Có nên “tái bổ nhiệm” cán bộ sau “miễn nhiệm”?

Quy định số 1300 về miễn nhiệm, từ chức của cán bộ; điều chuyển, thay thế, bố trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật hoặc uy tín giảm sút; năng lực hạn chế… vừa được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên ký ban hành hôm 6/4/2023.

Qui trình không rõ ràng

Điều đáng chú ý trong qui định là việc bố trí công tác khác đối với những cán bộ bị miễn nhiệm hay từ chức sẽ ra sao? Qui định nêu rằng: cán bộ muốn tiếp tục công tác sẽ căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan. Sau 24 tháng ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm… thì được xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA hôm 7/4 liên quan vấn đề này, nhận định:

“Khi bị miễn nhiệm, kỷ luật nhìn một cách khách quan… mà sửa chữa được khuyết điểm trong khoảng thời gian nhất định, thì cũng có thể bổ nhiệm trở lại được sau khi có một quá trình theo dõi đánh giá lại, xem năng lực đạo đức đã được phục hồi, đã thay đổi được chưa? Nhưng vấn đề nằm ở chỗ quy trình thì không có gì cụ thể cả, mà chỉ là giao cho đơn vị đang quản lý. Thế thì yếu tố tiêu cực có thể xảy ra, có thể làm việc không ra gì, đạo đức chưa tốt, nhưng được đánh giá tốt… và nó sẽ trở thành một việc mang tính hình thức, chứ chưa có tiêu chí nào để khẳng định đánh giá được khách quan, được độc lập và không có biểu hiện tham nhũng ở đây.”

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ quy trình thì không có gì cụ thể cả, mà chỉ là giao cho đơn vị đang quản lý. Thế thì yếu tố tiêu cực có thể xảy ra, có thể làm việc không ra gì, đạo đức chưa tốt, nhưng được đánh giá tốt.
Giáo sư Đặng Hùng Võ

Công luận Việt Nam lâu nay đã đặt “dấu hỏi” về biện pháp thuyên chuyển công tác những cán bộ, công chức vi phạm bị kỷ luật hay có tỳ vết sang vị trí mới ở Việt Nam. Trong đó có những trường hợp khá “vô lý” khi nhiều cán bộ bị kỷ luật ở vị trí này lại được “bố trí” vào vị trí, chức danh “thơm” hơn.

Một ví dụ điển hình đó là vụ ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Ông này vào ngày 7 tháng 4 năm 2021 được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XV với gần 97% phiếu thuận. Tuy nhiên trước đó, vào khoảng tháng 8 năm 2020, ông Bùi Văn Cường bị tố cáo là đạo văn cho luận văn bảo vệ tiến sĩ. Sau đó, người đã tố cáo ông Bùi Văn Cường đạo văn là Võ sư – Tiến sĩ Phạm Đình Quý, cựu giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, đã bị công an bắt giữ.

Hay trường hợp ông Hà Nguyên Phấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá vào tháng 3 năm 2021 bị kỷ luật cảnh cáo do nhiều vi phạm nghiêm trọng, gây thất thoát lãng phí tiền của Nhà nước nhưng sau đó vẫn được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân để bầu tái cử giữ chức Chủ tịch UBND xã (?!).

000_32LR3EJ.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Quốc hội Việt Nam hôm 20/10/2022. AFP.

Sai phạm sẽ càng trầm trọng

Nhận định về vấn đề này, cựu Trung tá Vũ Minh Trí, từng công tác tại Tổng cục II, hôm 7/4/2023, cho rằng : 

“Ai cũng có thể sai lầm và trả giá cho sai lầm của mình về mặt pháp luật, thế nhưng kể cả những người đã bị xử lý hình sự thì cũng có hình thức xóa án tích. Án kỷ luật đó có thời hiệu và sau đó người ta được bổ nhiệm tái sử dụng vào những vị trí khác thì cũng là bình thường thôi. Nhưng có một điều quan trọng là đã quy định như thế thì phải thực hiện cho nghiêm. Trong thời gian vừa qua, tôi thấy có nhiều trường hợp cán bộ đã bị kỷ luật, nhưng thời gian thử thách chưa đủ, nhưng đã được bổ nhiệm vào những vị trí thậm chí cao hơn. Điển hình như trường hợp cựu Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông đã từng bị kỷ luật cảnh cáo, sau đó vẫn được bổ nhiệm làm Phó Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh và đưa lên chức vụ cao hơn thì kết quả ta đã thấy. Cũng có những trường hợp khác ví dụ như ở Hà Nội vừa rồi có hàng loạt cán bộ có nhiều người đã từng bị kỷ luật được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Hiện nay tất cả những người này đã có người lại bị kỷ luật tiếp và thậm chí có thể bị truy tố.”

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho rằng, quy định đặt ra trước hết phải thực hiện thật nghiêm, đúng thời hiệu. Ngoài ra theo ông Trí, đối với những cán bộ từng có sai phạm thì việc xét bổ nhiệm phải khắc khe hơn. Vì nếu không, tiếp tục bổ nhiệm có thể sẽ tiếp tục mắc những sai phạm có khi còn nghiêm trọng hơn.

Nhưng có một điều quan trọng là đã quy định như thế thì phải thực hiện cho nghiêm. Trong thời gian vừa qua, tôi thấy có nhiều trường hợp cán bộ đã bị kỷ luật, nhưng thời gian thử thách chưa đủ, nhưng đã được bổ nhiệm vào những vị trí thậm chí cao hơn.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí

Theo UBND TPHCM, Quy định 1300 mới ban hành nhằm cụ thể hóa quy định 41 ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Cụ thể, Bộ Chính trị lưu ý, cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian tương ứng với từng mức kỷ luật.

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, dù việc tái bổ nhiệm được thực hiện như thế nào đi nữa thì Việt Nam vẫn cần xây dựng quy chế đánh giá cán bộ rõ ràng hơn:

“Chuyện bổ nhiệm đến mức nào, nếu nhìn về phía góc độ con người có thể thay đổi tích cực được, thì cũng không nhất thiết được bổ nhiệm chỉ đến mức đó. Nhưng điều quan trọng nhất là tiêu chí nào để đánh giá cán bộ? Hiện nay tiêu chí đánh giá cán bộ tại Việt Nam không rõ ràng, chỉ mang tính không định lượng, định tính và cảm tính nhiều hơn… Như vậy sẽ làm cho công tác cán bộ ở Việt Nam không chọn ra được những cán bộ thật sự xứng đáng. Chính vì vậy trải qua một giai đoạn khá dài, rất nhiều cán bộ các cấp từ trung ương đến cấp xã bị rơi vào vòng lao lý. Đây chính là câu hỏi lớn nhất được đặt ra, tại sao lại bổ nhiệm cán bộ đến mức vào rơi vào vòng lao lý… Tôi cho rằng đó là vấn đề lớn.”

Related posts