Bộ Công an tham gia định danh số nhà: Quản lý luôn nhà đất?

Bộ Công an dự kiến định danh số nhà và căn hộ chung cư để xác định mỗi người đang sở hữu bao nhiêu bất động sản, tạo thuận lợi cho việc được gọi là “minh bạch thị trường bất động sản”. Hiện Bộ Xây dựng cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì việc xây dựng dữ liệu về số nhà, nhà ở. Bộ Công an cho hay, sẽ dựa vào dữ liệu của hai bộ này và thu thập thêm thông tin từ ủy ban nhân dân các cấp để định danh số nhà.

Trao đổi với truyền thông Nhà nước, Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, cho biết định danh số nhà sẽ xác định được bất động sản, từ đó định danh chủ sở hữu bất động sản đó. Cũng theo ông Nguyễn Thành Vĩnh, mỗi chung cư có hàng ngàn hộ dân, trong đó mỗi gia đình sống ở căn hộ riêng và hoàn toàn độc lập. Nếu chỉ ghi địa chỉ của tòa chung cư thì đó mới chỉ là dữ liệu chung, chưa có thông tin của từng hộ dân cụ thể cư trú bên trong.

Bởi vì tài sản là thuộc quyền riêng tư. Ngay Luật Đất đai cũng không yêu cầu phải công khai. Thế nhưng biết đâu Bộ Công an họ lại có quyền lực quản lý những gì gọi là ‘mật’nên họ sẽ làm tốt hơn. Họ có quyền quản lý những tài liệu mật. – Giáo sư Đặng Hùng Võ

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, nói với RFA quan điểm của ông:

“Bộ Công an lấy lý do là họ có nhiệm vụ quản lý dân cư, mà dân cư lại gắn với nhà ở, nên họ phải quản lý nhà ở bằng hình thức định danh số nhà. Thế còn về ý nghĩa của đề xuất nếu làm đúng thì nó cũng tốt. Tức là nó sẽ làm được một cái đúng theo nghĩa là công khai ai có bao nhiêu đất, bao nhiêu nhà. Đấy là mặt tích cực nếu hiểu theo đúng nghĩa. Sau đó sẽ quản lý như thế nào khi cơ sở dữ liệu về bất động sản về từng thửa đất và tài sản gắn liền hiện thuộc quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn quản lý về số nhà lại thuộc Bộ Xây dựng bởi họ quản lý đô thị.

Bởi vì tài sản là thuộc quyền riêng tư. Ngay Luật Đất đai cũng không yêu cầu phải công khai. Thế nhưng biết đâu Bộ Công an họ lại có quyền lực quản lý những gì gọi là ‘mật’nên họ sẽ làm tốt hơn. Họ có quyền quản lý những tài liệu mật.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, nếu Bộ Công an làm tốt thì đây có thể là một hình thức giám sát tài sản của cán bộ, công chức. Khi việc định danh số nhà được hoàn tất thì buộc mọi người đều phải trung thực, công khai, minh bạch tài sản nhà đất. Nếu làm được như thế thì đây có thể coi là một cuộc cách mạng về minh bạch tài sản.

Dư luận cho rằng, ngành công an đúng ra chỉ là cơ quan chấp pháp và giám sát người dân tuân thủ luật pháp, nhưng họ lại chen chân vào chức năng của những ngành khác như giao thông vận tải hay xây dựng… Đơn cử như tháng 8 vừa qua, Bộ Công an ra thông tư quy định biển số xe hơi, xe máy sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe, còn gọi là biển số định danh.

Bộ này cũng từng bị coi là lấn sân Bộ Giao thông – Vận tải vào năm 2020, khi bộ này muốn được quy định nội dung hệ thống báo hiệu đường bộ, trong khi tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu đường bộ, đinh phản quang, tiêu phản quang, dải phân cách… đều thuộc công trình đường bộ và tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tức thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Giao thông -Vận tải. Bộ Công an lý giải rằng, hệ thống thông tin tín hiệu an toàn là sự cụ thể hóa các quy tắc giao thông, liên quan chặt chẽ đến trật tự, an toàn giao thông.

