Ấn Hoàng Đế Chi Bảo hồi hương là ấn giả hay thật?

Tiếp theo phần trước, liên quan đến Ấn Hoàng Đế Chi Bảo hồi hương là “ấn giả” hay thật, RFA trao đổi với một số chuyên gia về lịch sử triều Nguyễn và cung đình Huế về thông tin chiếc ấn triều Nguyễn từ thời Minh Mạng đã bị thất lạc và chiếc ấn truyền lại sau đó là “ấn giả”. Đây là thông tin được nêu trong sách  “A Lifetime In The Eye Of The Storm” do TS. Nguyễn Văn Châu, nguyên giáo sư Luật khoa và Văn khoa ở Sài Gòn trước 1975, chấp bút. Cuốn sách ghi lại những hồi ức và cuộc đời của bà Ngô Đình Thị Hiệp, con gái Thượng thư Ngô Đình Khả và em gái cố TT. Ngô Đình Diệm, về những gì bà chứng kiến và được kể lại về vương triều Nguyễn và lịch sử Việt Nam sau 1945. 

Chiếc ấn thất lạc không phải là Hoàng Đế Chi Bảo 

Trao đổi với RFA về thông tin trong sách “A Lifetime In The Eye Of The Storm” nêu trên, TS. Trần Đức Anh Sơn, hiện giảng dạy tại Trường Đại học Đông Á, Đà Nẵng, và nguyên là Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, cho biết theo một thông tin của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thì chiếc ấn vua Hàm Nghi mang theo và thất lạc trong rừng là ấn “Ngự Tiền Chi Bảo” làm từ thời vua Gia Long. Ở đây không có thông tin về ấn “Hoàng Đế Chi Bảo” truyền từ thời Minh Mạng bị thất lạc. Theo ông, thông tin của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I là đúng.

TS. Trần Đức Anh Sơn nhấn mạnh lý do là khi vua Hàm Nghi rời kinh thành Huế, nhà vua khó có thể mang theo quốc ấn Hoàng Triều Chi Bảo mà chỉ mang theo một số tư ấn của mình. Nếu vua Hàm Nghi mang theo quốc ấn khi rời kinh thành, trong đó có ấn Hoàng Đế Chi Bảo, thì khi phát dụ Cần Vương tại Tân Sở năm 1885, không có lý do gì ông không đóng quốc ấn này lên dụ quan trọng này. Dụ Cần Vương không được đóng bằng quốc ấn. Vị chuyên gia về cung đình Huế giải thích 4 cơ sở để phán đoán như vậy:

Thứ nhất, nhà Nguyễn có hai loại ấn. Một là quốc ấn hay công ấn, dùng để đóng lên các văn bản công của quốc gia. Hai là các tư ấn. Tư ấn thì vua có mà quan cũng có. Ví dụ vua Tự Đức có nhiều tư ấn, trong đó hai bộ còn trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, làm bằng ngà. Một số tư ấn khác của Tự Đức làm bằng bạc và vàng. Tư ấn của vua Tự Đức được đóng trên các tập sách văn chương của ông. Tư ấn triều Nguyễn thường có 4 hình dạng: một là hình chữ nhật, hai là hình bầu dục, ba là hình tròn, bốn là hình có các góc. Kích thước tư ấn nhỏ hơn quốc ấn rất nhiều. Quốc ấn thường có hình vuông, kích thước lớn, có cái một cạnh dài khoảng 1 decimeter. Các quốc ấn thường khác chữ triện, còn tư ấn khắc chữ chân hoặc chữ lệ. 

Thứ hai, quốc ấn làm bằng vàng, bạc, kích thước lớn, được đặt tại điện Cần Chánh. Vua không tự tay đóng quốc ấn vào các chiếu, chỉ, mà chỉ soạn văn bản, rồi người đứng đầu điện Cần Chánh, gọi là Cần Chánh điện Đại học sĩ, tương đương với chức Chánh văn phòng Chủ tịch nước ngày nay, sẽ đóng vào. Hoặc các quan có chức vụ cao liên quan đến vấn đề cũng có thể đóng dấu.  

Vua sống ở trong điện Càn Thành, còn các quốc ấn thì đặt tại điện Cần Chánh. Vua làm việc hàng ngày ở điện Cần Chánh. Các quan đến tiếp kiến vua tại điện Cần Chánh 4 ngày trong tháng, là ngày 5, 10, 20, 25 âm lịch. Còn ngày 1 và 15 thì vua ở điện Thái Hòa, các quan sẽ diện kiến vua tại đây.    

