Thời gian qua, một số quan chức bị tù do những vi phạm trong quá trình công tác dù trước đó cơ quan chức năng trao cho họ khá nhiều bằng khen, huân chương…Thực chất của những tấm đó là gì?
Sáng 11 tháng 7 năm 2022, phiên phúc thẩm xét đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung diễn ra tại Hà Nội. Trước phiên xử, ông Chung thông qua luật sư gửi gần 100 bằng khen, giấy khen, huân chương, bệnh án… để tòa làm căn cứ giảm nhẹ tội.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Chung hầu tòa. Tháng 12 năm 2020, ông Chung bị tuyên năm năm tù về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” liên quan đến vụ án Nhật Cường. Tháng 12 năm 2021, ông Chung bị tuyên tám năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với cáo buộc để công ty gia đình mua chế phẩm Redoxy-3C về bán cho thành phố. Trong vụ này, ông Chung được giảm ba năm tù trong phiên phúc thẩm. Cuối năm 2021, ông Nguyễn Đức Chung lại ra tòa về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ Nhật Cường và bị tuyên thêm ba năm tù tại phiên sơ thẩm. Ông Chung đã có đơn kháng cáo.
Một số người cho rằng, sở dĩ ông Chung gửi cả trăm bằng khen trước phiên phúc thẩm là để tòa có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt, bởi chiếu theo Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), “người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu học tập hoặc công tác” được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Chiếu theo Mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP, người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua.
Việt Nam có một cái mà phải gọi là quy định. Tức là ai muốn được khen thì tự mình nói lên thành tích của mình, tự viết thành tích của mình, tự đề xuất, tự xin được khen thưởng. Từ cái quy định ấy dẫn đến việc nhiều người chỉ vì muốn được khen mà có thể ngụy tạo ra thành tích. – Ông Đặng Hùng Võ
Theo ông Đặng Hùng Võ, hiện là đảng viên ĐCSVN, quy trình trao tặng các loại bằng khen, huân chương ở Việt Nam hiện nay không phù hợp. Ông giải thích:
“Việt Nam có một cái mà phải gọi là quy định. Tức là ai muốn được khen thì tự mình nói lên thành tích của mình, tự viết thành tích của mình, tự đề xuất, tự xin được khen thưởng. Từ cái quy định ấy dẫn đến việc nhiều người chỉ vì muốn được khen mà có thể ngụy tạo ra thành tích.
Chính vì lý do đó mà nhiều người có thành tích thật được người dân nể phục, nhiều người họ không sống bằng cái vẻ vang giả tạo nhưng lại không muốn làm theo những quy định đó nên họ không có giấy khen.
Còn một số người muốn ngụy tạo thành tích, chạy thành tích, giấy khen, danh hiệu này, danh hiệu khác rất dễ dàng nhưng sau một thời gian thì những người này lại là những người bị kỷ luật. Đây là cái thực trạng mà tôi cho rằng cách thức để xác nhận thành tích của một ai đó là chưa phù hợp.”
Việc cấp giấy khen theo quy trình “tự ứng cử” bị cho là không thực chất khi một số cá nhân hay tổ chức bị thu hồi những danh hiệu mà mình có được trước đó. Chẳng hạn công ty Việt Á hồi tháng 3 năm 2021 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba theo đề nghị của Uỷ ban Nhân dân TP.HCM. Đến tháng 6 năm 2022, Uỷ ban Nhân dân TP.HCM có văn bản đề nghị thu hồi Huân chương Lao động hạng ba đã trao cho Việt Á.
Tháng 10 năm 2014, Chủ tịch nước lúc đó là ông Trương Tấn Sang đã ký quyết định hủy bỏ việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với ông Hồ Xuân Mãn, do phát hiện gian dối khi kê khai thành tích trước đó.
Trung tá Vũ Minh Trí, cựu cán bộ Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng) nói với RFA về các bằng khen của một số lãnh đạo như ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội:
“Tôi nghĩ chuyện ấy trong một cái cơ chế độc tài toàn trị nó hết sức bình thường, vì khi một cá nhân có hực quyền lớn ở một cơ quan, ở một đơn vị hay ở địa phương thì họ sẽ khiến những người khác phải nghe theo ý họ. Bản chất của họ đều là những con người rất là tham lam. Họ không những tranh đất, tranh nhà, tranh xe của dân mà kể cả một cái bằng khen, một cái giấy khen, một cái danh hiệu chiến sĩ thi đua họ cũng phải có bằng được. Thực tế những cái đó cũng có lợi cho họ. Họ dùng nó để “thuyết minh” cho những bước thăng tiến. Hoặc giả đặt vào trường hợp xấu nhất như ông Nguyễn Đức Chung thì họ đem ra để xin giảm tội. Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng hình như có luật là, nếu có bằng khen Anh hùng Lao động thì sẽ được miễn án tử hình.”
Các cụ có câu ‘quý hồ tinh bất quý hồ đa’, làm sao nhiều người giỏi, người tài, người tốt như thế được. Cho nên, tất cả nó đều có giá trị như tiền âm phủ, chỉ dùng được trong âm phủ thôi. Chứ bằng khen, giấy khen của Nguyễn Đức Chung mà đưa ra xin làm bảo vệ cho một tòa nhà chung cư hay một trung tâm thương mại tư nhân thì không ai nhận. – Trung tá Vũ Minh Trí
Theo ông Vũ Minh Trí, về mặt quy trình thì việc tặng bằng khen, giấy khen cũng diễn ra hoàn toàn bình thường. Thế nhưng tất cả thực ra chỉ là một trò hề hoặc giả là một trò giả vờ do quyền lực chi phối tất cả mọi thứ. Những bằng khen nó không thực chất. Ông Trí nói thêm:
“Các cụ có câu ‘quý hồ tinh bất quý hồ đa’, làm sao nhiều người giỏi, người tài, người tốt như thế được. Cho nên, tất cả nó đều có giá trị như tiền âm phủ, chỉ dùng được trong âm phủ thôi. Chứ bằng khen, giấy khen của Nguyễn Đức Chung mà đưa ra xin làm bảo vệ cho một tòa nhà chung cư hay một trung tâm thương mại tư nhân thì không ai nhận.”
Ngoài vấn đề hệ thống Đảng và chính quyền cấp giấy khen cho đảng viên, cán bộ mà cuối cùng lộ ra những người từng được khen làm nhiều điều vi phạm; các hội đoàn, tổ chức ngoại vi của đảng và chính quyền cũng góp phần. Có thể nêu trường hợp ông Phạm Nhật Vũ (cựu chủ tịch Hội đồng quản trị AVG), người bị truy tố về tội đưa hối lộ, được nhiều tổ chức Phật giáo xin giảm nhẹ hình phạt. Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam- giáo hội do Nhà nước chống lưng, có đơn ghi nhận ông Vũ có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa; Ban trị sự Giáo hội Việt Nam TP Hà Nội, các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Cao Bằng cũng có đơn đề nghị xem xét cho ông Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.