Lúc bấy giờ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định sự việc với RFA:

“Theo tôi, Việt Nam là một nước công an trị và cái đảng này cũng là đảng công an trị. Vì thế cho nên công an muốn bành trướng quyền lực ra mọi nơi. Việc họ muốn làm thay Bộ Giao thông – Vận tải cũng là tham vọng bành trướng của họ. Họ nắm được càng nhiều lĩnh vực, quản lý thêm cái gì thì quyền của nó lớn hơn. Đấy là cái động lực rất là tự nhiên của bất kể một cái tổ chức ham muốn quyền lực nào. Và chỉ có cái lòng tham quyền lực mới đụng đến những cái mà luật và hiến pháp đã quy định không được đụng đến. Thế thôi!”

Tháng 3 năm 2023, tại buổi lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống xây dựng lực lượng công an nhân dân, ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam – yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải luôn vững vàng, không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm phương hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của nhân dân, phải thực sự là điểm tựa bình yên của Nhân dân.

Ông Trọng cũng nêu rõ: “Quân đội và công an là hai lực lượng thanh kiếm và lá chắn, hai cánh của một con chim, bảo vệ, giữ gìn hòa bình, ổn định, phát triển đất nước. Phải làm sao để thanh bảo kiếm ngày càng sắc bén hơn, lá chắn ngày càng vững chắc hơn, hai cánh của con chim bảo vệ hòa bình ngày càng cứng cáp, khỏe mạnh hơn.”

Bộ Công an mới đòi định danh bảng số xe xong bây giờ họ đòi định danh bảng số nhà gọi là để minh bạch thị trường bất động sản. Mục đích của họ là để quản lý tất cả mà Quốc hội chưa ai dám lên tiếng. Đây là một hình thức công an trị. – Một nhà quan sát

Một nhà quan sát thời sự trong nước, yêu cầu ẩn danh, nói với RFA sáng 23 tháng 10:

“Đối với những quốc gia thuộc khối cộng sản như Việt Nam không có hệ thống tam quyền phân lập, mà tất cả đều dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Một quy định bất thành văn ở Việt Nam, là bất cứ một dự thảo bộ luật nào cũng đều do Quốc hội ủy quyền cho chính phủ phân công một bộ chủ quản ra dự thảo của bộ luật đó. Nó liên quan đến ngành mà bộ đó quản lý. Chính vì sự bất cập đó mà trong thời gian vừa qua, nhiều luật ban hành có yếu tố lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong đó.

Bộ Công an mới đòi định danh bảng số xe xong bây giờ họ đòi định danh bảng số nhà gọi là để minh bạch thị trường bất động sản. Mục đích của họ là để quản lý tất cả mà Quốc hội chưa ai dám lên tiếng. Đây là một hình thức công an trị.

Là một người theo dõi tình hình thời sự và tiến trình của lịch sử thế giới, chúng ta nên xem lại chiến dịch “Ba ngọn cờ hồng” của Mao Trạch Đông với đỉnh cao là cuộc đại cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Phải chăng sự độc tài lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chuyển dần bước sang sự độc tài lãnh đạo cá nhân nhằm xác lập vị trí nhất định trong đại hội 14 sắp tới, khi nhân sự đại hội bắt đầu tiến hành?

Theo tôi, việc Bộ Công an chen chân vào lĩnh vực quản lý của những bộ khác nó mang mục đích chính trị hơn là thỏa mãn về mặt quản lý nhà nước.”

Nhà quan sát thời sự này giải thích thêm, mục đích của cuộc đại cách mạng văn hóa ở Trung Quốc năm 1966 là để Mao Trạch Đông lấy lại uy tín của mình trong đảng.

Related posts