Bằng động thái yêu cầu các tỉnh thành rà soát lại các đơn thư, ông Lưu Bình Nhưỡng có khả năng sẽ bị khởi tố thêm tội danh khác nữa trong thời gian tới – một chuyên gia luật trong nước nhận định.
Động thái bất thường
Công an tỉnh Thái Bình, hôm 1/12, gởi công văn tới chủ tịch UBND các tỉnh thành khác, đề nghị rà soát toàn bộ các văn bản, bao gồm kiến nghị, phiếu chuyển đơn hoặc văn bản khác, do ông Lưu Bình Nhưỡng ký từ năm 2017, với tư cách là đại biểu Quốc hội hoặc Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội.
Mục đích của công văn này đề nghị các tỉnh khác phối hợp với Công an Thái Bình cung cấp thêm thông tin, tài liệu để mở rộng điều tra vụ án “cưỡng đoạt tài sản” liên quan tới ông Lưu Bình Nhưỡng và Phạm Minh Cường (Cường Quắt) tại tỉnh này.
Theo thông tin từ Công an Thái Bình cung cấp cho truyền thông trong nước, ông Phạm Minh Cường bị bắt từ ngày 29/4/2022 với cáo buộc là người cầm đầu băng nhóm, móc nối với nhiều người từng có tiền án tiền sự để thực hiện hành vi bảo kê, hành hung người khác… trên địa bàn huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) từ năm 2020 đến năm 2022.
Cũng theo công an Thái Bình, nhóm này còn gây rối trật tự công cộng hoạt động khai thác và cung cấp cát biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự, trật tự xã hội ở một số huyện ven biển tỉnh Thái Bình.
Sau khi có yều cầu từ Công an tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin cho truyền thông Nhà nước biết Thanh tra tỉnh này hiện đang đôn đốc các địa bản trên toàn tỉnh thống kê danh sách các đơn, văn bản do ông Nhưỡng ký gởi.
Một luật gia ở TPHCM, yêu cầu không nêu danh tính vì lý do an ninh nhận định, do toàn bộ công văn của Công an Thái Bình không được công khai nên khó nhận định chính xác được tính pháp lý.
Tuy nhiên, ông này cho rằng vụ án “cưỡng đoạt tài sản” mà ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc có liên quan chỉ diễn ra trong phạm vi tỉnh Thái Bình, nên động thái này của công an Thái Bình là bất thường:
“Nếu đó là văn bản mang tính chất là cơ quan tố tụng mà yêu cầu cung cấp theo dạng điều tra thì nó lại là chuyện bất thường và thể hiện sự vô lý.
Đang điều tra về vụ “cưỡng đoạt tài sản”, mà cũng chưa biết vai trò của ông Nhưỡng trong vụ án này như thế nào. Thế mà bây giờ lại đi yêu cầu cung cấp phiếu chuyển đơn và tất cả các văn bản thì kể cả những người không có chuyên môn cũng thấy là không có sự liên quan giữa hai vụ đó với nhau, thì nó bất thường ở chỗ đó.”
Ông Lưu Bình nhưỡng đã thường xuyên tiếp xúc, tiếp nhận đơn từ những trường hợp dân oan kêu cứu bao gồm án tử hình oan, dân khiếu kiện đất đai để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết… Đó cũng là một trong các nhiệm vụ quan trọng của ông Nhưỡng với tư cách là Phó ban dân nguyện Quốc hội, và trước đây là Đại biểu Quốc hội.
Khả năng bị khởi tố thêm tội danh?
Sau khi ông Nhưỡng bị bắt và khởi tố vào hôm 14/11, luật sư Lê Quốc Quân, học trò cũ của ông Lưu Bình Nhưỡng tại Đại học Luật Hà Nội, bày tỏ lo ngại với RFA rằng có thể sắp tới ông Nhưỡng sẽ bị khởi tố thêm về các tội danh khác:
“Điều tôi lo ngại là người ta có thể khởi tố thầy về những điều khác nữa, ví dụ điều gì đó liên quan đến tham nhũng.”
Luật gia giấu tên cũng cùng quan điểm, ông cho rằng bằng động thái rà soát lại các đơn thư, ông Nhưỡng có thể sẽ bị khởi tố thêm tội danh khác nữa, ví dụ như “Lợi dụng chức vụ quyền hạn”…
“Ngay từ khi ông ấy bị bắt về tội “cưỡng đoạt tài sản” thì tôi đã nghĩ tới chuyện là ở đằng sau đó là một mục đích chính trị.
Sau khi ông ấy có những phát biểu chỉ trích Bộ Công an thì tất cả các đại biểu ngành công an và ngành Nội chính đều chĩa mũi dùi vào ông ấy rất nhiều, ngay cả Đảng ủy công an trung ương trước đây còn có một văn bản gửi cho đoàn quốc hội yêu cầu xử lý ông này về những phát ngôn của ông ấy.
Vì đã có sự hiềm khích giữa ngành công an với ông Nhưỡng rồi cho nên cũng có thể ở bên trong cũng ngấm ngầm muốn “bới lông tìm vết” để tìm ra một cái sai phạm gì đấy của ông ấy để xử lý, khởi tố thêm.”
Trước khi bị bắt, ông Nhưỡng đã nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông bới các phát biểu khá thẳng thắn, dám chỉ trích khuyết điểm của cả “siêu bộ” Công an và Quốc hội.
Đáp lại, Đảng ủy Công an Trung ương hồi năm 2018 đã từng gởi văn bản yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội xem xét, xử lý về một số đánh giá, nhận xét của ông Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, từ Hoa Kỳ, lại cho rằng hiện chưa đủ cơ sở để nhận định liệu ông Nhưỡng có bị “án chồng án” hay không. Tuy nhiên, theo luật sư này, việc mở rộng điều tra ra các tỉnh thành vẫn không nằm ngoài mục đích phủ nhận toàn bộ uy tín cũng như công sức của ông Lưu Bình Nhưỡng đã thực hiện trong tư cách là đại biểu Quốc hội:
“Chưa có cơ sở để xác định là có thêm tội danh hay không; Nhưng mà tôi cho rằng việc mà họ làm nhằm mục đích là phủ nhận việc cả một quá trình mà ông ấy (Lưu Bình Nhưỡng – PV) đã làm như một đại biểu Quốc hội, với mục đích của họ được thể hiện rất rõ ràng rằng là ông ấy sẽ vụ lợi trong tất cả các vụ việc đấy; và điều đó sẽ bôi nhọ tư cách đạo đức của ông Nhưỡng và nó sẽ thuyết phục được với công chúng là việc bắt giữ ông ấy là không có oan.