Hợp tác phát triển AI (trí tuệ nhân tạo) là một trong những nội dung quan trọng của Bản tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ nhân dịp hai nước nâng cấp quan hệ gần đây. RFA phỏng vấn GS. Nguyễn Mạnh Hùng về lý do loại công nghệ mới này trở thành một tâm điểm trong lời hứa hẹn về quan hệ mới giữa hai nước Việt Mỹ.
RFA. Henry Kissinger cùng hai tác giả khác, trong cuốn sách “The Age of AI: And Our Human Future” (tạm dịch: “Thời đại của AI và tương lai con người”) năm 2021, đã xếp công nghệ AI vào một loại cách mạng công nghiệp, tương tự cách mạng công nghiệp diễn ra với động cơ hơi nước thế kỉ 18, động cơ đốt trong và sử dụng điện ở thế kỉ 19, công nghệ bán dẫn từ thập niên 1960s thế kỉ 20, và ngày nay là AI (trí tuệ nhân tạo.) Xin Giáo sư cho biết vấn đề lớn nhất của công nghệ AI mà loài người ngày nay đang đối mặt là gì.
GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Vấn đề của AI là làm ra đã khó, áp dụng càng khó hơn. Công nghệ này đặt ra một yêu cầu đối với con người là cần có cách để “deterrent” (răn đe, ngăn chặn) việc áp dụng nó cho mục đích xấu. Nhưng hiện nay, con người chưa có cách nào để “ngăn chặn, răn đe” các mặt tiêu cực của nó.
Ví dụ, trong chiến tranh nguyên tử, cách thức “deterrent” (răn đe, ngăn chặn) là xây dựng “second strike ability”, tức là khả năng đánh trả bằng vũ khí nguyên tử sau khi bị tấn công nguyên tử. Thêm nữa là xây dựng khả năng sống sót sau khi bị tấn công nguyên tử, ví dụ xây dựng nhiều hệ thống đa dạng để khi hệ thống này bị vũ khí nguyên tử của đối phương tiêu diệt thì vẫn còn hệ thống khác, hay như xây dựng hệ thống ngầm trong lòng đất. Nhưng ở thời đại AI, công nghệ AI có tiềm lực phá được hết những cách thức đó. Hơn nữa, con người đã có vũ khí sử dụng công nghệ AI nhưng chưa có vũ khí để kháng lại vũ khí AI. Đó là một tình thế nguy hiểm cho thế giới.
Trong chiến tranh Ukraine ngày nay, các loại vũ khí Ukraine sử dụng do phương Tây viện trợ đều tích hợp một mạng lưới các công nghệ mới, trong đó có internet vệ tinh và AI. Nói tóm lại, AI là một khám phá mới, đảo lộn đời sống con người. Nó có thể tốt hoặc xấu nhưng con người chưa biết cách kiểm soát cái xấu.
RFA. Trung Quốc cũng phát triển mạnh công nghệ AI. Nhiều trung tâm nghiên cứu của Mỹ cảnh báo Trung Quốc có thể vượt Mỹ trong lĩnh vực này. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra vấn đề lớn nhất của công nghệ AI ở Trung Quốc là họ sử dụng nó để phục vụ cho một nhà nước cảnh sát, kiểm soát tư tưởng của từng người dân đến từng ngõ ngách xã hội. Việt Nam sẽ học công nghệ AI của ai? Trung Quốc hay Mỹ?
Nguyễn Mạnh Hùng: Dĩ nhiên, Việt Nam sẽ học cả hai. Có hai vấn đề là học để tiếp thu công nghệ và ứng dụng công nghệ đó. Thứ nhất, Việt Nam sẽ học Hoa Kỳ ở những kỹ thuật tối tân. Ai tối tân thì họ học theo. Thứ hai, về việc áp dụng, thì sẽ học cả Trung Quốc. Họ có nhu cầu kiểm soát thì họ sẽ học Trung Quốc. Nhưng còn tùy thuộc vào cá nhân lãnh đạo của Việt Nam: họ muốn cái gì. Đã là lãnh đạo chính trị thì thường sẽ có xu hướng muốn kiểm soát dân chúng, nhưng ở nước có cơ chế dân chủ thì cơ chế không cho phép thực hiện điều đó.
