Cứu trợ tự phát của người dân và chỉ đạo bất nhất từ chính quyền

Lệnh của Thủ tướng và tình hình thực tế

Trong bối cảnh khu vực miền Trung bị lũ lụt nghiêm trọng, vào hôm 21/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành công văn yêu cầu “chấn chỉnh hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai”.

Theo đó, để công tác vận động quyên góp và hỗ trợ đúng quy định và thiết thực, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ.

Trong khi đó, mới đây của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Thượng tướng Lê Chiêm thừa nhận rằng có tình trạng cán bộ cơ sở chia lương khô cứu trợ của Bộ Quốc phòng làm quà. Thông tin này khiến cho cộng đồng đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên vào chiều ngày 23/10, trao đổi với báo giới trong nước bên hành lang Quốc hội, Thượng tướng Lê Chiêm giải thích rằng điều ông nói là đã xảy ra những năm trước đây và ông nêu lại để cảnh tỉnh các địa phương cùng lực lượng quân đội.

Thật sự đây không phải là lần đầu, mà đã có nhiều tệ nạn trong các cấp chính quyền, các đoàn thể chức năng từng lấy tiền cứu trợ ở khách sạn 5 sao, ăn nhà hàng cao cấp, ăn sung ngủ sướng. Thành ra, lòng tin không thể nào một ngày một bữa tạo dựng được, mà phải mất thời gian và thể hiện qua hành động. Tại sao cô ca sĩ Thủy Tiên có thể kêu gọi được số tiền như thế? Miền Trung của Việt Nam không phải lần đầu bị bão lụt như năm 2020, mà nhiều năm qua thì năm nào cũng vậy, chỉ là ít hay nhiều thôi. Tại sao không có đoàn thể, cơ quan nào đứng ra kêu gọi được số tiền ủng hộ nhiều như vậy? Cho nên các cấp chính quyền phải coi lại
-Bà Nguyễn Thị Ba

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Thượng tướng Lê Chiêm cho biết thêm rằng theo ghi nhận của ông thì mùa mưa lũ năm 2020 chưa phát hiện hiện tượng bớt xét chế độ và hàng cứu trợ. Đồng thời, Thượng tướng Lê Chiêm nhấn mạnh rằng lãnh đạo địa phương phải có trách nhiệm ngăn chặn tình trạng này để hàng hóa cứu trợ đến được với người dân trong vùng lũ lụt.

Bà Nguyễn Thị Ba, một người dân ở Sài Gòn, chia sẻ với RFA về những thông tin như vừa nêu mà bà nghe được trong mấy ngày vừa qua. Bà Ba nói rằng dù các đại diện của chính quyền có chỉ thị hay yêu cầu hoặc đưa ra lời giải thích gì chăng nữa thì:

“Thật sự đây không phải là lần đầu, mà đã có nhiều tệ nạn trong các cấp chính quyền, các đoàn thể chức năng từng lấy tiền cứu trợ ở khách sạn 5 sao, ăn nhà hàng cao cấp, ăn sung ngủ sướng. Thành ra, lòng tin không thể nào một ngày một bữa tạo dựng được, mà phải mất thời gian và thể hiện qua hành động. Tại sao cô ca sĩ Thủy Tiên có thể kêu gọi được số tiền như thế? Miền Trung của Việt Nam không phải lần đầu bị bão lụt như năm 2020, mà nhiều năm qua thì năm nào cũng vậy, chỉ là ít hay nhiều thôi. Tại sao không có đoàn thể, cơ quan nào đứng ra kêu gọi được số tiền ủng hộ nhiều như vậy? Cho nên các cấp chính quyền phải coi lại.”

Cứu trợ tự phát không hiệu quả?

Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo lên tiếng với RFA rằng người dân không có niềm tin vào công tác cứu hộ, cứu trợ của các cơ quan chức năng là có cơ sở.

