Cần cơ chế giám sát đại biểu Quốc hội như công chức!

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong bài trả lời phỏng vấn Báo Dân Trí đăng tải ngày 2/11, cho rằng cần phải thường xuyên giám sát và đánh giá đại biểu Quốc hội, ví dụ như đánh giá theo định kỳ hàng năm, tương tự như quy trình đánh giá với cán bộ công chức.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho biết hiện nay chưa có cơ chế nào để làm việc như ông vừa nêu.

Từng là nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Văn Cuông bày tỏ quan điểm:

“Trong quá trình hoạt động của đại biểu quốc hội phải có sự giám sát, đánh giá chất lượng hoạt động cũng như sự nghiêm túc chứ không thể như lâu nay, không có theo dõi, giám sát đánh giá nên có nhiều đại biểu không tự giác hoạt động tốt. Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu là nên có hình thức giám sát, đánh giá chất lượng đại biểu để góp ý, có biện pháp nhắc nhở, quản lý tốt hơn, tránh việc vi phạm xảy ra làm ảnh hưởng uy tín đại biểu quốc hội.”

Giải thích rõ hơn về những điều luật định đối với đại biểu Quốc hội, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực văn phòng Quốc hội đang ở Sài Gòn nói với RFA tối 2/11 như sau:

“Về nguyên tắc theo luật thì người đại biểu quốc hội sẽ chịu sự giám sát của cử tri nơi bầu ra người đó, người đại biểu quốc hội không chỉ đại diện nơi bình bầu ra mình mà còn đại diện cho cử tri cả nước. Như vậy có nghĩa là ông đại biểu quốc hội sẽ bị giám sát bởi cử tri nơi bầu ra mình và cử tri cả nước. Đó là luật nhưng luật thiếu cơ chế. Khi người ta lên tiếng giám sát, đòi hỏi ông đại biểu trả lời thì ông đại biểu đó không phải trả lời cũng không sao. Cho nên ở Việt Nam thiếu cơ chế có đi có lại nên không có tính hiệu quả.”

Đưa ra câu trả lời cho câu hỏi ai giám sát và giám sát thế nào, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng ngoài chịu sự giám sát bởi người dân thì đại biểu Quốc hội phải chịu thêm giám sát từ phía cơ quan vì:

“Đại biểu quốc hội Việt Nam cũng là công chức vì đại biểu kiêm nhiệm và đại biểu chuyên trách đều ăn lương nhà nước, là công chức. Là công chức thì không những bị giám sát bởi cử tri và những lãnh đao của đơn vị đó.”

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự lại cho rằng câu chuyện đánh giá đại biểu Quốc hội trong thực tế không đúng như lý thuyết mà Luật sư Thuận đưa ra.

“Việc đánh giá đại biểu quốc hội một cách chính xác là người dân dùng lá phiếu để bầu và truất, các vị phải thường xuyên tiếp xúc với cử tri của mình, là người đã bầu cho họ. Hai điểm đấy không được thực hiện nên việc kiểm tra mà ông ấy nói chỉ là sự kiểm tra của đảng cộng sản Việt Nam mà thôi. Là để siết chặt sự kiểm soát của đảng đối với đại biểu quốc hội. Còn người dân kiểm tra kiểu gì? Trừ trường hợp người ta lên tiếng chê trên mạng xã hội. May bây giờ có mạng xã hội nên người dân có thể nói bâng quơ trên đấy, có tác động nhất định để người ta kiểm tra lẫn nhau. Cái quan trọng nhất là người dân làm chủ thì phải kiểm tra bằng lá phiếu của mình, kiểm tra bằng tiếng nói của mình đến tận tai ông ấy.”

Ông Nguyễn Tuấn Anh trong trả lời Báo Dân Trí đăng ngày 2/11 cho rằng nếu có quá trình đánh giá đại biểu hàng năm, việc ông Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch đã được xác định từ năm 2018 và đã phải chịu bãi nhiệm, miễn nhiệm từ khi đó. Không như hiện nay, quốc hội phải xem xét thông qua báo chí.

Đồng thời ông Tuấn Anh cho rằng vụ việc này là hồi chuông cảnh tỉnh cho việc chuẩn bị tiến hành bầu cử Quốc hội khoá XV, bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới.

Vào ngày 23/8 vừa qua, hãng tin Al Jazeera công bố một báo cáo điều tra cho thấy, ông Quốc là người đã được nhập quốc tịch Síp vào năm 2018 khi ông đang là đại biểu quốc hội.

Theo điều tra, Síp là nước cung cấp những “hộ chiếu vàng” cho nhiều quan chức nước ngoài có tình nghi dính líu đến tham nhũng hoặc gây ảnh hưởng chính trị. Mỗi tấm hộ chiếu như vậy được bán với giá 2,5 triệu đô la, theo chương trình đầu tư nước ngoài vào Síp.

Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết chuyện lựa chọn đại biểu cho Quốc hội Việt Nam được làm rất kỹ, qua tổ chức, qua công an, an ninh phối hợp rồi thẩm tra lý lịch, thẩm tra đời sống riêng tư…

Tuy nhiên, qua chuyện ông Phạm Phú Quốc cũng cho thấy một vài trường hợp ngoại lê như lời ông Lê Văn Cuông:

“Sự giám sát của cơ quan chức năng ở mức độ tương đối chứ không thể giám sát hết hành vi hay hoạt động của mọi người vì còn đụng chạm đến quyền công dân hoặc đại biểu, không có lực lượng nào có thể giám sát đại biểu chặt chẽ trong nước và các hoạt động động ngầm ở nước ngoài. Trước khi bầu thì mọi việc không có vấn đề gì, nhưng khi bầu xong họ mới bộc lộ vi phạm, thuộc về sau này, lúc đó mọi việc đã xong thì đành phải xử lý theo quy định của pháp luật là bãi nhiệm.”

Tin từ truyền thông Nhà nước Việt Nam trong phiên họp vào chiều 2 tháng 11 của các đoàn đại biểu Quốc hội để lấy ý kiến, thảo luận về việc bãi nhiệm đối với ông Phạm Phú Quốc do mua hộ chiếu vàng đảo Síp cho biết từ đầu nhiệm kỳ Khóa 14 đến nay, Quốc hội Việt nam có hơn 10 đại biểu bị ‘rơi rụng’; trong đó có những trường hợp vi phạm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, những quyết định đối với đại biểu quốc hội ở Việt Nam lâu nay đã vi phạm cơ chế. Ông giải thích:

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có chức năng gì để phết truất một đại biểu quốc hội, nhưng bởi vì ở đây là Quốc hội của đảng cộng sản Việt Nam nên Quốc hội chịu sự giám sát của đảng cộng sản Việt Nam và đảng cộng sản Việt Nam thấy người nào không xứng đáng đối với họ hoặc thấy làm những việc kì quá đối với dân chúng thì đảng cộng sản Việt Nam ra lệnh cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội đuổi những người đó ra khỏi Quốc hội. Cái lạ ở Việt Nam là có những chuyện như vậy.”

Ông Nguyễn Quang A cho rằng lẽ ra có những chuyện chỉ có người dân mới được làm thì người dân không làm được gì vì đó là Quốc hội của đảng cộng sản, các đại biểu quốc hội cũng là đại biểu của đảng cộng sản nên đảng cộng sản muốn làm gì thì làm.

Related posts