Chi 600 ngàn tỷ có bảo đảm được an ninh nguồn nước cho Việt Nam?

Bộ NN-PTNT cho biết cần hơn 600 ngàn tỷ đồng để đảm bảo an ninh nguồn nước. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) cho biết thông tin vừa nói tại cuộc họp về Đề án ‘Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2045’.

Theo Đề án, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước phải gắn với an ninh quốc gia… đồng thời phải gắn với cơ cấu kinh tế – xã hội. Muốn làm được điều đó, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp cần phải đảm bảo đủ nguồn lực tương đương 600 ngàn tỷ đồng để giải quyết, đặc biệt là an toàn đập, hồ chứa nước, đảm bảo chủ động nguồn nước trong mọi tình huống.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia Biến đổi Khí hậu và Tài nguyên nước – Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu, Đại Học Cần Thơ, khi trả lời RFA hôm 11/8, nhận định:

“Có một số nội dung của văn bản đó tôi chưa nắm hết nên cũng không chắc, nhưng tôi nghĩ nếu cả Việt Nam trong tình hình bất lợi về biến đổi khí hậu, rồi bị nước ngoài kiểm soát nguồn nước… để có sự an toàn trong sử dụng tài nguyên nước thì có lẽ kinh phí sẽ rất lớn. Tuy nhiên mình phải cân nhắc lại nếu bỏ ra số tiền lớn như vậy, thì sẽ bảo đảm được cho cái gì? Ví dụ như an toàn đến mức nào, hoặc mình sử dụng số tiền đó cho một mục đích nào khác hữu hiệu hơn. Tôi cũng chưa biết số tiền 600 ngàn tỷ xài trong bao nhiêu năm, còn nếu trong 10 năm xài hết số tiền đó thì tính khả thi rất là thấp. Tôi nghĩ con số 600 ngàn tỷ là con số rất là chẵn, nó ước lượng mà không có cơ sở để đánh giá, không biết ở đâu ra số tiền này…”

Việt Nam trong tình hình bất lợi về biến đổi khí hậu, rồi bị nước ngoài kiểm soát nguồn nước… để có sự an toàn trong sử dụng tài nguyên nước thì có lẽ kinh phí sẽ rất lớn. Tuy nhiên mình phải cân nhắc lại nếu bỏ ra số tiền lớn như vậy, thì sẽ bảo đảm được cho cái gì? Ví dụ như an toàn đến mức nào, hoặc mình sử dụng số tiền đó cho một mục đích nào khác hữu hiệu hơn.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn – Nguyễn Xuân Cường khi phát biểu tại Hội nghị Giải trình về Vấn đề An ninh Nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý hồ, đập tổ chức vào cuối năm 2020 cho biết, Chính phủ Hà Nội đang phải đối mặt với thách thức lớn về an ninh nguồn nước quốc gia.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam có tổng cộng hơn 200 con sông, tuy nhiên có đến hơn 50% con sông từ nước ngoài chảy vào, với khoảng 520 tỷ m3, tương ứng 63% tổng lượng nước mặt sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ.

Với ý kiến này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, nguồn nước nội sinh trong lãnh thổ Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ đạo trong đề án 600 ngàn tỷ mà ông đề cập…

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn giải thích:

“Hiện khái niệm an ninh nguồn nước đang được mở rộng dần dần, thứ nhất mình phải hiểu là đảm bảo nguồn nước cho tất cả sinh hoạt cần thiết, vấn đề môi trường, chất lượng nguồn nước, không bị ô nhiễm… Đồng thời thỏa mãn trong các giai đoạn khác nhau, chẳng hạn nước nhiều trong mùa mưa, thiếu trong mùa khô, cho nên việc phân b nước cũng rất quan trọng. Việt Nam bị nhiều thiên tai, rồi các đập ở Lào, TQ khống chế quy luật nguồn nước của mình, trong khi nhu cầu sử dụng nước ngày càng nhiều vì dân số tăng, phát triển công nghiệp tăng… nên đó là một thách thức rất lớn.”

Hình minh họa: Người dân Hà Nội đi lấy nước trước đây. AFP PHOTO.

