Ở Việt Nam ngày nay, dường như Hồ Chí Minh không còn được xem là một nhân vật lịch sử thuần túy mà là một cái gì đó thuộc về “hiện tại”, hiện diện trong không gian tâm linh của đền chùa và gia đình.
Thờ phụng Hồ Chí Minh: một hiện tượng chính trị?
Những năm gần đây, các trang thông tin của chính quyền các địa phương và báo chí nhà nước có nhiều bài ca ngợi “phong tục” thờ phụng Hồ Chí Minh như một “nét đẹp văn hóa”. Báo Quân đội Nhân dân có bài ca ngợi việc thờ phụng Hồ Chí Minh của “nhân dân các dân tộc” tỉnh Gia Lai. Báo Giao thông của Bộ Giao thông có bài ca ngợi một số người dân ở Bạc Liêu lập bàn thờ Hồ Chí Minh trong nhà. Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau có bài ca ngợi một số cựu chiến binh cũng làm như thế. Trang tin điện tử của tỉnh Trà Vinh, Gia Lai, Long An, Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hà Tĩnh… có bài ca ngợi một số người dân trong tỉnh thờ Hồ Chí Minh. Báo Dân tộc, cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc, cũng có bài ca ngợi một số gia đình người dân Khmer lập bàn thờ Hồ Chí Minh. Tại “Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh” ở Hà Nội cũng có bàn thờ Hồ Chí Minh mà lãnh đạo Nhà nước Việt Nam thường đến thắp hương vào một số dịp quan trọng. Ban Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên Huế từng mở hội thi thiết kế bàn thờ Hồ Chí Minh.
Theo tìm hiểu sơ lược bước đầu của chúng tôi, chính quyền địa phương ở hầu khắp Việt Nam xây dựng “Đền thờ Bác Hồ” trong tỉnh mình. Một số đền, chùa cũng có bàn thờ Hồ Chí Minh. Theo một bản tin của báo Cần Thơ, cơ quan ngôn luận của Đảng ủy Cần Thơ, ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hiện có khoảng ba mươi đền thờ Hồ Chí Minh. Hầu hết các tỉnh đều có nơi thờ tự Hồ Chí Minh như vậy, đơn cử như Quảng Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Bình… và nhiều nơi khác. Đặc biệt, báo Đảng Cộng sản cho biết có đền thờ Hồ Chí Minh trên đỉnh núi Ba Vì, nơi được xem là đỉnh núi thiêng của Việt Nam (nơi ngự của thần Tản Viên) trong truyền thuyết.
Các đền thờ Hồ Chí Minh do nhà nước xây dựng ở khắp Việt Nam thường đi kèm với tượng đài Hồ Chí Minh do nhà nước xây dựng. Năm 2004, Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên công bố quy hoạch tượng đài Hồ Chí Minh đến 2010. Năm 2015, Chính phủ Việt Nam công bố quy hoạch tượng đài Hồ Chí Minh đến năm 2030. Tháng 8 năm 2022, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Việt Nam cho biết “trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện có khoảng 700 di tích, 30 tượng đài, quảng trường và hơn 100 công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Cùng với mạng lưới các tượng đài, đền thờ, và truyền thông ca ngợi việc thờ phụng Hồ Chí Minh tại nhà, ở Việt Nam cũng xuất hiện cả dịch vụ trang trí, thiết kế bàn thờ Hồ Chí Minh. Tìm từ khóa “bàn thờ Bác Hồ” trên Google, chúng tôi tìm thấy nhiều trang mạng quảng cáo dịch vụ như vậy.
Hồ Chí Minh cũng là một hiện tượng gây ra tranh cãi và xung đột trên mạng xã hội Việt Nam, giữa một bên là những người sùng kính ông như một bậc thánh, một đối tượng tín ngưỡng, và một bên là những người muốn nhìn ông như một nhân vật lịch sử thuần túy, thông qua những chứng cứ lịch sử mà họ đánh giá là chính xác và khách quan.
Trong học thuật quốc tế, Giáo sư sử học Olga Dror ở Đại học Texas A&M từng công bố trên tạp chí Asian Studies một nghiên cứu về sự hình thành “tín ngưỡng Hồ Chí Minh” (Hồ Chí Minh’s Cult) và các biến tướng của nó ở Việt Nam.
