Luật có cấm mặc đồ giống quân phục VNCH?

Truyền thông Nhà nước chỉ trích một số người Việt Nam thích mặc những bộ trang phục rằn ri giống quân phục VNCH. Trang phục như thế có bị cấm theo luật pháp Việt Nam hay không?

Mới đây, Báo Nhân Dân – Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam – có bài viết tựa “Một sở thích lố bịch và phản cảm”. Theo bài viết, việc một số người thích mặc trang phục lính của chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam “là một biểu hiện không lành mạnh, cần lên án bởi nó cổ xúy cho bạo lực, kích động hận thù, khoét sâu vào những vết thương chiến tranh, gây bức xúc dư luận. Nếu không lên án, ngăn chặn kịp thời thì hậu quả sẽ rất khó lường.”

Bài viết kêu gọi “mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận diện, phát hiện và cùng ngăn chặn, đấu tranh với những hoạt động, hành vi phản cảm của một số cá nhân trong trang phục lính ngụy.”

Bày tỏ quan điểm của mình trên báo Nhân Dân, Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ nói: “Mặc cái gì tốt đẹp thì nên mặc, còn mặc đồ của đội quân đã một thời đi đến đâu là đàn áp, bắn giết, cướp bóc, đốt nhà, đánh đập, tra tấn người Việt Nam đến đó chỉ vì có liên quan đến Việt Cộng thì có nên cổ xúy không? Chủ trương hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta đã quá rõ ràng, được thể hiện ngay khi giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, không để xảy ra cảnh ‘tắm máu trả thù’ như luận điệu tuyên truyền chiến tranh tâm lý của địch.”

Sự xuất hiện của nhiều nhóm, hội thích mặc quân phục của chế độ VNCH hoặc Mỹ theo tôi nghĩ cũng chỉ là ý thích “vớ vẩn”  mà đó cũng quyền tự do của họ (quyền con người) chẳng ảnh hưởng đến ai chứ không như nhận định trên báo Nhân dân nhận định là “tiềm ẩn” này nọ. Nhận định đó rất ấu trĩ và hoang tưởng của đám tuyên giáo cộng sản. Đó là nhận xét của tôi. – Ông Nguyễn Quang Vinh

Ông Nguyễn Quang Vinh, một đại tá quân đội về hưu nêu suy nghĩ của ông với RFA sáng 25 tháng 4 năm 2023:

Bản thân tôi đã từng là quân nhân dưới chế độ cộng sản nhưng khi đã không còn phục vụ quân đội, tôi chưa bao giờ mặc lại bộ quân phục bất kể trong trường hợp nào. Theo tôi, khi đã về là dân thường mình trân trọng bộ quân phục chỉ để làm kỷ niệm (dù là của chế độ nào).

Sự xuất hiện của nhiều nhóm, hội thích mặc quân phục của chế độ VNCH hoặc Mỹ theo tôi nghĩ cũng chỉ là ý thích “vớ vẩn”  mà đó cũng quyền tự do của họ (quyền con người) chẳng ảnh hưởng đến ai chứ không như nhận định trên báo Nhân dân nhận định là “tiềm ẩn” này nọ. Nhận định đó rất ấu trĩ và hoang tưởng của đám tuyên giáo cộng sản. Đó là nhận xét của tôi.”

Một số cơ quan truyền thông khác như báo Công an Nhân Dân, báo Công an Sơn La có những bài viết phê phán những người thích mặc trang phục giống quân phục VNCH, gọi họ là những người “thiếu hiểu biết”; là “những kẻ dị hợm”.

Theo tác giả bài viết “Một sở thích lố bịch và phản cảm” trên báo Nhân Dân, nếu không tỉnh táo nhận diện và ngăn chặn rất có thể trào lưu “thời trang lính Việt Nam Cộng Hòa” sẽ bị các đối tượng phản động, thù địch triệt để khai thác, lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Thậm chí các hội nhóm này có thể trở thành mục tiêu hướng đến của các tổ chức phản động, trở thành các tổ chức ngoại vi, phục vụ cho hoạt động chống phá đất nước.

Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí nêu quan điểm của ông với RFA sáng 25 tháng 4 rằng, nếu mặc quân phục lính Đức Quốc Xã hay lính Pol Pot Ieng Sary – những lực lượng bị tòa án quốc tế kết tội là phát xít hay diệt chủng – là điều hoàn toàn không nên, thậm chí bị cấm đoán. Còn với những người mặc quân phục giống lính VNCH, ông Trí nêu quan điểm:

Nhìn họ mặc như vậy, những người luôn luôn cảm thấy sợ hãi “các thế lực thù địch” thì đương nhiên họ sẽ thấy là lố bịch, phản cảm. Họ sợ rằng người ta sẽ liên tưởng đến quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Còn đối với những người dân như chúng tôi thì chúng tôi thấy nó hoàn toàn bình thường. Đấy là sở thích cá nhân. Miễn nó không vi phạm pháp luật, không bị điều luật nào cấm.

Luật thì mỗi nước mỗi khác, nhưng tôi nghĩ, đến giờ phút này mà công an hoặc lực lượng chức năng chưa xử lý thì chắc không có luật nào bắt tội họ. Nếu có thì xử lý ngay rồi. Họ phải dùng truyền thông. Mà theo tôi, đó là ý kiến của một cá nhân nào đó thôi chứ dư luận xã hội chẳng ai quan tâm.”

Vậy pháp luật Việt Nam có cấm người dân mặc quân phục VNCH hay không? Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên Facebook cá nhân của ông từ năm 2017 rằng: Luật pháp quy định quân phục cùng với vũ khí quân dụng … thuộc nhóm A, có trong danh mục hàng hóa cấm kinh doanh (Nghị Định số 59/2006/NĐ-CP thi hành Luật Thương mại). Và chỉ trong phạm vi cấm kinh doanh mà thôi. Dĩ nhiên, trong giới hạn là văn bản ban hành với mục đích thi hành Luật Thương mại, cho nên, Nghị định số 59/NĐCP không quy định cấm đoán người dân sở hữu, sử dụng quân phục.

Cũng theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, nếu người dân không phải là quân nhân, nhưng khoác vào mình bộ quân phục với đầy đủ phù hiệu, quân hiệu, cấp hiệu chỉ với mục đích lấy oai, khoe khoang mà không có hành vi vi phạm pháp luật thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông kết luận: “Công dân có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm đoán”.

Nhìn họ mặc như vậy, những người luôn luôn cảm thấy sợ hãi “các thế lực thù địch” thì đương nhiên họ sẽ thấy là lố bịch, phản cảm. Họ sợ rằng người ta sẽ liên tưởng đến quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Còn đối với những người dân như chúng tôi thì chúng tôi thấy nó hoàn toàn bình thường. Đấy là sở thích cá nhân. Miễn nó không vi phạm pháp luật, không bị điều luật nào cấm. – Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí

Tuy pháp luật không cấm nhưng anh Nguyễn Viết Dũng, một người bất đồng chính kiến sau khi ra tù lần thứ nhất khẳng định: “Đúng là họ bắt tôi vì bộ đồ hơn là hành động tôi đi biểu tình bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, nhưng tôi không bao giờ hối hận điều này mà còn tự hào về điều đó nữa”.

Anh Nguyễn Viết Dũng bị bắt lần đầu vào tháng 4 năm 2015 khi ra Hà Nội tham gia biểu tình tuần hành chống chặt cây xanh, với chiếc áo thun đen có in hình quốc huy Việt Nam Cộng Hòa và dòng chữ tiếng Anh có nghĩa “dân không sợ chính quyền, chỉ có chính quyền mới sợ dân”. Anh Nguyễn Viết Dũng bị tuyên 15 tháng tù với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng”.

Đến ngày 27 tháng 9 năm 2017, Nguyễn Viết Dũng bị bắt lần hai với cáo buộc về việc cắm cờ vàng ba sọc đỏ và các bài đăng trên trang cá nhân bày tỏ chính kiến của bản thân. Anh bị đưa ra tòa xử sơ thẩm vào tháng 4 năm 2018 và bị tuyên án bảy năm tù giam và năm năm quản chế. Phiên phúc thẩm vào tháng 8 sau đó, tòa giảm một năm tù giam xuống còn sáu năm tù giam.

 

Related posts