Nhưng điều quan trọng nhất là sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo nằm ở chỗ khác, không phải ở chỗ đó. Sự nguy hiểm của AI là người ta chưa biết cách kiểm soát nó. Người ta có thể sử dụng công nghệ AI để tàn phá môi trường dễ dàng, ví dụ, bằng cách chế tạo những chương trình phần mềm điều khiển việc phá đập nước ở nơi muốn phá. Nhưng chưa ai biết chống lại những việc như vậy như thế nào.
Nó giúp cho con người rất nhiều nhưng cũng có tiềm năng đem lại cái xấu. Ví dụ giáo sư đại học chấm bài của sinh viên bây giờ rất khó để biết bài do sinh viên làm hay máy làm. Mặc dù cũng có cách để kiểm tra nhưng công nghệ cũng ngày càng tinh xảo để không kiểm soát được.
AI cũng có thể gây ra thất nghiệp hàng loạt. Thất nghiệp hàng loạt có thể dẫn đến nội loạn.
RFA. Như vậy trong quân sự, loài người đã có các loại vũ khí để chống lại các vũ khí truyền thống, kể cả vũ khí nguyên tử, nhưng biết cách nào chống lại vũ khí AI?
GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Chưa biết được cách nào. Vũ khí AI có thể được sử dụng để tấn công tự động. Không ai biết trước khả năng xảy ra nhầm lẫn, sai sót, gây ra tấn công tự động ngoài kiểm soát và dẫn đến chiến tranh thế giới. AI lại còn được trao vào tay tư nhân, và trong một số trường hợp họ quyết định luôn chính sách ngoại giao của một số nước. Internet vệ tinh Starlink của Elon Musk là một hệ thống tích hợp AI và nhiều công nghệ khác. Elon cắt internet Starlink của Ukraine thì Ukraine cũng không đánh trả Nga được. Elon nói Ukraine đánh đến đây thôi, không được đánh thêm. Đó là một điều nguy hiểm vì không ai phán đoán được hành xử các cá nhân kiểm soát công nghệ quan trọng này.
RFA. Nếu Việt Nam ứng dụng công nghệ AI theo cách chơi với cả hai, Trung Quốc và Mỹ, thì điều này có khả thi không? Vì trong lĩnh vực này, nếu Việt Nam đi với Trung Quốc thì các doanh nghiệp phương Tây sẽ rút lui không?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Việc phát minh, chế tạo khác với việc thực hành. Áp dụng để kiểm soát xã hội thì Việt Nam có thể bắt chước Trung Quốc. Bắt chước chứ không phải theo Trung Quốc. Còn phát triển công nghệ thì rõ ràng Việt Nam có thể sẽ theo chiều hướng Mỹ vì Mỹ đã tỏ ý giúp. Việt Nam không theo mô hình Trung Quốc mà theo mô hình của mình, tức là làm gì có lợi nhất cho mình.
Về phát triển năng lực công nghệ AI thì Việt Nam dĩ nhiên sẽ vui vì được được một nước lớn, có công nghệ nguồn giúp cho, để cho mình trong tương lai đủ năng lực vào chuỗi cung ứng. Nhưng về mặt áp dụng AI để kiểm soát xã hội thì nếu Việt Nam áp dụng nhiều quá thì Mỹ có thể phản đối. Tất nhiên, Mỹ phản đối hay không thì tùy thuộc vào áp lực của xã hội dân sự ở Mỹ và cả ở Việt Nam. Nếu Việt Nam càng ngày cộng tác tốt với Mỹ thì không thể ứng dụng dễ dàng công nghệ này để kiểm soát xã hội.
Nếu Mỹ có thể giúp Việt Nam tham gia nghiên cứu chung công nghệ AI thì nó giúp tăng niềm tin chiến lược lên rất nhiều. Bây giờ thì đó mới chỉ là lời hứa, còn thi hành đến mức nào thì chưa ai biết.
RFA xin cảm ơn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này.