Nguồn gốc ban đầu của tín ngưỡng Hồ Chí Minh
Trao đổi với RFA, Giáo sư Olga Dror cho rằng đây là một hiện tượng rất thú vị bởi vì tín ngưỡng này mới chỉ được chế ra từ năm 1945 và đã biến đổi khác nhau ở những giai đoạn khác nhau ở Việt Nam. Theo bà, hiện nay Hồ Chí Minh vẫn ngự trị trong không gian cảm xúc và chính trị ở Việt Nam. Bởi vì ngay từ ban đầu, vai trò chính trị của ông ấy đã chồng lấn lên cảm xúc cộng đồng. Bởi lẽ, ngay từ đầu, tín ngưỡng đối với ông ấy được xây dựng để dạy người dân nhìn về chủ nghĩa xã hội như là một cái gì tất yếu. Bà nói về hoàn cảnh ra đời của tín ngưỡng này:
“Cần nhớ rằng vào năm 1945, ông Hồ Chí Minh đã không ở trong nước trong khoảng 30 năm. Ông ấy khác các nhà lãnh đạo cộng sản khác ở điểm này. Chẳng hạn, Mao Trạch Đông của Trung Quốc thì luôn ở trong nước, tất cả các nhà lãnh đạo của cách mạng cộng sản Nga đều ở trong nước. Ngược lại, năm 1945 thì không ai ở Việt Nam biết Hồ Chí Minh là ai, hay ông ta có ý nghĩa, vai trò gì. Vì vậy, đối với ông ấy, việc giới thiệu mình với người dân là rất quan trọng. Và ông ấy giới thiệu bản thân với nhân dân bằng một kiểu tín ngưỡng.”
Xây dựng CNXH bằng cảm xúc cộng đồng
Theo Giáo sư Olga, ở các giai đoạn sau, về mặt chính trị, người ta dùng Hồ Chí Minh để cột chặt người dân vào nhà nước. Sở dĩ Hồ Chí Minh có vai trò lịch sử này là vì hoàn cảnh kinh tế, xã hội đa phần là nông dân, nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam đương thời.
“Lúc đó Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp. Không có nhiều người hiểu biết sự khác biệt giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội cũng như chủ nghĩa cộng sản, ngoại trừ một số ít người thuộc tầng lớp tinh hoa. Hầu hết người dân, giống như ở bất kỳ quốc gia nào, họ muốn làm ruộng chăm chỉ nuôi gia đình.
Và rất khó để giải thích cho người dân tất cả sự khác biệt giữa các thể chế, theo kiểu tại sao chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản tốt hơn nhiều so với chế độ phong kiến hay chủ nghĩa tư bản.
Ở Việt Nam thời đó, rất ít người hiểu sự khác biệt giữa các thể chế đó một cách đúng đắn. Và thực tế là thời đó không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Nga, nếu bạn hỏi thì hầu hết mọi người không hiểu các thể chế đó khác nhau ra sao.
Vì vậy, đối với Hồ Chí Minh lúc đó, có một cách thu phục nhân tâm hiệu quả hơn nhiều cách giải thích sách vở. Đó là cách sử dụng cảm xúc. Họ chọn con đường thao túng cảm xúc cộng đồng, tạo ra một cảm xúc cộng đồng, thay vì nhắm đến mục tiêu tạo ra một cộng đồng trí tuệ dựa trên tri thức.”
Theo Giáo sư Olga, đó là bối cảnh chính trị chủ yếu của việc Hồ Chí Minh trở thành tâm điểm của loại tín ngưỡng. Ông có chức năng tạo dựng nên cảm xúc cộng đồng vào thời đó. Đó là hình ảnh của người “bác”, tức “anh ruột của cha” trong gia đình, rất được yêu mến. Bà chỉ ra rằng với đa số nông dân không hiểu lắm về các thể chế chính trị, họ dễ dàng chấp nhận chế độ xã hội chủ nghĩa thông qua hình ảnh một lãnh tụ có vai trò giống như là “một người bác của gia đình và của cả dân tộc.”
Những ai tham gia tạo ra “tín ngưỡng Hồ Chí Minh”?
Giáo sư Olga Dror chỉ ra rằng có hai nhân tố đã tham gia vào quá trình tạo ra tín ngưỡng Hồ Chí Minh ở Việt Nam, bao gồm nhà nước Việt Nam và bản thân Hồ Chí Minh.
“Bản thân Hồ Chí Minh đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng nên tín ngưỡng Hồ Chí minh ở Việt Nam. Ông ấy tích cực, chủ động trong việc xây dựng tín ngưỡng này. Một phần vì ông ấy không tin người khác trong việc tạo ra tín ngưỡng về mình.
Ông ấy đã viết sách có tính chất tiểu sử về bản thân với những bút danh khác nhau. Trong đó, ông ca ngợi mình là một người khiêm tốn, không muốn tự nói về mình, không muốn kể về mình với các nhà báo. Nhưng rồi thì cuối cùng ai cũng rõ là ông ấy tự viết về mình. Đó là một chi tiết rất thú vị. Vì chúng ta biết là Lenin ở Nga hay Mao Trạch Đông ở Trung Quốc không tham gia vào việc tự ca tụng họ. Đó là việc của hệ thống tuyên truyền. Khi Hồ Chí Minh bị suy giảm quyền lực ở thập niên 1960s, ông ấy có nhiều thời gian hơn, viết nhiều hơn.”
