Đạo Cao Đài ở Việt Nam: nhiều thách thức, ít triển vọng?

Hội nghị về Tự do Tôn giáo và Niềm tin tại khu vực Đông Nam Á là một sự kiện thường niên, được Uỷ ban Cứu người Vượt biển (BPSOS) và một số tổ chức phi chính phủ (NGOs) ở Hoa Kỳ khởi xướng từ năm 2015. 

Hội nghị lần thứ VII năm nay diễn ra trong hai ngày 29 và 30/11 qua hình thức trực tuyến với chủ đề” Đạo Cao Đài ở Việt Nam: thách thức và triển vọng”.  

Chia rẽ, đàn áp và đe doạ

Lên tiếng trong tư cách người điều hợp chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành BPSOS, cho biết mục đích chính của Hội nghị năm nay:

Năm nay chúng tôi chọn hình thức mới, trọng tâm là Cao Đài nhưng vẫn mang tính chất đa tôn giáo như mọi năm, nghĩa là vẫn mời những chức sắc và tín đồ của các tôn giáo khác vào để lắng nghe, chia sẻ, góp ý”

“Buổi hội luận gồm có bốn tham luận đoàn. Thứ nhất tập trung vào cách nhìn của quốc tế. Thứ hai tập trung phân tích và lý giải tình cảnh đạo Cao Đài từ 1975 cho đến ngày hôm nay; Thứ ba là chia sẻ những kinh nghiệm đấu tranh, đối phó có hiệu quả trong thời gian qua và cuối cùng là tập trung hình thành một sách lược lớn để mọi người (Cao Đài) thuộc mọi khuynh hướng khác nhau, đồng ý hay không đồng ý với nhau, có thể góp ý để khôi phục lại cơ đạo. Đấy là cách thức chúng tôi thực hiện và sẽ làm y hệt như vậy đối với các tôn giáo khác”.  

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Anurima Bhargava của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF)-một tổ chức không ngừng kêu gọi Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC)- nói: 

Chúng tôi lên đây để nói về sự đàn áp tôn giáo mà Cao Đài là một trường hợp điển hình. Chính phủ Việt Nam hiện tại chỉ công nhận nhóm Cao Đài mà họ dựng lên sau 1975, gọi là Chi phái Cao Đài 1997. Nhà Nước Việt Nam sử dụng Chi phái 1997 để chèn ép, đàn áp những người trong Giáo phái Cao Đài chơn truyền là những tín đồ độc lập”

Bà Bhargava cũng cho biết khi bà đến Việt Nam vào năm 2019, bà và những thành viên của USCIRF đã có cơ hội gặp gỡ các thành viên Cao Đài độc lập. Qua đó, bà được biết nhóm tín hữu Cao Đài chơn truyền không theo phái do Nhà nước ủng hộ, vẫn tiếp tục bị đàn áp. Bà nói tiếp:

Báo cáo hàng năm của USCIRF cho thấy nhà chức trách VN hợp lực với nhóm Cao Đài do Nhà nước ủng hộ để quấy rối, sách nhiễu các tín hữu Cao Đài chơn truyền, cố tình lấn chiếm thánh thất, đất đai, tài sản của họ, buộc họ tham gia, phục tùng nhóm Cao Đài do Nhà nước ủng hộ nếu không muốn bị trừng phạt”.

Những chuyện như thế kéo dài hết năm này sang năm khác. Một trong  những điều tôi cảm nhận rõ từ sau chuyến thăm hồi 2019 của tôi là Cao Đài  chơn truyền ở Việt Nam không được quyền thể hiện đức tin theo cách của họ. Tôi nghĩ USCIRF phải tiếp tục áp lực Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo và các quyền con người căn bản. USCIRF phải tiếp tục khuyến nghị chính phủ Mỹ đưa tự do tôn giáo thành yếu tố không thể thiếu trong tương quan 2 quốc gia”.  

Tiếp lời Ủy viên Bhagava của USCIRF, Giám đốc Văn phòng Tự do Tôn giáo Thế giới, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, ông Dan Nadel cho biết: 

“Báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại Giao cho rằng từ sự việc phân rẽ đạo Cao Đài thành hai thực thể năm 1997. Nhóm Cao Đài của Nhà nước đã thực hiện những hành động đe dọa, đàn áp, khống chế những đồng đạo mà họ cho là ‘phản cách mạng’. Chúng tôi thừa nhận có những hành động như vậy. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng những tín đồ của giáo phái Cao Đài chơn truyền phải được chính phủ cũng như các thành viên của giáo phái Nhà nước đối xử bình đẳng. Bất cứ điều gì liên quan mà quí vị cung cấp để chúng tôi nêu ra trong vòng đối thoại nhân quyền song phương với phía Việt Nam đều được chúng tôi vô cùng lưu ý”

Vẫn theo lời ông Dan Nadel, xã hội không thể thực sự tự do, lành mạnh nếu mọi người không thể sống một cuộc sống theo lương tâm hoặc niềm tin sâu xa nhất của mình.

