Chuyển than từ Lào về để chạy nhiệt điện: biện pháp “chữa cháy”?

Hôm 9/6/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho báo chí nhà nước biết đang xúc tiến đầu tư băng tải 160 km để chuyển than từ mỏ than của Lào từ hai tỉnh Sekong và Salavan về cảng biển Mỹ Thủy.

Tin cho biết, công trình do Công ty Central Capital đầu tư, công suất 1.500-6.000 tấn than mỗi giờ. Hệ thống sẽ vận chuyển từ 15 đến 20 triệu tấn than đá từ Lào về Việt Nam mỗi năm.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị công trình này sẽ góp một phần giải quyết tình trạng thiếu than gây thiếu điện thời gian qua.

Băng chuyền trong nước thì thường người ta vẫn chuyển bằng đường sông mới rẻ, sau đó đến bờ sông mới làm băng chuyền từ bờ sông vào nhà máy. Tôi chưa hiểu nổi từ Lào về qua đâu, qua đồi, qua núi, qua rừng như thế nào?
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 13 tháng 6 năm 2023 bày tỏ lo ngại về băng chuyền chuyển than từ Lào về Việt Nam:

“Thường trước khi nhập hàng về phải xem các loại công nghệ có phù hợp không thì mới nhập, có khả năng đốt được không? Chứ không phải cứ nhập về rồi mới kiểm tra, phải kiểm tra từ nước ngoài, so với các thành phần than trong nước, công nghệ đốt phù hợp mới nhận. Không phải cứ than nào cũng dùng cho nhiệt điện được, rất nhiều loại than trong nước ở Quảng Ninh có mà không dùng được, cứ phải xuất khẩu đi. Còn băng chuyền trong nước thì thường người ta vẫn chuyển bằng đường sông mới rẻ, sau đó đến bờ sông mới làm băng chuyền từ bờ sông vào nhà máy. Tôi chưa hiểu nổi từ Lào về qua đâu, qua đồi, qua núi, qua rừng như thế nào?”

Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, từ trước đến nay tại Việt Nam luôn cho rằng thiếu điện là do thiếu than khi thủy điện cạn nước. Tuy nhiên hiện nay theo ông Lâm, các cơ quan chức năng lại cho biết là không thiếu than, mà là do các nhà máy chạy ở công suất cao quá, bị sự cố… Vì vậy ông Lâm cho rằng cần cân nhắc khi đầu tư làm băng chuyền chuyển than từ Lào về. Tiến sĩ Ngô Đức Lâm nói tiếp:

“Vừa qua các nơi tại Quảng Ninh nói than vẫn đủ, chỉ là không khai thác vượt quá khung của một khu mỏ. Trước đây đã có trường hợp khai thác vượt quá khung 10 % thì phạm luật, bị Bộ Tài nguyên Môi trường xử phạt. Bây giờ Thủ tướng quyết định cho vượt 10% thì về sau này chắc Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ phải nghiên cứu sửa lại. Vẫn là do vấn đề quản lý và cơ chế thôi.”

47fe987d-15ee-4e23-bd5b-beb3a7988eed.jpeg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội năm 2021. AFP PHOTO .

Cũng liên quan nhiệt điện chạy than, tại cuộc họp ngày 12/6 của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ này là ông Nguyễn Hồng Diên cho biết nhiệt điện than lại đối mặt thách thức khi chạy 20 năm phải đổi nhiên liệu.

Cụ thể, những nhà máy nhiệt điện than đã hoạt động 40 năm trở lên sẽ chấm dứt hoạt động và từ 20 năm trở lên phải chuyển đổi nhiên liệu. Kế hoạch chuyển đổi nhiên liệu với nhà máy nhiệt điện than theo lộ trình cũng được đưa ra trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn 2050, nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho biết thêm những khó khăn khi nhiệt điện chuyển đổi nhiên liệu:

“Nhiệt điện than trong nước theo Quy hoạch điện 8, thì từ giờ đến năm 2030 những nơi nào có nhà mấy nhiệt điện than đã đưa vào quy hoạch thì xây dựng tiếp. Nhưng sau 2030 sẽ không xây dựng nữa, còn nếu đốt than bây giờ thì đang có nghiên cứu chuyển sang nguyên liệu khác, không dùng than. Khi chuyển từ than sang các loại khác, thì hoàn toàn công nghệ phải thi công lại, tức là kết cấu của lò phải cải tiến lại, phun vào lò như thế nào? Sẽ khác hẳn với công nghệ dùng than.”

Khi chuyển từ than sang các loại khác, thì hoàn toàn công nghệ phải thi công lại, tức là kết cấu của lò phải cải tiến lại, phun vào lò như thế nào? Sẽ khác hẳn với công nghệ dùng than.
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm 

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng Việt Nam đã quy hoạch sử dụng nhiệt điện than nhiều, mà đúng ra phải sớm loại bỏ điện than:

“Quy hoạch điện 8 cũng có nhiều bất cập, ví dụ nhiều nơi điện từ năng lượng tái tạo tức điện gió, điện mặt trời, làm xong rồi vẫn chưa được hòa lưới điện. Ngoài ra cũng có những vấn đề khác ví dụ như nhiệt điện còn nhiều. Tôi thì vẫn cho rằng một trong những nhược điểm của Quy hoạch điện 8 là sử dụng nhiệt điện than nhiều, mà đáng lẽ phải sớm loại bỏ, lúc đó sẽ được sử ủng hộ, trợ giúp của cộng đồng quốc tế.”

Mặc khác, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA trước đây liên quan vấn đề này cho rằng nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP là một thách thức:

“Hiện nay nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang tăng lên với tốc độ khá cao, tiêu thụ năng lượng của Việt Nam thường cao từ 1,5 cho đến 2 lần tăng trưởng GDP. Tức là hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam cần được cải thiện. Thứ hai, Việt Nam có một số nguồn năng lượng, nhưng gần đây, khi thác than và khai thác dầu khí đã bị hạn chế. Vì vậy Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng, và nhập khẩu năng lượng như vậy sẽ tiêu tốn khá nhiều ngoại tệ, đó là một thách thức đối với Việt Nam.”

Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, gọi tắt là Quy hoạch điện 8, được phê duyệt vào ngày 15/5/2023, thì tổng công suất sẽ đạt mức 130 GW vào năm 2030 và 221 GW vào năm 2045.

Mạng báo Nikkei vào ngày 16/5/2023 dẫn phát biểu của một nhà ngoại giao thuộc G7 cho rằng, Quy hoạch điện 8 của Việt Nam được phê chuẩn vẫn chưa hoàn toàn tương thích với các mục tiêu của G7, vì Việt Nam vẫn còn lệ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng than đá.

Related posts