Các tư ấn được đặt tại chỗ vua ở, còn các quốc ấn được đặt tại điện Cần Chánh, và triều đình quy định rõ về thời điểm sử dụng quốc ấn: dịp trước Tết, khoảng 23 tháng chạp, người ta làm lễ phong ấn, tức là niêm phong các quốc ấn trong hộp. Đến ngày 7 tháng giêng thì người ta mới mở quốc ấn ra, bắt đầu làm việc lại. 

Thứ ba, khi xảy ra vụ phản công kinh thành Huế, vào rạng sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi không phải là người chủ động. Người chủ động là Tôn Thất Thuyết. Lúc đầu, khi tấn công qua quân Pháp, lúc đầu phía nhà Nguyễn có vẻ thắng lợi, cho nên vua Hàm Nghi lúc đó mới 12 tuổi, vẫn ở trong điện Càn Thành, toàn bộ trận tiền được giao cho những người ở phía ngoài. 

Vua Hàm Nghi không ở tâm thế của người thua cuộc, không nghĩ mình phải bỏ chạy, nên không có lý do gì để ông chuẩn bị sẵn để mang các quốc ấn bên điện Cần Chánh rút lui vào rừng sâu. Nhưng bất ngờ với phía nhà Nguyễn là Pháp bất thình lình có người mở cho quân Pháp vô, đốt được một kho đạn làm cho phát nổ. Khi quân Nguyễn đang đánh mặt trước mà mặt sau nổ kho đạn thì bị vỡ trận. Triều đình phải rút khỏi kinh thành. Quân Pháp tràn vào hoàng cung, cuớp phá, vơ vét, sau này dùng cả một chiếc tàu để chở về các đồ quý cướp được. 

Trong tình huống như vậy, vua Hàm Nghi chỉ có thể mang theo những chiếc tư ấn ở chỗ mình ở. Khả năng ông sang điện Cần Chánh, lấy quốc ấn để mang theo kháng chiến, trong hoàn cảnh như vậy, là khó xảy ra. 

Căn cứ vào những điều trên, TS. Trần Đức Anh Sơn cho rằng vua Hàm Nghi không thể mang theo quốc ấn Hoàng Đế Chi Bảo khi rời kinh thành được mà chỉ mang theo các tư ấn thôi. Ngoài ra, theo TS. Sơn, người tham gia giám định cái ấn Hoàng Đế Chi Bảo mua về từ Pháp là TS. Phạm Quốc Cung, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, và TS. Nguyễn Văn Đoàn, đương kim Giám đốc của Bảo tàng này. Họ đều khẳng định cái ấn này là thật. 

Về giá trị của lời kể trong sách  “A Lifetime In The Eye Of The Storm”

Trong sách “A Lifetime In The Eye Of The Storm” do TS. Nguyễn Văn Châu, lời vua Thành Thái được chép lại là lời gián tiếp qua nhiều bậc: vua Thành Thái nói với các đại thần, lúc đó không có mặt ông Ngô Đình Khả, ông Ngô Đình Khả được kể lại và sau đó kể cho bà Ngô Đình Thị Hiệp, bà Hiệp kể cho ông Nguyễn Văn Châu và ông Nguyễn Văn Châu kể lại cho độc giả. TS Trần Đức Anh Sơn nhận xét rằng vì lý do trên, mức độ khả tín của thông tin này rất thấp. 

TS. Hương Nguyễn, Giáo sư sử học tại Đại học California, Irvine, cho rằng mặc dù trong sách này, lời vua Thành Thái được trích dẫn đầy đủ trong “ngoặc kép”, thông tin lịch sử về chiếc ấn như bà Hiệp nhớ lại là một loại thông tin kiểu “thâm cung bí sử”, không thể được kiểm chứng (thực ra là gần như không thể). 

Cùng quan điểm với TS. Hương Nguyễn, TS Cù Huy Hà Vũ cũng nói với RFA rằng chi tiết “chiếc ấn Hoàng triều, biểu trưng cho sự tiếp nối của vương triều Nguyễn,” “do Hoàng đế Minh Mạng truyền lại” đã bị vua Hàm Nghi làm thất lạc khi kháng chiến trong rừng sâu là sai. Vì chiếc ấn thất lạc trong cuộc kháng chiến của vua Hàm Nghi là “Ngự tiền chi bảo”. 