Việt Nam cần cải thiện các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế

Đại sứ Josh Douma, Đặc phái viên về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin của chính phủ Hòa Lan, Chủ tịch Liên Minh Về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin, tổ chức bao gồm 33 quốc gia cam kết trên thế giới, nói rằng:

Trong tư cách Chủ tịch Liên Minh về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin, tôi dám nói tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng là điều quan trọng đối với mọi cá nhân ở khắp mọi nơi, là quyền được khắc ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cũng như trong Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, được theo đuổi trên tất cả mọi lĩnh vực của các chính sách đối ngoại”. 

Đại sứ Josh Douma nhấn mạnh:

“Việt Nam là ứng viên vào một ghế tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc năm 2023, vì thế họ phải cải thiện và đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình như quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, xem xét lại Luật tín ngưỡng và tôn giáo sao cho phù hợp với quốc tế”. 

Về những thách thức và triển vọng cho đạo Cao Đài ở Việt Nam, bà Victor Sheaha, Tuyên úy Cao Đài đầu tiên tại Hoa Kỳ, người đồng sáng lập Mạng Lưới  Cao Đài Today, cho rằng thách thức lớn nhất của Cao Đài Việt Nam, là giữ vững niềm tin vào Giáo hội Cao Đài chính thống, đòi lại Tòa Thánh Tây Ninh trong tay Hội đồng Chưởng quản được Nhà Nước lập ra, kiên trì chống lại sự cấm đoán và phân biệt đối xử của nhà cầm quyền Việt Nam.

Góp tiếng trong hội nghị lần này còn có những vị chức sắc Cao Đài trong và ngoài nước như Sĩ Tài Phùng Văn Phong, Tòa Thánh Tây Ninh, Lễ sanh Hương Muội, Thánh Thất Mountain View ở Dallas, Texas, Chánh Trị sự Hứa Phi, Tổng đạo Đức Trọng, Châu đạo Lâm Đồng và Chánh Trị sự Nguyễn Xuân Mai ở Vĩnh Long. 

Ngoài ra còn có Hòa thượng Thích Thiện Minh, từng là tù nhân tôn giáo lâu năm nhất từ 1979 đến 2005.  

Nhiều quan điểm thẳng thắn, cấp thời được nêu ra, trong đó đáng chú ý nhất là ý kiến của nhà hoạt động Trương Minh Tam, một người có kiến thức về pháp lý:

Dưới góc độ một chuyên gia luật thì tôi muốn đóng góp hai ý kiến. Rất mong quí vị hãy cùng với chúng tôi đọc lại cái ‘bản án’, và nếu như có cơ hội thì chúng tôi sẵn sàng cùng quí vị để tiến hành cuộc đấu tranh pháp lý trường kỳ đối với Nhà Nước Việt Nam”.  

Hay của Thượng tọa Thích Thông Siêu: 

“Bây giờ chúng ta đi theo quá khứ, mò tìm quá khứ thì tốn rất nhiều thời gian, thế giới cũng không biết đâu mà  đi theo ủng hộ mình” 

“Ý thứ hai là để cho Ban Pháp Lý hiện tại của BPSO, để cho thế giới nhìn nhận sự việc từ đây về sau, còn những bằng chứng quá khứ thì để đó, cần thì mình chưng ra chứ không đi theo hỏa mù của cộng sản. Cơ bản nhất là chúng ta thành lập lại từ đầu, nuôi dưỡng lực lượng nòng cốt trẻ”.  

Quốc tế không thể can thiệp vào nội bộ một nước, thí dụ như Việt Nam, ngoại trừ biện pháp chế tài, là lời giám đốc điều hành BPSOS Nguyễn Đìn Thắng.

Tuy nhiên, ông nói tiếp, muốn có được sự ủng hộ và yểm trợ của quốc tế, cần phải có một lộ trình thực hiện năm bước, bảy bước, đến từng chặng một và chỉ ra cho quốc tế biết họ có thể can thiệp và yểm trợ chúng ta ở chặng nào, bằng cách nào. Tuy vậy, ông Thắng nhìn nhận, trên tất cả, quan trọng nhất vẫn là những nỗ lực về mặt pháp lý. 

Related posts