Trong khi đó, Thạc sĩ Hồ Long Phi – Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM, khi trả lời RFA cho rằng, Việt Nam phải đối xử với nước như một nguồn tài nguyên quý, chứ không phải như hiện nay khi vẫn dùng một cách bừa bãi. Phải thay đổi từ trong ý thức, từ sản xuất cho đến tiêu dùng nước và các loại hình nước. Theo ông Phi, hiện nay Việt Nam còn rất phí phạm nước, vì cứ nghĩ tài nguyên nước vẫn còn nhiều. Tuy nhiên theo ông Phi, thứ nhất là số lượng và thứ hai về chất lượng càng ngày càng suy giảm. Ông nói tiếp về vấn đề Việt Nam phải đối mặt với những nguy cơ về an ninh nguồn nước từ bên ngoài lãnh thổ:

“Khi phát triển kinh tế trong điều kiện biến đổi khí hậu thì các nước phía trên có nhu cầu sử dụng nước ngày càng nhiều hơn, nên phải can thiệp để giữ lại nguồn nước mà họ cho rằng nó sản sinh trên lưu vực của họ. Các quốc gia này cho rằng đó là điều công bằng vì lâu nay họ không có điều kiện để kiểm soát thì nước chảy xuống hạ lưu cho Việt Nam dùng, bây giờ tới phiên họ kiểm soát được thì họ có quyền đó. Điều này các cơ quan quốc tế như Ủy Hội Sông Mê Kông cũng không có quyền hay khả năng can thiệp.”

Ngoài việc có đến 63% lượng nước tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng, và bảo vệ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn… thì theo Bộ NN&PTNT việc gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa ở Việt Nam cũng là các yếu tố đã và đang tác động đến chất lượng nước của các sông, hồ. Hiện, các hồ và kênh mương ở những khu vực đô thị đang trở thành nơi chứa và dẫn nước thải.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới-World Bank vào năm 2020, lượng nước bình quân đầu người Việt Nam hiện thấp hơn của Hội Tài nguyên Nước Quốc tế, chỉ đạt hơn 3.800 m3 so với 4000 m3/người/năm.

Chúng ta phải khôi phục lại các vùng trũng như vùng Đồng Tháp Mười hay Tứ Giác Long Xuyên, ngày xưa đó là vùng trũng chứa nước ngọt một cách tự nhiên. Nhưng bây giờ mình sản xuất lúa quá nhiều nên làm ra những đê bao ngăn nước, cuối cùng là mình thiếu nước.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Dù vậy, theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, trong điều kiện hiện nay, ngân sách của Việt Nam đang không dồi dào, rồi thiên tai, dịch bệnh… nên số tiền bỏ ra phải cân nhắc một cách cẩn thận, cái gì cần ưu tiên và cái gì không nên làm. Ông nói tiếp:

“Việt Nam bây giờ không phải là thiếu ăn như ngày xưa, mà phải dùng nhiều nước sản xuất lúa, trong khi lúa sử dụng nước rất nhiều. Và gần như năm nào chúng ta cũng có dư lương thực bán ra nước ngoài… nhưng vấn đề làm sao chúng ta biết cách tồn trữ và phân bố hợp lý. Cho nên không nên dồn hết cho lúa mà dồn cho các cây tiết kiệm nước hơn, nhưng có giá trị cao hơn… Cái này chúng tôi đã có khuyến nghị với nhà nước, đồng thời nó cũng phù hợp nghị quyết 120 của chính phủ, ưu tiên nuôi trồng thủy sản,sử dụng nguồn nước lợ, nước mặn như nguồn tài nguyên để khai thác, chứ không coi nước lợ là khó khăn.”

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng, vấn đề an ninh nguồn nước không phải là khó giải quyết ở Việt Nam, mà vấn đề là biết cách sử dụng nước như thế nào. Đồng thời ông Tuấn kiến nghị, một mặt sử dụng nước hợp lý, thứ hai là biết cách giữ lại nguồn nước, ví dụ như trữ nước mưa lũ… Ông nêu giải pháp:

“Chúng ta phải khôi phục lại các vùng trũng như vùng Đồng Tháp Mười hay Tứ Giác Long Xuyên, ngày xưa đó là vùng trũng chứa nước ngọt một cách tự nhiên. Nhưng bây giờ mình sản xuất lúa quá nhiều nên làm ra những đê bao ngăn nước, cuối cùng là mình thiếu nước. Hậu quả thiếu nước là do cách hành xử của con người, đồng thời tiền đầu tư cho việc đó cũng không hợp lý. Hiện chúng tôi đang làm quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng tới năm 2030, tầm nhìn 2050, hướng tới giảm sản xuất lúa, sử dụng nước cho các mục tiêu khác hiệu quả hơn.”

Theo Tiến sĩ Tuấn thay vì dùng tiền cho công trình thủy lợi, thì dùng ứng phó thiên tai sẽ hữu hiệu hơn, ví dụ như là trồng rừng, khôi phục rừng để tránh chuyện năm nào cũng sạt lở, hay tránh nguy cơ bể hồ đập do rừng bị phá quá nhiều. Nếu được như vây thì theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, có thể giải quyết được vấn đề an ninh nguồn nước.

Related posts