Ra đi để trở về?
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vào cuối tháng 11 năm 2022 thông qua truyền thông Nhà nước kêu gọi cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì nên tự nguyện xin từ chức.
Bài viết dẫn chứng một cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy Ninh Bình sau khi bị cảnh cáo vì vi phạm đã chủ động xin từ chức. Hay trường hợp Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng được cho là đã có hành động tương tự.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp báo mới đây cho rằng: “Nếu cán bộ thấy có khuyết điểm, từ chức thì như vậy sẽ nhẹ nhàng hơn và cũng không mất hết các chức vụ.”
Đây không phải là lần đầu tiên nhà nước Việt Nam chủ trương như thế, theo cá nhân tôi thì việc cổ vũ như thế rất hình thức, không thực chất.-Nhà báo Võ Văn Tạo
Nhận định về vấn đề mà lãnh đạo Việt Nam đề cập đến nhiều lần như vừa nêu, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang hôm 28/11, nói:
“Đảng và Nhà nước Việt Nam một lần nữa lại đặt lại vấn đề khuyến khích cán bộ từ chức nếu thấy khả năng không đáp ứng được nhu cầu công tác, hay có khuyết điểm mức độ chưa đến mức phải truy tố hình sự… Đây không phải là lần đầu tiên nhà nước Việt Nam chủ trương như thế, theo cá nhân tôi thì việc cổ vũ như thế rất hình thức, không thực chất.”
Bởi vì theo ông Tạo, suốt một thời gian dài, quan chức cán bộ Nhà nước Việt Nam làm việc không phải với động cơ “vì dân vì nước”, mà họ “vì quyền lợi cá nhân”, cho nên những người đó không dễ gì từ bỏ quyền lực. Ông Tạo nêu dẫn chứng:
“Khi họ có cái ghế trong tay thì quyền lực rất lớn, điển hình như vừa rồi ở Bình Dương sau khi bể ra vụ bà Nhàn công ty AIC, từ bí thư, chủ tịch khai nhận mỗi ông lấy 14,5 tỷ thì thấy khủng khiếp như thế nào? Quyền lực do cái ghế nhà nước Cộng sản Việt Nam ban tặng cho họ đem lại lợi ích vật chất ghê gớm lắm. Đấy là tôi chỉ nói một vụ đấy, hai ông đó quá trình cầm quyền khoảng hơn hai nhiệm kỳ 5 đến 10 năm, thậm chí có người ba nhiệm kỳ thì không biết bao nhiêu là tiền của vào tay của họ.”
Theo như ông Tạo, vì quyền lợi của cán bộ quá lớn mà không có cơ chế kiểm soát trong khi đó chính trị Việt Nam là không có đối lập, cũng không có tự do báo chí thì, việc để cán bộ dễ dàng từ bỏ quyền lợi của họ là điều khó.
Qua đó ông kết luận “phát động như thế hay phát động nữa trong chuyện vận động người ta từ chức thì hiệu quả sẽ vẫn không bao nhiêu”.
Không từ chức sẽ miễn nhiệm
Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra vào ngày 3/10/2022, lần đầu tiên Trung ương Đảng CSVN đã đồng ý để ba ủy viên trung ương thôi tham gia Ban Chấp hành. Ba ông này đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo trước đó. Tuy vậy, đây được cho là ba trường hợp đầu tiên thực hiện Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị, trong đó có việc khuyến khích người bị kỷ luật từ chức.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cho rằng, ba trường hợp trên sẽ là tiền lệ hình thành văn hóa từ chức.
Cũng xin nêu rõ, theo nội dung Thông báo Kết luận số 20, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.
Vấn đề câu chữ khiến nhiều người quan tâm đó là “nếu không tự nguyện xin từ chức thì bị miễn nhiệm”, đó có thể coi là văn hóa từ chức?
Sử gia Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2021, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này trước đây cho rằng, hệ thống giá trị xã hội hiện nay tại Việt Nam chưa tôn trọng việc từ chức, người ta cho rằng từ chức là bị cách chức, từ chức là vì một khuyết điểm hoặc là cái tội nặng nào đó, mà người đó không còn con đường nào khác cả. Ông nói tiếp:
“Các quan chức thì gắn liền với quyền lực và lợi ích, mà lợi ích không phải của cá nhân, đôi khi cái mà chúng ta gọi là lợi ích nhóm, lợi ích của một nhóm người. Và khi anh muốn từ chức cũng không từ chức nổi nữa cơ, vì nó ràng buộc lẫn nhau. Vì thế tôi cho rằng điều quan trọng hiện nay là cần ra được một cái giá trị xã hội, mà giá trị xã hội thông qua dư luận xã hội, giáo dục xã hội. Thứ hai nữa là cái sức ép để buộc người đó từ chức như một lựa chọn tối ưu để mà họ rời bỏ chức vụ, cũng có nghĩa là giải thoát cho xã hội những vấn nạn mà người đó chịu trách nhiệm.”
Theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, yếu tố từ chức chưa đi vào hiện thực, chưa đi vào tập quán chính trị xã hội, và cần đòi hỏi thời gian. Theo ông, thời gian này quan trọng nhất là ý thức của những vị quan chức của Việt Nam, họ phải quan tâm đến dư luận xã hội. Nói cách khác là cái chuẩn mực về nghiêm chỉnh cần có trong mỗi một con người, nhất là những quan chức càng cao cấp, càng cần phải có chuẩn mực đó.
Chủ trương thì hoàn toàn đúng nhưng sẽ khó, bởi vì để một ai đó xin rời bỏ ghế của mình trong khi theo dư luận chuyện mua quan bán chức vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi.-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Riêng với Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA hôm 28/11, cũng về vấn đề này thì cho rằng:
“Chủ trương thì hoàn toàn đúng nhưng sẽ khó, bởi vì để một ai đó xin rời bỏ ghế của mình trong khi theo dư luận chuyện mua quan bán chức vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Chính vì có chuyện mua quan bán chức, kể cả những người được đề bạt vào vị trí này vị trí kia cũng có ý kiến cho rằng đã mất bao nhiêu tiền để vào cương vị đấy, với tình trạng này mà đòi hỏi chuyện tự mình phê bình mình để xin thôi việc thì có lẽ phải cần có thời gian.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nói thêm rằng chủ trương thì đúng nhưng hoàn cảnh hiện nay cần phải chống tham nhũng một cách triệt để thêm một thời gian nữa để mọi việc vào đúng luồng như mong muốn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Võ nhận định thêm:
“Có lẽ cũng cần một cái văn hóa mà người ta vẫn gọi là văn hóa từ chức, tự mình cảm thấy để người khác làm hiệu quả hơn. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay việc chạy chức chạy quyền vẫn còn khá nặng nề, thì việc tạo nên văn hóa từ chức như là cái vốn rất bình thường nhưng chắc cần phải có một thời gian nữa.”
Văn hóa từ chức nói cách khác là một văn hoá ứng xử dựa trên lương tri, khi một người lãnh đạo thấy mình có khuyết điểm, hay không còn xứng đáng đảm nhận vị trí lãnh đạo thì họ sẽ từ chức. Việc này cho thấy sự hiểu biết về bổn phận, và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ.