“Cháu xin đại diện mẹ cháu, chị cháu và gia đình, gửi lời cảm ơn đến các bác, các chú, các cô lãnh đạo, nguyên lãnh đạo… “
“Bố chúng cháu sau một thời gian lâm bệnh, đã từ trần…”
“Một lần nữa, xin cảm ơn (…) đã đến viếng và tiễn đưa bố chúng cháu về nơi an nghỉ cuối cùng”.
Lời xưng cháu khiêm nhường
Ông Nguyễn Trọng Trường, con trai của cố Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người vừa được tổ chức quốc tang trong hai ngày 26-27 tháng bảy vừa qua, đã gây một ấn tượng tốt đẹp về bản thân và gia đình. Trong lời cảm ơn của gia đình tại lễ truy điệu người cha vừa qua đời, ông Trường không kính thưa kính gửi hàng chục vị lãnh đạo và nguyên lãnh đạo to nhất nước đã tổ chức tang lễ cho người cha của ông như thường thấy, mà nói trực tiếp ngay vào nội dung. Đặc biệt, như phần đầu tôi vừa trích dẫn, ông xưng cháu trong lời cảm ơn.
Cảm giác đầu tiên của tôi là ngạc nhiên đến mức phải nghe đi nghe lại, sau đó thì rất dễ chịu.
Xưng cháu, gọi những người lớn tuổi hơn là các cô, chú, bác, tức là xưng hô theo cách bình thường trong xã hội, là cách xưng hô của người dân thường với những người thân, người quen, đồng nghiệp… của bố mình, những người trong vòng quan hệ của gia đình. Với gần 15 năm ở cương vị Tổng Bí thư, con cái của ông Trọng có đủ thời gian để gặp gỡ những người cùng làm việc với ông, cũng như họ chứng kiến con cái của ông Trọng lớn lên và trưởng thành. Trong ngày thường, chắc chắn họ cũng xưng hô như vậy.
Ông Trường chỉ gọi đơn giản “bố chúng cháu” chứ không thêm cái chức danh to nhất nước ra để nhấn mạnh sự quan trọng của bố ông, của gia đình ông. Sự đơn giản đó trong xưng hô ít nhất cho thấy, người con này, gia đình này tuy đang ở vị trí cao nhất hệ thống lãnh đạo đất nước nhưng họ đã không dựa vào đó mà mà Nhà nước hóa, chính trị hóa, công cộng hóa đám tang này. Tuy quốc tang là nghi lễ trang trọng bậc nhất của quốc gia dành cho người cha, người chồng của họ nhưng hạt nhân của lễ tang đó vẫn là vợ của ông, con cái cháu chắt của ông chứ không phải bản thân nghi lễ và những chức vị xung quanh nó. Đó là điều hết sức tỉnh táo và đáng trân trọng. Nó cho thấy ông Trọng và gia đình ông thực sự khiêm nhường.
Và một lời xưng cháu đầy toan tính
Cách đây sáu năm, cũng có một lời xưng cháu khác, lần này là xưng với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và nội dung thì rất ba chấm.
Đó là Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tổng công ty xây lắp dầu khí tại phiên tòa xét xử mình về tội tham ô, năm 2018.
Nói lời cuối cùng trước khi tòa nghị án, Trịnh Xuân Thanh khóc nấc: Bị cáo rất ân hận, rất hối hận. Cháu muốn gửi lời xin lỗi bác Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất mong bác tha thứ cho cháu cũng như người con, người cháu trong gia đình (…)
Cách xưng hô “cháu” của con trai ông Nguyễn Phú Trọng với những người đã chăm sóc người cha của ông trong thời gian trị bệnh, với những người đã đến viếng và tổ chức đám tang cho cha của ông cho thấy ông và gia đình không đặt vị thế của gia đình và mối quan hệ với những lãnh đạo to nhất nước lên hàng đầu trong sự kiện này. Ngược lại, một kẻ phạm tội như Trịnh Xuân Thanh lại trơ tráo dùng cách xưng hô gia đình để kêu gọi lòng thương, sự áy náy của một người già với con cái của đồng nghiệp mình. Con của đồng nghiệp, nhất là những đồng nghiệp từng cùng nhau làm việc một thời gian dài thường cũng được đối xử gần gũi, thân mật hơn, kiểu “chúng nó cũng cùng lứa với con mình, cũng giống như con cái mình cả”. Thanh lợi dụng điều đó, nhưng cách xưng hô gia đình lại được thể hiện trước tòa án là một nơi hết sức không phù hợp.
Nó còn đặc biệt ở chỗ: khi kêu cứu vị Tổng bí thư của Đảng ra tay “tha thứ”, Thanh đã vô tình bộc lộ một đặc điểm quan trọng (yếu điểm), đồng thời là điểm yếu của hệ thống tư pháp Việt Nam. Đó là không hoàn toàn độc lập trong xét xử.
Ai cũng biết kết quả các phiên tòa đại án đều phải được báo cáo, bàn bạc và quyết định trong Đảng. Thậm chí một vụ tham nhũng lớn có được phanh phui, đem ra xét xử hay không cũng tùy thuộc vào Đảng. Nếu không thì giải thích thế nào khi liên tiếp những lãnh đạo chủ chốt, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng như hai cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, 2 cựu Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, cựu Trưởng ban Dân vận-Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai… đều bị kết luận đã có “vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước” nhưng lại cứ liên tiếp được cho hạ cánh an toàn, cho từ chức, về vườn? Lẽ ra, với cương vị đặc biệt quan trọng cùng với mức độ nghiêm trọng của khuyết điểm của họ thì hành vi vi phạm càng phải được nêu rõ: vi phạm điều gì, vi phạm ra sao, đến mức độ nào, ảnh hưởng uy tín của Đảng và Nhà nước ở những điểm nào…
Các chức danh lãnh đạo trên đều là đứng đầu Nhà nước-một nhà nước có đầy đủ hệ thống tư pháp và hành pháp, thế nhưng lạ thay, người dân chỉ được biết những gì xảy ra với họ qua thông báo của Đảng.
Nhà nước vẫn luôn tuyên ngôn rằng thượng tôn pháp luật, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, vậy phải để pháp luật phán xét các vi phạm của các lãnh đạo cao cấp như với những công dân bình thường khác, chứ không phải lăng lẽ xử lý nội bộ trong Đảng như thế.
Có nghĩa Trịnh Xuân Thanh biết rõ lời kêu cứu của mình nhắm đến “bác” Tổng bí thư tuy rất nực cười trong bối cảnh tòa án, nhưng dường như rất đúng đắn nếu căn cứ thực tế. Vì, ông Trọng cũng nổi tiếng với một tuyên bố rất rõ ràng nữa: “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng nhất, SAU cương lĩnh của Đảng”. Tuyên bố này giải thích tất cả cho thái độ hành xử của Đảng với các lãnh đạo cao cấp đã nhúng chàm.
_______
Tham khảo:
https://www.youtube.com/watch?v=8Z-x8t_K6ds
https://thanhnien.vn/trinh-xuan-thanh-chau-xin-loi-bac-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-185727051.htm
https://tuoitre.vn/hien-phap-con-bon-van-de-lon-co-y-kien-khac-nhau-571463.htm
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.