“Mặc dù ông Thủ tướng nói như thế, nhưng chắc là trong tình hình thực tế thì bà con ở miền Trung đang rất khổ. Đến ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng mới cam kết cho trực thăng đi cứu trợ mà trong khi đó dân bị chết cả nửa tháng rồi. Rất là luộm thuộm. Cho nên nếu cứ máy móc thì dân chết hết.”

Nhà báo Võ Văn Tạo đề cập đến Nghị định 64 quy định “ngoài các tổ chức, đơn vị như Mặt trận Tổ Quốc và Hội Chữ thập đỏ, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”. Mặc dù vậy, với tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt và trong tình thế nguy cấp lũ lụt ở miền Trung hiện nay thì việc người dân khắp nơi chủ động cứu trợ đồng bào là việc cần thiết phải làm và không có gì đáng lo ngại khi Nghị định 64 bị vi phạm Bộ luật Dân sự.

“Con rể tôi ở thị xã Ninh Hòa, cách Nha Trang 30 km về phía Bắc, vừa mới đây kể cho tôi nghe rằng phong trào nấu bánh tét ở ngoài đó rầm rộ và có mấy chiếc xe tải cỡ 8 tấn của người địa phương Ninh Hòa, họ tuyên bố là bất cứ ai cần chở hàng cứu trợ ra miền Trung thì họ sẵn sàng giúp.”

122070132_10158788267983808_2818699672052478474_o
Ảnh minh họa. Một cụ bà trong vùng lũ lụt ở Quảng Bình. Hình chụp ngày 23/10/2020.
Courtesy: Facebook Nguyen Lan Thang

Thế nhưng, bản tin truyền hình về phóng sự cứu trợ lũ lụt của Đài VTV, do biên tập viên Liên Liên thực hiện và phát sóng hôm 20/10 gây bức xúc trong dư luận. Phóng viên Liên Liên đã tường thuật rằng, công tác cứu trợ của những đoàn thiện nguyện không những không đạt hiệu quả mà còn ảnh hưởng tới công tác cứu trợ của chính quyền địa phương.

Nhà hoạt động xã hội-blogger Nguyễn Lân Thắng, người đang có mặt tại Quảng Bình để cứu trợ cho bà con địa phương ở đó, vào tối ngày 23/10 trình bày về tình hình thực tiễn mà ông tận mắt chứng kiến, cũng như quan điểm của ông liên quan bản tin của VTV:

“Phải nói là việc thiện nguyện xưa nay vốn dĩ rất là khó. Việc điều phối tổng thể công việc trong thảm họa này thì đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm, nguồn lực cũng như nhân lực. Ở Việt Nam từ trước đến nay thì người dân cũng không có kinh nghiệm trong việc cứu trợ. Nhưng vì người dân thương nhau nên người ta phải tìm cách vận động và tìm cách tự cứu lấy mình, tự cứu lấy nhau. Đương nhiên có sự thiếu kinh nghiệm, thiếu trang thiết bị, thiếu nguồn lực làm cho việc người dân tự cứu lấy nhau bị thiếu chuyên nghiệp. Nhưng mà tôi nói một điều là bản tin của VTV rất sai lầm, khi cho rằng việc người dân thực hiện việc cứu trợ, cứu nạn như vậy làm ảnh hưởng đến công tác cứu hộ của địa phương. Tôi nghĩ việc VTV sử dụng những lời nói đó hoàn toàn không thích hợp.”

Ông Nguyễn Lân Thắng nhắc đi nhắc lại về những ngư phủ ở Quảng Bình đã nhịn ăn, nhịn khát 3-4 ngày đêm và làm đủ mọi cách để có thể cứu được người dân bị kẹt trong đồng nước mênh mông, ngập lút nóc nhà.

“Trong bối cảnh đó, người dân ngoài biển vào cứu thì phải nói ơn cứu mạng với nghĩa đồng bào là hết sức tuyệt vời.”

Nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét về bản tin của VTV:

“Việc phát ngôn của cô biên tập viên Liên Liên thật ra cũng là một scandal gây bức xúc trong xã hội, nhất là những người có tâm ở Việt Nam. Cô này là hậu quả của sự tuyên truyền của nhà nước. Lúc nào nhà nước đề ra cũng đúng hết.”

Nhà báo Võ Văn Tạo nêu lên quan điểm của ông:

“Tôi nghĩ mỗi lần thiên tai lớn như thế, ở những địa bàn rộng như thế thì không có cơ quan nhà nước nào có thể lo được hết đâu; kể cả những cá nhân tự phát như Thủy Tiên hay những người nổi tiếng khác phối hợp cùng làm thì cũng không xuể được đâu. Theo quan điểm cá nhân tôi thì thêm được lực lượng nào là tốt lực lượng đấy. Và, các cơ quan hành chính của nhà nước phải tìm mọi cách để tạo điều kiện hỗ trợ cho những người dân tự phát làm để được hiệu quả nhất và an toàn nhất.”

Tôi nghĩ mỗi lần thiên tai lớn như thế, ở những địa bàn rộng như thế thì không có cơ quan nhà nước nào có thể lo được hết đâu; kể cả những cá nhân như Thủy Tiên hay những người nổi tiếng khác phối hợp cùng làm thì cũng không xuể được đâu. Theo quan điểm cá nhân tôi thì thêm được lực lượng nào là tốt lực lượng đấy. Và, các cơ quan hành chính của nhà nước phải tìm mọi cách để tạo điều kiện hỗ trợ cho những người dân tự phát làm để được hiệu quả nhất và an toàn nhất
-Nhà báo Võ Văn Tạo

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Thượng tướng Lê Chiêm, khi trao đổi với báo giới vào ngày 23/10, cũng đưa ra đề nghị rằng những người đi cứu trợ muốn đưa hàng trực tiếp đến người dân, nên chính quyền địa phương phải tổ chức dẫn đường, vận chuyển hàng đưa giúp vào vùng đang cần.

Thượng tướng Lê Chiêm nhận được tin báo hiện tại các tỉnh bao gồm Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghê An, Thanh Hóa đều bị tình trạng người dân chưa tiếp cận được hàng cứu trợ, nhưng hàng vận chuyển ùn ứ trên đường lại rất nhiều.

Trong cùng ngày 23/10, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Xuân Thu nói với báo giới quốc nội rằng Nghị định 64 là để áp dụng cho các tổ chức được nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ nhân đạo. Đây là một hình thức quản lý của Nhà nước với các tổ chức có nhiệm vụ được giao như Mặt trận Quốc quốc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội, từ thiện, không áp dụng cho cá nhân. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Xuân Thu lưu ý Nghị định 64 vẫn có 1 điểm là khuyến khích những cá nhân tham gia làm công tác thiện nguyện tự nguyện. Nếu như họ làm đúng quy định của pháp luật, không làm gì sai thì phải khuyến khích và tôn vinh họ. Đồng thời, bà cho rằng nghị định này được ban hành đã lâu từ năm 2008 và cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều.

Đài RFA trao đổi với một số người dân ở khắp tỉnh/thành tại Việt Nam, và được nghe hầu hết đều giống nhau ở quan điểm như bà Nguyễn Thị Ba rằng:

“Nếu tôi là người có tiền và có lòng hảo tâm thì tôi chỉ rủ bạn bè làm, chứ tôi không đưa qua các cơ quan nhà nước. Không còn tin nữa rồi và niềm tin đã mất từ lâu rồi.”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Huy Vũ chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của ông rằng người dân không tin chính quyền quản lý tiền bạc quyên góp cứu trợ vì lo sợ tham nhũng, và nếu chỉ có duy nhất những người quyên tiền đi phân phối hàng hoá từ thiện thì lại gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ và nhanh chóng giữa chính quyền địa phương với những đoàn thể, cá nhân làm thiện nguyện thì chắc chắn đồng bào sẽ nhận được sự cứu giúp hiệu quả và ý nghĩa.

Related posts