Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị án tử hình về tội “tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “đưa hối lộ” và 20 năm tù về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt là tử hình. Bản án do Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên hôm 11 tháng 4 năm 2024 được báo chí trong và ngoài nước đưa tin với nhiều bình luận.
Ngoài bình luận của các tờ báo lớn trong nước và quốc tế, một số người dân cũng đưa ra những bình luận trên mạng xã hội. Nhà báo Lưu Trọng Văn viết trên facebook cá nhân của ông, RFA đã được phép trích đăng:
“Gã mong muốn Trương Mỹ Lan không phải chết khi đổi được những kẻ thực sự là tội đồ đứng đằng sau mọi sa ngã, mọi nhúng chàm của Trương Mỹ Lan phải ra toà.
Người Sài Gòn không ai hả hê trước cái chết của Trương Mỹ Lan khi còn đó những tội đồ đã tạo nên một Trương Mỹ Lan để chúng vơ vét, cướp đoạt.
Chết là hết ư?
Không ai tin tự dưng có một Trương Mỹ Lan có thể tung tác để chiếm đoạt hàng chục tỷ đô la một cách tênh tênh như thế cả chục năm trời.
Chết là hết ư?
Chết là khép lại tất cả ư?
Nếu vậy cái chết thật vô nghĩa vì nó đem lại thở phào nhẹ nhõm cho những kẻ tạo nên Trương Mỹ Lan.
Lẽ nào Trương Mỹ Lan trước máy chém lại có thể chấp nhận mình và cả gia đình mình tan hoang còn những kẻ thật sự tội đồ lại nhơn nhơn trên đống vàng?
Chết là hết. Nhưng hy vọng khi máy chém chưa buông xuống, chưa… hết.
Chưa thể hết!”
Trao đổi với truyền thông Nhà nước sau khi kết thúc phiên tòa, Luật sư Hoàng Trọng Giáp ở Hà Nội cho rằng, nhận án tử hình chưa phải dấu chấm hết cho bà Trương Mỹ Lan, bởi bà Lan hoàn toàn có thể được tòa cấp phúc thẩm giảm án, được Chủ tịch nước ân xá, nếu bà tích cực khắc phục hậu quả vụ án. Theo quy định pháp luật hiện hành, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, bà Trương Mỹ Lan được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước. Bà Lan cũng được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày 12 tháng 4.
Trao đổi với RFA về bản án của bà Trương Mỹ Lan, ông Nguyễn Kim ở Hà Nội cho rằng, không nhất thiết phải thi hành án tử hình đối với bà Lan. Ông phân tích:
“Vấn đề án tử hình bà Lan, quan điểm của tôi là không ủng hộ lắm án tử hình bởi đây là vấn đề nhân đạo không chỉ ở Việt Nam. Rất nhiều nước trên thế giới đã bỏ án tử hình. Tuy nhiên, ở Việt Nam có một đặc thù, là nền kinh tế đang trong giai đoạn có thể gọi là tư bản hoang dã, nên lòng tham của con người vượt qua tất cả các giới hạn cho phép. Do đó có thể giữ án tử hình, nhưng để thi hành án thì cần xem xét các biện pháp để làm tăng tính răn đe. Ví dụ tịch thu toàn bộ tài sản của bà Trương Mỹ Lan và bà Đỗ Thị Nhàn. Đây là án kinh tế thì tập trung vào kinh tế chứ không nên “dùng mạng đổi mạng”.
Theo tôi, đây là một vụ án cực kỳ nghiêm trọng; số tiền hối lộ lên đến 5,2 triệu đô la cũng là số tiền cực kỳ nghiêm trọng cho nền kinh tế chứ không đơn giản. Theo quan điểm của tôi, đây là tội phạm hoạt động có tổ chức kéo dài nhiều năm, cho nên đây là một sự yếu kém rất lớn của tầng lớp lãnh đạo, đặc biệt trong ngành ngân hàng.”
Chuyện nộp tiền khắc phục thiệt hại để được giảm án từng xảy ra với ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông vào năm 2019. Tại phiên sơ thẩm, ông Nguyễn Bắc Son bị viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình với lý do là người đứng đầu, chỉ đạo xuyên suốt, nhận hối lộ với số tiền lớn nhất…. Tuy nhiên, trước khi tòa tuyên án một ngày, Hội đồng xét xử cho biết gia đình ông Son đã nộp lại toàn bộ số tiền 66 tỉ đồng để khắc phục thiệt hại trong vụ án. Ông Nguyễn Bắc Son thoát án tử hình.
Ông Nguyễn Kế ở Sài Gòn thì cho rằng, bà Lan sẽ kháng cáo. Và nếu không được giảm án thì có thể bà sẽ khai gì đó vào phút chót. Ông nói với RFA:
“Một mình bà Trương Mỹ Lan không thể làm mưa, làm gió, vượt qua bao nhiêu rào cản về quản lý để lũng đoạn SCB trong suốt hàng chục năm trời như thế. Chắc chắn đứng sau Trương Mỹ Lan phải có những “con cá mập” tạo điều kiện, tiếp tay tiếp sức. Thậm chí còn có những bộ phận tham mưu, tư vấn nữa. Nếu chỉ dừng tại đây và tuyên án tử hình mình bà Trương Mỹ Lan thì tôi thấy là có bỏ sót, bỏ lọt tội phạm. Phải truy đến cùng những người có trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tiền tệ. Còn nhiều quan chức khác nữa. Đã ăn đều thì phải chia đủ”.
Theo ông Kế, bà Trương Mỹ Lan không dễ gì chấp nhận cái chết mà không khai ra những “con cá mập” đứng đằng sau bà. Bà không để những con cá này thở phào nhẹ nhõm khi thấy bà bị thi hành án.
Vụ án này khiến dư luận nhớ lại vụ án ma túy lớn vào thập niên 90 với người cầm đầu là một cán bộ tổng cục Cảnh sát tên Vũ Xuân Trường.
Cái tên Vũ Xuân Trường bị tử tù Siêng Phênh khai ra vào sáng ngày 21 tháng 6 năm 1996, khi chuẩn bị ra pháp trường. Bất ngờ trong giây phút cái chết kề cận, tử tù này đã khai thêm nhiều đồng phạm ở Hà Nội, Điện Biên, trong đó có Đại úy Vũ Xuân Trường – cán bộ của tổng cục Cảnh sát. Vũ Xuân Trường bị thi hành án tử hình cùng một số đồng phạm vào năm 1998.