TS. Hương Nguyễn và TS. Cù Huy Hà Vũ có cùng một nhận xét là cuốn sách này không có giá trị của một cuốn “hồi ký”, dù nó được ông Nguyễn Văn Châu chấp bút từ lời kể của bà Ngô Đình Thị Hiệp. Cuốn sách này về cuộc đời bà Ngô Đình Thị Hiệp được viết lại thông qua nhãn quan/ngòi bút của ông Nguyễn Văn Châu. Toàn bộ cuốn sách ông Châu nói về bà Hiệp ở ngôi thứ 3, chứ không thuần tuý là bà Hiệp thuật lại câu chuyện cuộc đời của bản thân mình. Dù cuốn sách dựa trên nhiều cuộc phỏng vấn với bà Hiệp, thì ta vẫn có thể đặt nghi vấn về trí nhớ của bà Hiệp liệu đã bị mai một? Câu chuyện có thể bị “tam sao thất bản” trong nhiều bối cảnh khác nhau? Do không viết lại lời kể của bà Hiệp với tư cách viết hồi ký, tác giả Nguyễn Văn Châu có quyền biên tập / cắt xén một vài chi tiết. Do đó, cuốn sách này không tránh được khả năng bị xem là tác phẩm hư cấu. 

TS. Trương Nhân Tuấn nói với RFA rằng xem trong “Đại Nam thực lục”, quyển 9, thấy có ghi là vua Hàm Nghi khi xuất cung chỉ mang theo cái ấn “Văn lý mật sát” mà thôi. Tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I viết rằng nhà Nguyễn chỉ có hai cái ấn “Văn lý mật sát,” một làm dưới thời Gia long và một làm dưới thời Đồng Khánh. Ông cho rằng cái ấn vua Hàm Nghi đem theo là cái ấn thời Gia Long. 

Từ đó, TS. Trương Nhân Tuấn nhận xét rằng dữ kiện cái ấn thất lạc trong sách về bà Ngô Đình Thị Hiệp có thể là cái ấn “Văn lý mật sát” chớ không phải ấn “Hoàng đế chi bảo”. Có thể vua Đồng Khánh làm cái ấn khác vì cái ấn để lại từ thời Gia Long đã bị vua Hàm Nghi làm mất. Ngoài ra, theo TS. Tuấn, ngày 28 tháng 8 năm 1945, ông Phạm Khắc Hòe giao ngọc tỷ truyền quốc “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” cho chính quyền cách mạng. Chiếc ngọc tỉ này quí giá hơn cái ấn vàng kia vì nó biểu tượng quyền lực quốc gia.

——–

RFA chú thích: Chương 3 của sách “A Lifetime In The Eye Of The Storm” có thuật lại sự kiện Phụ chánh Đại thần Trương Như Cương theo Pháp, ép vua Thành Thái từ ngôi. Thượng thư Ngô Đình Khả đã từ chối kí vào thư yêu cầu vua thoái vị. Phụ chánh Đại thần Trương Như Cương và các đại thần theo Pháp đã ép vua viết chiếu thoái vị theo mẫu viết sẵn, trong đó tên người kế vị được bỏ trống. Sau khi viết lại chiếu thoái vị đó, vua Thành Thái đã nói:  

“Ấn Hoàng triều ở trong điện của trẫm. Chiếu chỉ cần phải được đóng ấn. Nhưng ấn Hoàng triều của trẫm, biểu trưng cho sự tiếp nối của vương triều Nguyễn, lại là ấn giả. Chiếc ấn thật, do Hoàng đế Minh Mạng truyền lại, như các khanh có thể đã biết, đã được Hoàng đế Hàm Nghi, vị Hoàng đế tiền nhiệm dũng cảm của ta, đưa vào rừng sau khi ngài thất bại trong cuộc nổi dậy chống Pháp. Cuối cùng, người Pháp đã bắt được Hoàng đế, nhưng Ấn Hoàng triều đã bị thất lạc trong rừng và không bao giờ tìm lại được. Này các khanh, sự kế tục vương triều ngày nay chỉ là một từ ngữ sáo rỗng. Xin Trời phù hộ các khanh trong những ngày sắp tới!” (Giáo sư Nguyễn Văn Châu,  “A Lifetime In The Eye Of The Storm”, chương III, Erin Go Bragh Publishing, 2015. RFA dịch đoạn trên.) 

Related posts