Theo Giáo sư Olga Dror, sau khi Hồ Chí Minh qua đời thì Nhà nước Việt Nam tiếp quản việc ca tụng ông ấy và duy trì tín ngưỡng đối với ông ấy. Giáo sư Olga chỉ ra rằng có thể thấy điều này từ quá trình đi đến quyết định ướp thi hài Hồ Chí Minh bởi các chuyên gia Liên Xô đã chuẩn bị cho việc ướp thi hài Hồ Chí Minh ngay khi ông ấy còn sống:
“Các bạn biết đấy, ban đầu ông ấy không muốn ướp xác sau khi chết, nhưng cuối cùng thì dường như ông ấy đã đồng ý với Đảng là Đảng sẽ làm mọi thứ họ thấy cần thiết.
Bởi vì chúng ta biết là khi ông ấy bị ốm, các chuyên gia Liên Xô đã luôn túc trực ngoài cửa để sẵn sàng xử lý ngay sau khi ông ấy chết cho kịp thời để xác chết không bị thối rữa. Họ đã xây lăng, rồi ướp xác ông ấy với sự hỗ trợ của Liên Xô.”
Ngày nay, hình tượng Hồ Chí Minh vẫn thực sự quan trọng với cả hệ thống chính trị. Giáo sư Olga chỉ ra rằng “bây giờ ông ấy vẫn ngự trị trong không gian cảm xúc và chính trị này, vì theo thời gian, tính chất chính trị của ông ấy trùng khớp với hệ thống cộng sản chính thức. Mọi người được dạy về mối quan hệ nhân quả giữa ông ấy và hệ thống chính trị XHCN. Điều đó thực sự quan trọng cho cả hệ thống.”
Tín ngưỡng Hồ Chí Minh trong xã hội Việt Nam ngày nay
Giáo sư Olga Dror nhận định rằng cuộc Đổi mới năm 1986 đã làm cho vị trí của hình tượng Hồ Chí Minh trong lòng xã hội thay đổi nhanh chóng. Bà nhớ lại:
“Năm 1988 khi tôi đến Việt Nam lần đầu, hầu hết sách vở trong nhà sách là sách về Hồ Chí Minh. Nhưng khi tôi trở lại khoảng hơn mười năm sau thì không còn thấy sách về Hồ Chí Minh chiếm áp đảo nữa mà chủ yếu là những cuốn như truyện Harry Potter. Những cuốn sách về Hồ Chí Minh chỉ còn in khoảng 1000 bản và thường là 500 bản. Thật đáng ngạc nhiên.
Vào những năm 2000, trong rạp chiếu phim, những bộ phim về Hồ Chí Minh do chính quyền tài trợ sản xuất cũng vắng bóng người xem. Khán giả không bỏ tiền ra mua vé cho những thứ đó. Kinh tế thị trường đã thay đổi tất cả.
Nhưng mặt khác, cái tính chất tôn giáo đó vẫn còn, và vị trí của Hồ Chí Minh cũng khác đi. Lãnh đạo của nhà nước giờ đây giống như những lãnh đạo thế tục, còn Hồ Chí Minh giống như đã ở trên đỉnh Olympia. Cái cộng đồng cảm xúc vẫn còn đó và được nhà nước duy trì bằng cách gắn kết Hồ Chí Minh với nhiều không gian có tính chất tôn giáo khác nhau.”
RFA đặt câu hỏi với GS Olga rằng sự tôn giáo hóa hình ảnh Hồ Chí Minh, làm cho ông trở thành động lực để duy trì tính cảm tính của cộng đồng, liệu có trở thành yếu tố ngăn cản sự khai sáng, tinh thần duy lý của xã hội hay không. Khả năng phát triển của Việt Nam sẽ ra sao nếu đó là một cộng đồng cảm xúc? Giáo sư Olga cho rằng điều này không phải là yếu tố cản trở sự phát triển của Việt Nam. Việt Nam nếu không phát triển được là vì yếu tố khác. Bà nói:
“Tôi cũng nghĩ rằng ở Việt Nam hiện tượng tín ngưỡng hóa một nhân vật lịch sử làm cho con người ta không muốn nhìn vào sự thực lịch sử nữa. Họ không muốn chất vấn, hoài nghi những câu chuyện đó. Nhưng mặt khác, nếu so sánh với Mỹ thì ta thấy nước Mỹ là nước tự do tôn giáo. Có rất nhiều loại tôn giáo, tổ chức tôn giáo sinh ra ở đó. Nhật Bản cũng có nhiều tôn giáo, nào là Phật giáo, Thiên Chúa giáo rồi Thần đạo. Thế nhưng đó là những nước phát triển. Họ vẫn phát triển được dù tôn giáo phát triển rất mạnh. Do đó sự phát triển và tôn giáo không liên quan nhiều với nhau.”