Đánh thuế đất bỏ hoang có chặn được nạn đầu cơ?

Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đang soạn thảo quy định tính thuế đánh vào người có đất nhưng bỏ hoang. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết thông tin vừa nêu khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Đất đai sửa đổi mới đây.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ phối hợp với các Bộ ngành để xây dựng nguyên tắc đánh thuế với người quản lý, sử dụng nhiều đất đai hơn so với hạn mức; trường hợp để hoang hóa đất đai.

Tính thuế người bỏ hoang đất có khả thi? Có chống được đầu cơ đất? Liệu có nảy sinh tiêu cực khi tính toán như thế nào là bỏ hoang?

Đối với trường hợp bình thường của người dân, nếu đất của người ta chưa có tiền để xây, để đầu tư, thì chắc là khó có thể đưa ra được một tiêu chí về đất bỏ hoang.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA hôm 12/12, cho rằng:

“Sự thật đất bỏ hoang cũng không khó đánh giá, nhưng đối với đất nông nghiệp thì cần phải có tiêu chí khác đối với đất phi nông nghiệp. Bởi vì đất nông nghiệp có thể bỏ hoang đất một hai năm để đất phục hồi độ màu mỡ. Cần phải tính rõ đất bỏ hoang đối với đất nông nghiệp thì phải như thế nào? Nhưng đối với đất phi nông nghiệp thì không khó, nếu các dự án được giao bị treo thì luật hiện hành đã có quy định, cứ sau 24 tháng mà không đúng tiến độ sử dụng đất thì cho kéo dài 24 tháng nữa, nếu vẫn treo hoặc sử dụng không đúng tiến độ thì sẽ bị thu hồi.”

Ngoài ra theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quy định sẽ dùng cách đánh thuế cao hơn để buộc người đang sử dụng đất phải tự giải quyết việc để treo dự án. Liên quan đất hộ gia đình, ông Võ nói:

“Đối với trường hợp bình thường của người dân, nếu đất của người ta chưa có tiền để xây, để đầu tư, thì chắc là khó có thể đưa ra được một tiêu chí về đất bỏ hoang. Bởi vì họ không có dự án và họ cũng có thể nói là họ chưa có tiền, thế thì năm nay làm được cái móng chẳng hạn… rồi hai năm sau mới có thể làm được tầng một… thì điều đó cũng phù hợp với chính sách đất đai cho nhóm người dễ bị tổn thương.”

477cd0fe-9f20-47ba-b874-6e8552a4ddff.jpeg
Hình minh hoạ. Các toà nhà đang được xây dựng làm khu dân cư và văn phòng ở Hà Nội năm 2013. AFP.

Việc tăng thuế với người có quyền sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang, đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN nêu từ tháng 6 năm 2022 trong Nghị quyết 18.

Gần đây, tình trạng đất đã được phê duyệt dự án nhưng bị bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách. Do đó Chính phủ Việt Nam muốn dùng chính sách thuế tăng cao đánh vào đất bỏ hoang, nhằm chống việc đầu cơ đất đai.

Đầu cơ đất đai được cho là việc một người hay tổ chức nào đó mua vào một số lượng lớn quyền sử dụng đất, để tích trữ và bán ra khi có sự chênh lệch về giá. Do đất đai có hạn, đầu cơ gây ra sự khan hiếm giả đẩy giá đất tăng cao gây ảnh hưởng nền kinh tế.

Thế nào là bỏ hoàng thì nó lại là một chuyện có thể tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước hành xử tùy tiện. Chẳng hạn sáu tháng chưa làm thì có thể coi là bỏ hoang hay không? Hay là mấy năm?
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Tuy nhiên Tiến sĩ Nguyễn Quang A – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS ở Hà Nội, đã tự giải thể, hôm 12/12 lại cho rằng vấn đề là do thuế tài sản quá thấp, nếu chỉ tăng thuế đất bỏ hoang sẽ không giải quyết được vấn đề:

“Thực sự thuế tài sản là một loại thuế mà Việt Nam chưa quen lắm, tuy Việt Nam có thuế đất cũng là một dạng thuế tài sản, nhưng thuế đó thu hàng năm tương đối ít. Cho nên nó không làm cho người ta lo chuyện sử dụng đất như thế nào để cho hợp lý. Nếu chỉ đánh thuế riêng cho đất bỏ hoang thì tôi nghĩ sẽ khó, nó phải là một cái chung về thuế tài sản thì hay hơn. Chứ còn thế nào là bỏ hoàng thì nó lại là một chuyện có thể tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước hành xử tùy tiện. Chẳng hạn sáu tháng chưa làm thì có thể coi là bỏ hoang hay không? Hay là mấy năm?”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc đánh thuế đất bỏ hoang có thể làm phát sinh tiêu cực, có thể có sự phân biệt khi đánh giá như thế nào là đất bỏ hoang. Ông A cho rằng, nếu mà tính thuế tài sản tương đối cao lên, thì không chỉ những người bỏ hoang, mà kể cả những người đầu cơ về bất động sản sẽ gặp vấn đề và sẽ phải tính toán hợp lý cho đất đó. Nếu không theo ông A, thuế đất bỏ hoang sẽ là cơ hội để cơ quan có thẩm quyền tùy tiện đánh giá, đó là điều không hay.

Còn Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành khi trả lời RFA hôm 12/12 thì cho rằng, cái gốc của vấn đề là quyền sở hữu đất tại Việt Nam:

“Đây là vấn đề lớn chứ không phải vấn đề nhỏ như là coi lại đất nào bỏ hoang, không bỏ hoang… Phải coi lại Luật đất đai của Việt Nam, cơ bản quyền sử dụng đất là của nhân dân, chứ không phải của nhân dân mà nhà nước quản lý, cái đó thật ra là ép nhân dân. Vì đất của người dân anh quản lý thì đâu có quyền sở hữu. Không có luật nào trên thế giới cho người quản lý trở thành người sở hữu hay người có quyền sử dụng một cách tuyệt đối. Trong khi ở Việt Nam, nhà nước quản lý nhưng nhà nước lại có quyền sử dụng tuyệt đối. Về cơ bản, quyền về đất đai ở đất nước này không phù hợp, cho nên vừa rồi Quốc Hội có bàn về vấn đề sửa chữa Luật đất đai, nhưng chưa làm đến nơi đến chốn.”

Luật Đất đai nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định rõ, đất đai là sở hữu toàn dân. Tuy nhiên người dân thực chất không có quyền sở hữu, mà khi mua đất hay đất do ông bà cha mẹ để lại… thì sẽ được nhà nước cấp cho giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường – Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, chấp nhận chế độ sở hữu đất đai toàn dân hay cho tư nhân sở hữu đất đai cũng đều được, vì đó chỉ là một thuật ngữ. Tuy nhiên theo ông Võ, điều quan trọng là luật phải quy định rõ, Nhà nước quyền đến đâu, được làm gì, người giữ đất được có những quyền nào và được làm gì…

Related posts