Bộ Công Thương Việt Nam cố thoái thác mua điện mặt trời của dân

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương hôm 29/4/2024 lý giải về việc điện mặt trời mái nhà dôi dư được phát vào hệ thống điện quốc gia thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.

Theo cơ quan này Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) nêu rõ: “Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu (trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia)”.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng nêu một lý do khác, đó là cơ sở hạ tầng lưới điện của Việt Nam những năm qua dù đã được đầu tư, nâng cấp, từng bước hiện đại hóa nhưng không có nghĩa là có thể hoàn toàn đáp ứng được mọi nguồn điện với đủ các mức công suất khác nhau.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA hôm 30/4/2024, giải thích:

“Nếu không đủ lưới để tiêu thụ được điện mặt trời thì không nên cho đấu lưới. Chứ nếu đã nối lưới rồi thì phải có mua, có bán bình thường, còn nếu mua mà không trả tiền thì cái đó không nên. Bộ Công thương có nêu, đã áp mái thì chỉ tự sản tự tiêu thôi, chứ không được bán cho xung quanh và không bán cho lưới, họ giải thích là nếu bán như thế là lợi dụng chính sách để mà làm giàu cá nhân. Và ngoài ra họ nói nối vào lưới thì sẽ không an toàn, vậy cơ bản nhất là lưới không an toàn, sợ cho vào tiêu thụ nhiều quá thì lưới không đảm bảo sẽ mất điện.”

Nếu không đủ lưới để tiêu thụ được điện mặt trời thì không nên cho đấu lưới. Chứ nếu đã nối lưới rồi thì phải có mua, có bán bình thường, còn nếu mua mà không trả tiền thì cái đó không nên.
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm

Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, nếu vì an toàn của lưới thì không nên cho nối lưới. Còn nếu đã nối lưới là có khả năng tiêu thụ được thì phải trả tiền, chứ nếu lấy điện trả không đồng là không công bằng và không đúng với thị trường điện cạnh tranh.

Còn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA hôm 30/4/2024, cho biết:

“Tôi rất lấy làm ngạc nhiên về quy định của Bộ Công thương, bởi vì quy định đó không khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo. Trong khi việc sử dụng năng lượng tái tạo là xu thế chung trên toàn thế giới, cố gắng làm sao sử dụng các tính năng điện mặt trời, điện gió, điện thủy triều sóng biển… để có thể thay thế các nguồn điện than và các nguồn điện khác nữa. Tôi thấy lý do bởi vì hệ thống truyền tải điện của Việt Nam chưa được nâng cao. Cho nên chưa sẵn sàng tiếp thu số điện mặt trời và điện gió này.”

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, ông rất mong các Hiệp hội và Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam, cũng như cơ quan điện và Bộ Công thương tìm giải pháp hợp lý hơn, phù hợp xu thế chung, khuyến khích sử dụng năng lượng điện mặt trời. Ông Doanh nói tiếp:

“Tôi mong họ có thể tạo điều kiện để cho thúc đẩy việc xây dựng mạng lưới truyền tải điện của Việt Nam được triển khai một cách mạnh mẽ hơn, có thể tiếp thu được các nguồn điện tái tạo đang có trong dân. Còn việc cho người dân tự phát, chưa làm đúng quy hoạch… thì theo tôi nên có cố gắng hướng dẫn, nên cố gắng tạo điều kiện để Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn, nhanh hơn các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam.”

b3915cff-5691-4f4c-8bf5-05e7f906dc3c.jpeg
Một dự án điện gió tại tỉnh Bạc Liêu. AFP PHOTO.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo còn cho rằng, điện mặt trời mái nhà nếu không tự sản tự tiêu, mà kinh doanh, mua bán thì phải đáp ứng các quy định Luật Quy hoạch, Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng…

Với giải thích của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho biết ý kiến:

“Theo Luật điện lực, có bán điện tức là có kinh doanh, thì phải có đăng ký hợp đồng điện lực, phải có bằng cấp, có tài khoản… người dân bình thường không thể đăng ký như thế được. Họ bảo làm như thế là vi phạm luật và rất phức tạp và chỉ nên làm tự sản tự tiêu thôi. Nhưng theo tôi, luật cũng do mình đặt ra, nếu hợp lý thì có khả năng sửa được, trong khi chưa sửa được thì có khả năng Thường vụ Quốc hội cũng có thể quyết định…”

Theo tôi, luật cũng do mình đặt ra, nếu hợp lý thì có khả năng sửa được, trong khi chưa sửa được thì có khả năng Thường vụ Quốc hội cũng có thể quyết định…
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm

Nhưng theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, bản chất của việc này có thể là Bộ Công thương coi là lưới không an toàn, chứ không phải vì những quy định phức tạp của pháp luật:

“Vì những quy định phức tạp đấy, nếu người ta đặt vấn đề đủ thì người ta vẫn làm được. Người ta vin vào cớ đó rồi khuyên rằng không nên. Có phải sinh ra điện mặt trời áp mái chỉ để sử dụng không? Không phải thế!… Nếu đang thiếu điện những ngày nắng nóng, thì vẫn tiêu thụ được chứ. Nhưng do lưới của họ không đảm bảo thôi. Chứ nếu lưới đảm bảo thì đấy là một điều kiện tốt để giải quyết thiếu điện. Chứ không phải chỉ vì lý do điện mặt trời chỉ để sử dụng tại chỗ là không phải.”

Trong khi mua điện của dân với giá 0 đồng thì vào tháng 12 năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN lại kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng chủ trương nhập điện tái tạo từ Lào. Với lý do được nói để giảm nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc. Theo EVN, nhiều nhà đầu tư dự án điện gió tại Lào muốn bán điện cho Việt Nam với tổng công suất 4.149 MW, đấu nối qua khu vực Quảng Trị.

Cụ thể là hai dự án là Savan 1 và AMI Savanakhet – Lào muốn bán điện cho Việt Nam từ nay đến 2025. Ngoài ra, dự án điện gió Trường Sơn, công suất 250 MW của Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Việt Lào dự kiến vận hành quý IV năm 2025 và sẽ đấu nối vào trạm biến áp 220 kV Đô Lương – Nghệ An.

Related posts