“Lấy dân làm gốc”: chỉ là lời nói suông!

Tại hội thảo về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, hôm 20 tháng 2 năm 2023, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh:“Dân là gốc, là trọng tâm, là trung tâm mọi quyết sách. Lòng dân, sự hài lòng của dân là thước đo quan trọng nhất về chất lượng các chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước”.

Ông Thưởng nhắc lại, ngoài lợi ích nhân dân thì đảng không còn lợi ích nào khác. Do đó, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân phải là điểm xuất phát quan trọng của mọi đường lối, chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

“Lấy dân làm gốc” được cho là mục tiêu, chủ trương, đường lối, chính sách của đảng và nhà nước Việt Nam mà ông Hồ Chí Minh trong vai trò chủ tịch nước từng nêu ra. Theo đó, đảng và nhà nước phải phát huy tinh thần làm chủ và tinh thần sáng tạo của nhân dân; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Ông Võ Minh Đức, người từng là sĩ quan chính trị trong quân đội từ những năm 90, nêu quan điểm của mình với RFA:

“Từ xưa đến giờ, về mặt tuyên truyền, về mặt hình thức cũng như phát ngôn từ các quan chức thì vẫn nói ‘lấy dân làm gốc’. Trong thực tiễn, tôi thấy họ ‘lấy dân làm thớt’ nhiều hơn. Nhiều chính sách không hợp lòng dân, làm mất niềm tin của dân.”

Tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5 hôm 10 tháng 5 năm 2022, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc, phải tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; phải dựa vào nhân dân để xây dựng đảng và rèn luyện đảng viên.

Cả một quá trình dài từ khi ra đời, chủ yếu đảng Cộng sản Việt Nam lợi dụng sức mạnh, lợi dụng cái gọi là tinh thần của lực lượng nhân dân để đạt được mục đích của mình là giành chính quyền. Chứ họ không thực sự vì dân, vì lợi ích của nhân dân. Không thực sự phục vụ lợi ích của nhân dân. – Vũ Minh Trí 

Nhiều người cho rằng, nếu đảng và nhà nước thật sự lấy dân làm gốc thì phải lắng nghe những ý kiến, những khát vọng của nhân dân và đổi mới về mặt thể chế chính trị. Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí nhận định:

“Cả một quá trình dài từ khi ra đời, chủ yếu đảng Cộng sản Việt Nam lợi dụng sức mạnh, lợi dụng cái gọi là tinh thần của lực lượng nhân dân để đạt được mục đích của mình là giành chính quyền. Chứ họ không thực sự vì dân, vì lợi ích của nhân dân. Không thực sự phục vụ lợi ích của nhân dân.

Nếu thật lòng có dân là gốc thì không việc gì phải đe nẹt, phải sợ dân cả mà cho thành lập báo chí tư nhân, tự do ngôn luận và trả lại quyền tự do bầu cử, ứng cử cho nhân dân. Chứ bây giờ, những nhân vật gọi là tứ trụ của Việt Nam, có nhân vật nào do dân bầu ra đâu.

Tôi đã từng ở trong đảng Cộng sản Việt Nam hơn 20 năm thì tôi thấy rằng, không nên tin bất cứ một điều gì họ nói cả, kể cả những cuộc cách mạng.”

Ông Vũ Minh Trí nhắc lại cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 bị nhiều vị lão thành cách mạng, những chiến sĩ tham gia cuộc cách mạng gọi là cuộc cách mạng bị phản bội. Bởi những mục tiêu đề ra ở những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa đã khác đi. Đến hôm nay, người dân bị tước đoạt không phải chỉ quyền tự do ngôn luận, mà cả quyền sống, quyền làm người.

Một ví dụ nữa cũng được ông Trí nêu ra để chứng minh đảng không coi trọng quyền lợi của dân, đó là khi chưa có chính quyền thì họ nêu khẩu hiệu ‘người cày có ruộng’ để ‘nhử’ nông dân đi theo. Đến khi có chính quyền rồi thì họ thành lập hợp tác xã bậc thấp, rồi hợp tác xã bậc cao. Cuối cùng ruộng đất của nhân dân vào hết hợp tác xã. Đến bây giờ, cả thành thị lẫn nông thôn về mặt luật pháp là dân không được quyền sở hữu đất đai nữa.

7a2b2c6e-300e-47cf-8ff2-57eaaf10e035.jpeg
Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 10 năm 2019. AFP

Thật ra, tự do báo chí và tự do ngôn luận; tự do lập hội và hội họp; tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương… từng được nêu ra trong bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” năm 1919, tức cách đây hơn 100 năm, do một nhóm người Việt Nam yêu nước soạn thảo và ký bằng cái tên chung là Nguyễn Ái Quấc (Quốc).

Đến năm 2019, 100 tổ chức và cá nhân người Việt trong và ngoài nước soạn ra bản “Yêu sách 8 điểm năm 2019 của người dân Việt Nam”. Bản yêu sách này cũng yêu cầu thực thi quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, công nhận báo chí tư nhân, chấm dứt chế độ kiểm duyệt dưới mọi hình thức (bao gồm các quy định kiểm soát thông tin trên mạng); ban hành và thi hành nghiêm túc luật về hội với nội dung bảo đảm quyền tự do lập hội và tự do hội họp; đảm bảo quyền tự do cư trú và đi lại trong nước, quyền tự do ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về.

Lấy dân làm gốc; được giám sát hoạt động của đảng, của chính phủ và của cả hệ thống chính trị… là những điều được nhắc đi nhắc lại tại các buổi tiếp xúc cử tri của các vị lãnh đạo cấp cao. Thậm chí, một trang tin điện tử của đảng ra đời vào tháng 10 năm 2020 với mục đích được nói là nơi trao đổi, tiếp nhận và phản hồi ý kiến của các tổ chức chính trị – xã hội, các cán bộ lão thành, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, kiều bào, các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý với đảng.

Thực tế, người dân chẳng dám góp ý với đảng, bởi nếu góp ý thì dân phải đưa những khuyết điểm, những nhược điểm, cái phản khoa học và cái sai trái ra cho họ thấy. Kết quả là người góp ý bị vu cho tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ và bị tù.

Đại hội đảng lần thứ VI năm 1986 đã tổng kết những bài học quan trọng trong toàn bộ hoạt động của mình. Theo đó, bài học đầu tiên là phải quán triệt tư tưởng “Dân là gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân lao động.

Việc phải nêu lên bài học đầu tiên như thế được một số nhà quan sát nhận định rằng, điều đó chứng tỏ trong một giai đoạn rất dài, dân không được coi là gốc. Đảng không lấy dân làm gốc mà chỉ dựa vào dân, lợi dụng sức mạnh của nhân dân để đạt được những mục đích của đảng. Chính vì lẽ đó mà xung đột về mặt lợi ích giữa nhân dân và đảng, chính quyền không giảm đi mà tăng lên hàng năm.

Giáo sư Mạc Văn Trang cho rằng, bất cứ nhà nước cộng sản nào cũng là một nhà nước tiếm quyền dân. Họ không coi dân là gốc mà coi dân là sự đối đầu. Bất cứ ai lên tiếng góp ý trái quan điểm nhà nước thì bị tù. Người dân tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa; ngày bị Trung Quốc tấn công… thì bị ngăn cấm. Người dân biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo thì bị bắt bớ, bị đánh đập.

Do đó, phát biểu của Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng “Dân là gốc, là trọng tâm, là trung tâm mọi quyết sách” chỉ là lời nói suông.

Related posts