Ca sĩ Mai Khôi được trao Giải thưởng Tứ tự do về Tự do ngôn luận năm 2022

Ca sĩ Đỗ Nguyễn Mai Khôi, một nhà hoạt động người Việt Nam hôm 9/2 được xướng tên là người nhận Giải thưởng Tứ tự do về Tự do ngôn luận của Viện Roosevelt, có trụ sở chính ở New York, Hoa Kỳ. 

Giải thưởng Tứ Tự do được trao mỗi năm cho những ai có các thành tựu thể hiện cam kết tuân theo những nguyên tắc mà Tổng thống Roosevelt tuyên bố trong bài phát biểu lịch sử của mình trước Quốc hội vào ngày 6 tháng 1 năm 1941, là điều cần thiết cho nền dân chủ bao gồm: tự do ngôn luận và biểu đạt, tự do tín ngưỡng, tự do thoát khỏi đói nghèo và tự do khỏi sợ hãi.

Năm 2020, nhà báo Maria Ressa – Giám đốc điều hành tờ báo Rappler của Philippines được trao giải này, và năm 2021 là bà Hannah-Jones của tờ New York Times.

Bày tỏ cảm xúc với phóng viên Đài Á Châu Tự Do sau khi có tin mình được trao giải, ca sĩ Mai Khôi nói bà thấy bất ngờ nhưng cũng rất hãnh diện. Bà nói: 

Tôi cảm thấy rất là bất ngờ khi được thông báo nhận được giải thưởng lớn như vậy, bởi vì nhìn thấy những cái tên tuổi được ghi trên trang của họ, những người được giải thưởng trước đây toàn là những người hoạt động nổi tiếng lừng danh.

Mà tự nhiên năm nay họ lại quyết định trao giải thưởng đó cho mình, cho nên tôi rất là bất ngờ mặc dù rất là hãnh diện. Có nhiều cảm xúc lẫn lộn lắm, mình vừa nghĩ nhiều đến những người ở Việt Nam, những người hoạt động hơn mình, những người đã xông pha vào ‘chiến trường’ tự do ngôn luận này lâu năm hơn mình, họ xứng đáng được giải thưởng này hơn tôi nhiều. 

Một phần tôi cũng hãnh diện vì mỗi lần có một giải thưởng nào cho người Việt Nam, không phải chỉ riêng tôi mà bất kỳ người Việt Nam nào được giải thưởng nhân quyền quốc tế thì nó mang lại cái sự chú ý đối với cộng đồng quốc tế, thì đó là điều tốt cho Việt Nam.”

Trong phần vinh danh bà Mai Khôi trên trang chủ của giải thưởng này, có viết: “Thông qua âm nhạc và các loại hình nghệ thuật khác, Mai Khôi thể hiện tầm quan trọng của quyền tự do ngôn luận, công bằng xã hội và cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.”

Ca sĩ Mai Khôi được vinh danh cùng với bốn người khác trên trang chủ của giải thưởng. Ảnh chụp màn hình

Các chủ đề mà nữ ca sĩ này gây chú ý được cho biết, bao gồm cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và cộng đồng LGBTI + (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và liên giới tính), bạo lực trên cơ sở giới, quyền tự do ngôn luận và môi trường.

Hiện nay đang sống ở một bang miền Đông Bắc, Hoa Kỳ bà Mai Khôi cho biết đang làm một dự án trình diễn âm nhạc mang tên “Bad activist”, kể lại câu chuyện cuộc đời mình, sự biến đổi qua từng giai đoạn bằng âm nhạc, diễn xuất, hình ảnh và video. 

Sở dĩ chọn cái tên “Nhà hoạt động dở tệ” theo bà để khuyến khích nhiều người hơn nữa tham gia để trở thành các nhà hoạt động. 

Nhận xét về tình trạng tự do ngôn luận ở quê hương, bà cho biết quốc gia độc đảng này hiện nay hoàn toàn không có quyền tự do này:

Tình hình tự do ngôn luận ở Việt Nam hiện nay đang rất, rất tệ. Bởi vì trước đây thì mọi người còn có Facebook để đàm luận về chính trị hay có những ý kiến tự do về chính trị, nhưng hiện nay mọi người không còn cái tự do đó nữa.

Ca sĩ Mai Khôi giải thích thêm rằng, hiện nay nhiều người dùng mạng xã hội Việt có thể tự do chỉ trích nhau nhưng khi động đến chính quyền thì tài khoản mạng xã hội có thể bị đóng, hoặc bị phạt tiền hay nặng hơn là bị bỏ tù. 

Bà cho rằng, tự do ngôn luận là cần thiết để cho một đất nước phát triển tuy nhiên quốc gia Đông Nam Á này thường xuyên đội sổ trong các bảng xếp hạng về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của các tổ chức nhân quyền quốc tế. 

Trang chủ của Giải thưởng Tứ tự do còn nhắc đến bà Mai Khôi với các hoạt động kêu gọi sự chú ý đến thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra vào năm 2016 gây thiệt hại về môi trường và có tác động kinh tế lớn đối với ngư dân địa phương.

Bà cũng có đóng góp cho vở diễn “Lời của tre” được công diễn ở trong nước hồi năm 2018 nói về sự quan tâm (đối với nhau và thiên nhiên) và chia sẻ nước, thức ăn và tình bạn. Những điều này, theo Mai Khôi, là điều cần thiết cho một xã hội phát triển bền vững.

Related posts