Đảng còn có thể kiểm soát thông tin “nhạy cảm”?

Bà Trương Thị Mai – Thường trực Ban Bí thư hôm 28/6 ký kết luận 57 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại nhấn mạnh, cần xây dựng cơ chế phát ngôn phù hợp, hiệu quả, kịp thời cung cấp thông tin cần thiết nhất là đối với các sự việc nhạy cảm, phức tạp.

Từ Hà Nội hôm 3/7, Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu – Ban Dân vận Trung ương, cho biết ý kiến của mình:

“Thật ra họ bắt đầu buộc phải làm như vậy, bởi vì nếu họ không làm thì mạng xã hội sẽ thay họ làm. Đây cũng là một loại cạnh tranh thôi, nhưng như thế là tốt. Vấn đề là nội dung, nội hàm, đưa tin như thế nào, đưa tin nhanh nhưng có trung thực không, có xác thực không và có nhân văn tiến bộ trong nội dung đưa tin không? Đây là mặt yếu muôn thuở của nền tuyên truyền hiện nay. Bây giờ mạng xã hội phát triển và nhanh lắm, nên họ buộc phải làm như vậy. Tôi hy vọng những người làm này có một tâm thức tử tế, để đưa tin kịp thời và những bình luận xác đáng cho nhân dân, cho xã hội… Đây là mong ước của chúng tôi.”

Vấn đề là nội dung, nội hàm, đưa tin như thế nào, đưa tin nhanh nhưng có trung thực không, có xác thực không và có nhân văn tiến bộ trong nội dung đưa tin không?
-Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai

Trước đây, Việt Nam cũng đã từng tổ nhiều hội nghị nhằm huấn luyện nâng cao kỹ năng phát ngôn với mục đích tương tự. Đơn cử như Hội nghị tổ chức tại Vĩnh Long vào tháng 7 năm 2020, được nói nhằm trực tiếp triển khai công tác thông tin đối ngoại, nhằm cung cấp thêm thông tin cho báo chí… thực hiện hiệu quả đường lối, chính sách của đảng, nâng cao nhận thức về sự cần thiết cung cấp thông tin cho báo chí tuyên truyền, nâng cao kỹ năng phát ngôn về trả lời phỏng vấn báo chí, xử lý khủng hoảng thông tin…

Tuy nhiên dư luận cho rằng, trên thực tế người phát ngôn của các bộ ngành tại Việt Nam dù có sử dụng đúng kỹ năng của mình, nhưng khó có thể linh hoạt trong trả lời phỏng vấn báo chí, xử lý khủng hoảng thông tin… vì tất cả thông tin nhạy cảm đều phải theo sự chỉ đạo của đảng cộng sản Việt Nam.

Tiến sĩ, Nhà báo Hồ Bất Khuất, Phụ trách nội dung tại Tạp chí Gia đình & Trẻ em, giảng viên môn báo chí Đại học Vinh, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do  liên quan vấn đề này trước đây, cho biết:

“Nói chung, nhiều người phát ngôn của các bộ ngành nắm được vấn đề nhưng không dám nói thẳng nói thật hết mọi loại thông tin. Cho nên thái độ của họ khi cung cấp thông tin cho báo chí thì họ làm cho xong chuyện, chứ không cùng báo chí tìm ra bản chất vấn đề hay sự kiện, đấy là điều hơi đáng tiếc. Tuy nhiên cũng có một số ít, họ có bản lĩnh, có thể cung cấp thông tin cho báo chí một cách chính xác hơn… có thể gợi mở cho các nhà báo, để họ tìm hiểu thêm vấn đề, đấy là tình hình chung hiện nay.”

fd4117b8-bac2-41e3-9739-82cf30d768f7.jpeg
Ảnh minh họa: Bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam. AFP PHOTO.

Nhiều năm qua, Việt Nam luôn tìm cách tăng cường áp lực yêu cầu các mạng xã hội xóa bỏ nội dung ‘nhạy cảm chính trị’. Đồng thời chính quyền Việt Nam cũng gia tăng đàn áp tự do ngôn luận, với kết quả hàng chục tiếng nói đối lập, các nhà báo độc lập, các nhà bảo vệ nhân quyền bị bắt và bị kết án nhiều năm tù giam.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 3/7 khi nhận định với RFA cho rằng, trong thời đại hiện nay khi mà thông tin có thể được tung lên mạng ngay lập tức và lan truyền nhanh chóng bởi mọi người, thì chế độ độc đảng toàn trị khó mà kiểm soát được thông tin. Ông Vũ cho biết tiếp:

“Giới cầm quyền hiện nay đang xây dựng cái gọi là cơ chế phát ngôn phù hợp đối với các sự việc nhạy cảm với mục đích chủ yếu là chữa cháy. Lòng dân hiện nay đã quá khác lòng Đảng. Dân và Đảng đã trở thành hai lực lượng đối nghịch. Người dân thấy Đảng Cộng sản như là một lực lượng chiếm đóng, cai trị, và bóc lột tài nguyên của đất nước. Bởi vì vậy mà mỗi khi có dịp là họ sẽ lên án. Sự kích động của nhân dân nếu không được xoa dịu kịp thời thì nó sẽ dễ dàng và nhanh chóng trở thành một ngòi nổ có thể thay đổi chế độ bất cứ lúc nào.”

Giới cầm quyền hiện nay đang xây dựng cái gọi là cơ chế phát ngôn phù hợp đối với các sự việc nhạy cảm với mục đích chủ yếu là chữa cháy. Lòng dân hiện nay đã quá khác lòng Đảng. Dân và Đảng đã trở thành hai lực lượng đối nghịch.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, hiểu được điều đó cho nên giới cầm quyền bắt đầu xây dựng một cơ chế truyền thông để giải quyết những sự việc hay xung đột nhạy cảm này. Tuy nhiên Ông cho rằng đó chỉ là bề nổi:

“Những sự kích động của người dân đối với các vấn đề trong xã hội chỉ là bề nổi, và việc xoa dịu bằng truyền thông chỉ có thể hạn chế những kích động đi xa hơn. Vấn đề lớn nhất đó là không có dân chủ. Người dân không cảm thấy mình có bất cứ quyền nào ở đất nước này, họ cảm thấy họ như là những người ở trọ trên chính quê hương của mình. Sự xung đột do đó tự nhiên được hình thành giữa những người bị trị như công dân hạng hai và người đang cầm quyền như công dân hạng nhất.”

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, chừng nào chưa có dân chủ thì chừng đó những xung đột tiềm tàng ấy vẫn chưa được giải quyết. Với một sự xung đột ngấm ngầm như vậy theo ông Vũ, nó sẽ chỉ ngày càng lớn khi chứng kiến nhiều hơn những bất công mà không có cách nào có thể xoa dịu được; để đến một ngày những uất ức lớn dần và người dân sẽ biến thành hành động để đòi những quyền dân chủ của mình mà trong đó là các quyền bầu cử và ứng cử tự do để chọn ra những lãnh đạo mới, thực sự của dân và vì dân.

Related posts