Đảng lãnh đạo Hội Luật Gia: vẫn cương lĩnh Đảng đứng tên pháp luật!

Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, ông Võ Văn Thưởng ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Trong Chỉ thị, Bộ Chính trị yêu cầu Hội Luật gia tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát việc thi hành pháp luật; thường xuyên chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ, hội viên về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Song song đó, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác của Hội Luật gia.

Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, thống nhất, tự nguyện của các luật gia trong cả nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chịu sự lãnh đạo của Đảng, chịu sự quản lý của Nhà nước. Luật gia là thành viên của Hội Luật gia.

Nghị quyết thường là một tháng ra một lần trong khi luật có tính ổn định từ vài năm đến vài chục năm. Đảng lãnh đạo Hội luật gia chẳng khác nào ‘thằng’ ổn định bị ‘thằng’ không ổn định lãnh đạo. Như thế, cương lĩnh chính trị của đảng đặt lên trên Hiến pháp và Pháp luật rồi. Họ muốn áp đặt, đó là bản chất của vấn đề. – Một luật gia

Một luật gia không muốn nêu tên ở Hà Nội cho rằng, một khi Đảng tăng cường sự lãnh đạo một tổ chức như Hội Luật gia, có nghĩa Đảng đứng trên luật pháp. Ông nói:

“Ở Việt Nam có rất nhiều hội, hội nào cũng do Đảng lãnh đạo và quản lý. Hội viên phải đóng tiền. Như thế họ vừa thu tiền lại vừa quản lý. Đối với Hội Luật Gia, đây không phải lần đầu tiên họ tăng cường lãnh đạo. Trong tất cả các tổ chức chính trị xã hội đều có sự lãnh đạo của Đảng hết. Nếu họ thấy chưa đủ thì họ ra chỉ thị tăng cường thôi, tức quản lý chặt chẽ hơn theo định hướng của đảng.

Vấn đề là nếu sự lãnh đạo của Đảng mà xung đột lợi ích với pháp luật thì hội viên phải đứng về phía nào, bởi định hướng và nghị quyết của Đảng là ý chí của một nhóm người, trong khi đó, pháp luật là ý chí của toàn dân.

Nghị quyết thường là một tháng ra một lần trong khi luật có tính ổn định từ vài năm đến vài chục năm. Đảng lãnh đạo Hội luật gia chẳng khác nào ‘thằng’ ổn định bị ‘thằng’ không ổn định lãnh đạo. Như thế, cương lĩnh chính trị của Đảng đặt lên trên Hiến pháp và Pháp luật rồi. Họ muốn áp đặt, đó là bản chất của vấn đề.”

Ngoài việc đứng trên luật pháp như nhận định của vị luật gia giấu tên ở Hà Nội vừa nêu, Đảng Cộng sản Việt Nam còn đứng trên cả Hiến pháp. Điều này được chính ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng tuyên bố trước cử tri hai quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm hôm 28 tháng 9 năm 2013 và được báo VNExpress dẫn lại: “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”.

Liên quan giữa Hiến pháp và Cương lĩnh của đảng, tháng 11 năm 2013, khi Quốc hội chính thức thông qua bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 – nhấn mạnh, rằng bản Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng; khẳng định vị trí lãnh đạo Nhà nước, xã hội của Đảng cũng như xác định rõ trách nhiệm của Đảng so với bản Hiến pháp trước.

Trong khi đó, Điều 119, khoản 1 Hiến pháp 2013 quy định: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.”

Luật sư Võ An Đôn, người từng tham gia bào chữa trong các vụ xử  công an đánh chết người dân hay xử các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến, bị Liên đoàn Luật sư Việt Nam thu hồi thẻ luật sư vào năm 2017, nêu quan điểm của ông về mối liên hệ giữa đảng và các tổ chức liên quan đến luật sư, luật gia ở Việt Nam:

“Mọi tổ chức ở Việt Nam đều dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là Hội Luật gia hội. Hội này quy tụ những cán bộ, công chức làm trong cơ quan nhà nước mà am hiểu pháp luật.

Từ xưa đến giờ thì Hội Luật gia vẫn dưới sự lãnh đạo của Đảng chứ không thoát được. Bây giờ họ tăng cường lãnh đạo có nghĩa là người ta quản lý chặt hơn. Có lẽ họ sợ những luật sư có uy tín với cộng đồng sẽ thoát khỏi sự lãnh đạo của họ. Còn với Đoàn luật sư thì có quy định mỗi tỉnh, thành có Đoàn luật sư riêng. Ở trung ương thì có Liên đoàn luật sư quản lý toàn bộ các Đoàn luật sư ở các tỉnh. Về mặt luật pháp thì nó là một cái hội nghề nghiệp do những luật sư thành lập nên, nhưng thực tế thì đoàn luật sư do đảng lãnh đạo. Người đứng đầu Đoàn luật sư gọi là Chủ nhiệm đoàn luật sư. Người này bắt buộc phải là đảng viên và được sự đồng ý của Đảng ở địa phương mới làm chủ nhiệm được.”

Với cách tổ chức như vậy thì Việt Nam không thể có mô hình tam quyền phân lập khi các quyền của Nhà nước là lập pháp, hành pháp, và tư pháp không được phân chia cho ba cơ quan độc lập nắm giữ, mà tất cả thuộc sự quản lý và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mọi tổ chức ở Việt Nam đều dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là Hội Luật gia hội. Hội này quy tụ những cán bộ, công chức làm trong cơ quan Nhà nước mà am hiểu pháp luật. – Luật sư Võ An Đôn

Cách đây năm năm, ông Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quy định về “xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”. Theo đó, đảng viên sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ nếu đòi thực hiện thể chế tam quyền phân lập, xã hội dân sự, đa nguyên, đa đảng; bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước…

Một năm sau, trang web của Ban tuyên giáo bổ sung bài viết của PGS.TS. Trần Văn Phòng với tựa “Có nên vận dụng mô hình tam quyền phân lập vào Việt Nam hiện nay?”

Tác giả cho rằng, không nên vận dụng mô hình này vào Việt Nam bởi, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Related posts