Đài Á Châu Tự Do kỷ niệm 25 năm hoạt động

Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia-RFA) vào ngày 29 tháng 9 kỷ niệm mốc thời gian 25 năm thành lập.

Thông cáo báo chí của Đài Á Châu Tự Do phát đi từ Washington DC trong cùng ngày cho biết cách đây đúng 25 năm, vào năm 1996, chương trình đầu tiên bằng tiếng Quan Thoại được phát sóng. Kể từ đó đến nay nhãn hiệu báo chí sắc bén của RFA đã có những bài viết mang lại hiệu quả nhất từ truyền thông do Hoa Kỳ tài trợ.

Đài Á Châu Tự Do là kênh thông tin đầu tiên loan tin cho thế giới về việc thành lập quốc gia nhà tù đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) ở vùng Tây Trung Quốc; là kênh đầu tiên xác nhận tin việc bắt giữ lãnh tụ Aung San Suu Kyi khi quân đội Miến Điện tiến hành cuộc đảo chính.  Đài Á Châu Tự Do cũng là kênh thông tin về việc chính phủ Trung Quốc che giấu số tử vong do COVID-19 gây nên tại Vũ Hán. Đó là những tin tức trong số những diễn biến thời sự quan trọng khác. 

Chủ tịch Bay Fang của Đài Á Châu Tự Do phát biểu: “Ngày hôm nay, chúng ta kỷ niệm 25 năm hoạt động của Đài Á Châu Tự Do. Vào ngày này năm 1996, chương trình khởi đầu bằng tiếng Quan Thoại theo sóng phát thanh đến với thính giả ở Trung Quốc. Trong những năm tiếp theo, chúng ta chứng kiến những thay đổi sâu rộng trong lịch sử và trong lĩnh vực công nghệ, cho thấy cách thức chúng ta kết nối, nhìn nhận lẫn nhau, và chia sẻ thông tin.

Tuy vậy, chúng ta cũng chứng kiến tình trạng phân lập, sự lan truyền phức tạp thông tin bị bóp méo, và thực trạng xuống dốc trong tự do báo chí khắp nơi trên thế giới – khi mà các thể chế độc tài và những tác nhân tàn độc khác tự thay đổi và thích ứng qua thời gian.

Điều này khiến cho nhãn hiệu truyền thông sắc bén của Đài Á Châu Tự Do trở nên quan trọng hơn bao giờ hết cho hằng triệu người tin tưởng chúng ta. Chúng ta mang lại trách nhiệm giải trình. Chúng ta mang đến những câu trả lời. Chúng ta mang lại sức mạnh cho thính giả/độc giả/khán giả của chúng ta.” 

Đến ngày hôm nay, Đài Á Châu Tự Do đã giúp chừng 59,8 triệu người hằng tuần có thể tiếp cận những tin tức độc lập, không bị kiểm duyệt; thông tin và những chương trình văn hóa bị phớt lờ hay ngăn chặn bởi những chính phủ thù địch với truyền thông tự do.

Thêm tám ban ngôn ngữ khác được đưa vào chương trình của Đài Á Châu Tự Do gồm Ban Tiếng Tây Tạng, Ban Tiếng Hàn, Ban Tiếng Miến Điện, Ban Việt Ngữ, Ban Tiếng Khmer, Ban Tiếng Lào, Ban Tiếng Quảng Đông và Ban Duy Ngô Nhĩ. RFA hiện nay phục vụ cho đối tượng thính giả/ độc giả/ khán giả ở Trung Quốc, Bắc Hàn và khu vực Đông Nam Á. Đây là khu vực với xếp hạng kém nhất thế giới về môi trường truyền thông.

BenarNews và WHYNOT/WAINAO ra đời trong những năm gần đây nhằm mở rộng đến các đối tượng dân chúng ở Bangladesh, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines cũng như thế hệ trẻ những người nói tiếng Hoa trên khắp thế giới.

Trong lĩnh vực mạng xã hội, RFA và các nhãn hiệu của mình đến nay đạt hơn 30 triệu người theo dõi/người hâm mộ. Nội dung video cũng đạt được 2.8 triệu lượt xem trong năm tài chính này.

Công việc của RFA được hoan nghênh và công nhận rộng rãi. Những tường thuật độc quyền của RFA thường xuyên được các hãng tin khác gồm BBC, Reuters, The Wall Street Journal, New York Times, Washington Post, Atlantic, VICE News, FOX News, The South China Morning Post, Bangkok Post, CNN và nhiều kênh toàn cầu, địa phương và khu vực khác dẫn lại.

RFA cũng đạt được nhiều giải thưởng gồm những giải National Murrow  Gracies, Giải Nhân quyền Hong Kong, và những giải của Hội Nhà báo Chuyên Nghiệp (the Society of Professional Journalists), Liên minh Phụ nữ Ngành báo (Alliance for Women in Media) , Ân xá Quốc tế (Amnesty International) , Hội Nhà báo Hong Kong (Hong Kong Journalists Association), và the New York Festivals  cho các phóng sự về người Rohingya, đại dịch COVID-19, những trại giam người Duy Ngô Nhĩ, biện pháp kiểm duyệt truyền thông của Trung Quốc và nhiều đề tài chính khác.

Do môi trường tác nghiệp khó khăn và bản chất nhạy cảm của công việc RFA, các phóng viên của RFA thường phải đối diện với những mối nguy nghiêm trọng. Hiện tại, có những phóng viên, cộng tác viên của Đài đang phải ngồi tù ở Việt Nam, Campuchia; trong khi hằng chục người thân trong gia đình của những phóng viên Ban Duy Ngô Nhỉ của Đài đang bị giam giữ, bị tù hay mất tích ở Trung Quốc.

Trong những ngày tới, hoạt động kỷ niệm 25 năm của RFA và những thành tựu của Đài sẽ được giới thiệu tại Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ.  

Related posts