Tổng thống Philippines hôm 20 tháng 11 tiết lộ nước này đã tiếp cận Việt Nam và Malaysia để đề nghị đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) riêng biệt.
Thông tin trên được ông Ferdinand Marcos Jr. tiết lộ trong bài phát biểu diễn ra ở đảo Hawaii, Hoa Kỳ, theo hãng thông tấn Reuters.
Trước đó, vị tổng thống thứ 17 của Philippines đã gặp với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh APEC, trong bối cảnh hai nước đã xảy ra nhiều va chạm trên khu vực Biển Đông trong thời gian gần đây.
Trung Quốc và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vốn đã tiến hành đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), tuy nhiên hai bên đạt được rất ít tiến bộ thực chất dù quá trình đã kéo dài hàng chục năm.
Ông Marcos nói trong bài phát biểu, “Chúng tôi vẫn đang chờ bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng đáng tiếc thay, tiến bộ rất chậm chạp.”
Trong khi đó, một mặt Trung Quốc vẫn tiếp tục đàm phán với các nước Đông Nam Á, nhưng mặt khác lại tích cực bành trướng ảnh hưởng và tuyên bố chủ quyên trên khu vực Biển Đông.
Kể từ năm 2002 khi hai bên ký kết Tuyên bố chung về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), một văn bản không có tính ràng buộc mà chỉ thể hiện ý chí chính trị của các bên tham gia, thì Trung Quốc đã tiến hành quân sự hoá hàng loạt thực thể trên vùng biển này, và hung hăng đối đầu với các nước nhỏ hơn bằng cách áp dụng chiến thuật “vùng xám”.
Điều này khiến các nước Đông Nam Á, đặc biệt là những nước chịu tác động trực tiếp bởi yêu sách của Trung Quốc, tỏ ra chán nản với triển vọng về việc đạt được một bộ quy tắc ứng xử với cường quốc số hai thế giới, không những thế, hành xử của Trung Quốc trên thực địa, cũng đặt dấu hỏi lớn về việc liệu nước này có tuân thủ cam kết ngay cả khi một bộ quy tắc ứng xử đã được ký kết.
Trả lời phỏng vấn của đài RFA, ông Bill Hayton, nhà nghiên cứu của Chương trình châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House, và là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về Biển Đông và Trung Quốc, hôm 20/11 cho biết nhận định của ông về diễn biến mới nhất này:
“Đây là dấu hiệu cho thấy các quốc gia Đông Nam Á đang tỏ ra khó chịu, và thể hiện sự buông xuôi trước cách tiếp cận của Trung Quốc.”
Có lẽ vì thế mà Philippines, nước chịu sức ép rất lớn từ Trung Quốc trên khu vực Biển Đông, đã tìm cách loại Trung Quốc ra khỏi các sáng kiến liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền, và thay vào đó là làm việc trực tiếp với các nước Đông Nam Á khác có chung quan ngại.
Tổng thống Philippines cũng cho biết ông hy vọng rằng các nước ASEAN khác sẽ tham gia sáng kiến bộ quy tắc ứng xử này.
Trao đổi với Đài Á châu Tự do, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế ở khu vực Châu Á-Thái bình Dương, cho biết nhận định của ông về ý tưởng Philippines, Malaysia, cùng Việt Nam tạo ra bộ quy tắc ứng xử riêng trên Biển Đông:
“Tôi cho rằng đây chính là giải pháp bởi vì cần phải có một cách tiếp cận mang tính pháp lý để đối phó với chiến thuật vùng xám của Trung Quốc. Hiện giờ thì mới chỉ dừng lại ở lời nói, các nước trong khu vực cần loại bỏ Trung Quốc ra khỏi vấn đề này, và tự đàm phán với nhau, và cộng đồng quốc tế sau đó sẽ có thể ủng hộ nỗ lực của ASEAN.
Sáng kiến này trước hết sẽ giúp các nước trong khối ASEAN giải quyết các bất đồng nội bộ, dù những bất đồng đó không quá nghiêm trọng. Từ đó sẽ gây dựng được sự đoàn kết giữa các nước có tuyên bố chủ quyền. Và khiến Trung Quốc gặp rắc rối, có khi còn có thể khiến Trung Quốc rơi vào thế bị động, và bị cô lập.”
Đồng quan điểm với giáo sư Carlyle Thayer, ông Bill Hayton nhận định đây là sáng kiến tốt để giúp các nước Đông Nam Á giải quyết các bất đồng với nhau. Ngoài ra, ông còn cho rằng bước đi này sẽ giúp các nước ASEAN buộc Trung Quốc phải xem xét lại thái độ và hành vi của họ, và phải đưa ra cách điều chỉnh:
“Nếu sau này Trung Quốc muốn tham gia thì càng tốt, họ là nước gây ra hầu hết các vấn đề trên Biển Đông, thế nên việc họ vắng mặt trong bộ quy tắc ứng xử này sẽ không giúp làm giảm đi nguy cơ xung đột. Thế nhưng, đây là ý tưởng rất tốt nhằm buộc Trung Quốc phải có những động thái rất cụ thể.”
Tuy nhiên, theo Giáo sư Carlyle Thayer thì Trung Quốc rất có thể sẽ tìm cách ngăn cản nỗ lực tìm kiếm sự đoàn kết giữa các nước ASEAN, bởi Trung Quốc từ trước đến nay vẫn một mực từ chối bất cứ cách tiếp cận đa phương nào đối với vấn đề Biển Đông:
“Trung Quốc có thể tiếp tục áp dụng chiến thuật vùng xám, nói theo cách khác thì thái độ của Trung Quốc sẽ là để mặc cho các nước Đông Nam Á cứ việc nói chuyện với nhau, nhưng Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện diện, tiếp tục thách thức, và làm suy yếu mọi nỗ lực hợp tác của các nước.
Hoặc Trung Quốc cũng có thể thực hiện ngoại giao hậu trường, gây áp lực chính trị lên các nước và nói rằng đây là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và nước liên quan, và họ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách này.”
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trong Quốc Mao Ning cảnh báo trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ hai rằng: “Bất kỳ động thái nào đi chệch khỏi khuôn khổ và đi ngược lại tinh thần của tuyên bố về cách ứng xử của các bên (DOC) ở Biển Đông đều vô hiệu”.