Thái ở Thái Lan, ông bị mất tích vào chiều muộn ngày 13/4 và dường như ông bị bắt cóc bởi lực lượng an ninh Việt Nam ở gần nhà trọ ở tỉnh Pathum Thani.
Một số blogger, trong đó có nhà báo tự do Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn gió) đang sinh sống tại Đức, đã từng tiếp xúc và viết nhiều bài về Trịnh Xuân Thanh trước khi cựu quan chức dầu khí này bị bắt cóc về Việt Nam.
Ông Hiếu bày tỏ lo lắng cho tính mạng của ông Đường Văn Thái vì có thể ông bị chích thuốc mê trong quá trình bắt cóc, rồi dẫn giải qua ngả Lào để đưa về Hà Tĩnh, và điều này có thể gây ra tác dụng phụ đáng kể đối với sức khỏe của ông.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng hai lần bị bắt giam và kết án bởi nhà nước Việt Nam, cho rằng tính mạng của ông Thái không bị đe doạ nhưng có thể bị tra tấn hoặc đối xử tệ bạc khi rơi vào tay Công an Việt Nam. Ông Đài nói:
“Theo quan điểm của tôi thì việc họ đã đưa thông tin lên báo chí rồi thì tính mạng của ông Đường Văn Thái không bị đe doạ nhưng sức khoẻ của ông chắc chắn sẽ bị đe doạ.”
Ông giải thích có thể công an Việt Nam sử dụng tra tấn và nhiều biện pháp tra khảo khác nhằm buộc ông Đường Văn Thái khai ra những người cung cấp thông tin nội bộ cho blogger này phát trên các nền tảng xã hội như Facebook và Youtube.
Luật sư Đài cũng cho biết nếu chỉ vì “nhập cảnh trái phép” thì ông Thái có thể chỉ bị phạt hành chính vì trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng cho người tái phạm trong thời gian một năm.
Tuy nhiên, ông Đường Văn Thái có khả năng bị khởi tố về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 hoặc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, vị luật sư nhân quyền đang lưu vong ở Đức nói.
Chính quyền Thái Lan và Việt Nam phải chịu trách nhiệm
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) phản hồi qua email câu hỏi của phóng viên về trường hợp của nhà báo Đường Văn Thái, người được cấp quy chế tị nạn chính trị bởi Văn phòng Cao ủy về người tị nạn của Liên hiệp Quốc tại Thái Lan.
Ông Daniel Bastard, đại diện của RSF ở Đông Nam Á cho rằng:
“Có mọi lý do để tin rằng Đường Văn Thái đã bị bắt cóc, và việc ông ta bị đưa ra khỏi Thái Lan nói lên nhiều điều về sự vô liêm sỉ của nhà cầm quyền Việt Nam trong việc ngày càng gia tăng truy lùng những tiếng nói độc lập.
Điều này cũng đặt ra câu hỏi về sự đồng lõa thụ động có thể có của Chính quyền Thái Lan, vì đây không phải là lần đầu tiên các nhà báo hoặc blogger nước ngoài tị nạn ở vương quốc Xiêm La bị trục xuất về nước họ- bao gồm cả Trung Quốc và Việt Nam.”
Theo ông, việc xảy ra với Đường Văn Thái là đáng báo động, và tổ chức bảo vệ tự do báo chí có trụ sở tại Pháp yêu cầu các cơ quan của Liên Hiệp quốc, bắt đầu với Cao uỷ về người tị nạn (UNHCR), buộc chính quyền Thái Lan và Việt Nam phải chịu trách nhiệm về vụ bê bối này.