Đề xuất cán bộ bị kỷ luật ‘tự nguyện tinh giản biên chế’: nực cười và phi thực tế!

Bộ Nội vụ vừa đề xuất cán bộ, công chức bị kỷ luật ‘tự nguyện tinh giản biên chế’. Đề xuất vừa nói được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu lên trong tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định số 108, 113 và 143 về chính sách tinh giản biên chế, được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 9/3/2023.

Cụ thể, Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức… trong thời gian bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, thì ‘tự nguyện’ thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan trực tiếp quản lý đồng ý…

Đọc tờ của bài báo tôi thấy nó hơi nực cười, tôi thấy chữ tự nguyện rất không phù hợp tình hình hiện nay.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, trước khi về hưu là cán bộ Tổng cục 2 – Bộ Quốc phòng, hôm 10/3 cho RFA biết ý kiến về đề xuất này:

“Đọc tờ của bài báo tôi thấy nó hơi nực cười, tôi thấy chữ tự nguyện rất không phù hợp tình hình hiện nay, bởi vì hai lý do. Ở đây ta đang bàn về đội ngũ cán bộ công chức, thứ nhất bản thân họ không phải là những người thượng tôn pháp luật, không thực hiện pháp luật, không tin vào pháp luật một cách triệt để.”

Ông Trí dẫn chứng một ví dụ tại cơ quan cũ của bà Bộ trưởng Bộ nội vụ đương nhiệm là bà Phạm Thị Thanh Trà, ở Yên Bái… khi bà Trà đang là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh đã xảy ra sự việc một cán bộ đảng viên không tin vào pháp luật, đã dùng súng bắn chết Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, rồi tự sát. Ngoài ví dụ về việc cán bộ không thượng tôn pháp luật, Cựu Trung tá Vũ Minh Trí còn cho rằng vấn đề đạo đức cán bộ cũng xuống cấp trầm trọng:

Cán bộ xuống cấp trầm trọng về đạo đức được thể hiện rất rõ. Vừa qua, những thành phần được coi là yêu cầu đạo đức rất cao trong xã hội là thầy giáo và thầy thuốc thì đi tù hàng loạt, chưa nói các cán bộ khác dính đến tiền bạc. Thậm chí hồi năm 2017 có vị còn đề nghị thành lập một Viện đạo đức học trong Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, để giảng dạy về đạo đức học và chuẩn mực đạo đức trong đảng. Có nghĩa là nó đã xuống cấp đến mức đấy. Cho nên trong bất cứ việc gì ở xã hội này, không chỉ tinh giản biên chế, thì kỳ vọng vào sự ‘tự nguyện’ của cán bộ là rất buồn cười.”

Cũng theo tờ trình gửi Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ đào tạo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ… Bộ nội vụ đề nghị chỉ áp dụng quy định này đối với công chức, viên chức; Nhưng lại không đặt vấn đề tinh giản biên chế đối với cán bộ chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.(!?)

Liên quan vấn đề này, Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho rằng bất hợp lý, không công bằng:

“Cán bộ công chức viên chức thì thực ra cũng là những người lao động, nếu xử lý theo luật lao động có lẽ là đủ, không cần phải ra thêm một nghị định hay một chính sách gì khác. Tinh giản biên chế sẽ rất đơn giản giống như các doanh nghiệp. Xem kỹ dự thảo này, có nhiều điểm bất hợp lý ví dụ như có một điểm trong dự thảo của họ với những trường hợp chưa đạt trình độ đào tạo tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ đối với vị trí đang làm gì thì chị áp dụng tinh giản biên chế đối với công chức viên chức mà không áp dụng đối với cán bộ có nghĩa có sự phân biệt đối xử rất bất hợp lý tại sao công chức viên chức không đủ tiêu chuẩn thì tinh giản còn cán bộ không đủ tiêu chuẩn thì vẫn được giữ lại trong khi đấy cán bộ thường là những người lãnh đạo giữ vị trí chủ chốt thì càng đòi hỏi nghiêm ngặt về mặt tiêu chuẩn hơn điều này sẽ tạo ra tình trạng trường hợp đặc biệt mà hoặc đặc quyền đặc lợi tốt hay là không hợp lý thế nên tôi thấy rằng nói chung đặt cả về mặt tư duy lẫn nội dung cụ thể mặc dù tôi chưa có toàn văn dự thảo nghị định thì ta vẫn thấy nghị định này có nhiều vấn đề không hợp lý.”

dd59c66b-50f1-4936-91e5-29cb93d017e2.jpeg
Ảnh minh họa: Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII hôm 22/10/2018. AFP.

Đây không phải lần đầu tiên giới cầm quyền Việt Nam nêu lên vấn đề này. Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vào cuối tháng 11 năm 2022 thông qua truyền thông Nhà nước kêu gọi cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì nên tự nguyện xin từ chức. Bài viết dẫn chứng một cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy Ninh Bình sau khi bị cảnh cáo vì vi phạm đã chủ động xin từ chức. Hay trường hợp Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng được cho là đã có hành động tương tự.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp báo khi đó cũng cho rằng: “Nếu cán bộ thấy có khuyết điểm, từ chức thì như vậy sẽ nhẹ nhàng hơn và cũng không mất hết các chức vụ.”

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 10/3 khi nhận định với RFA về việc này cho rằng, ai cũng biết là để xin được một chân vào làm trong chính quyền thì phải có đút lót và thân thế. Một khi có chân vào trong cơ quan chính quyền rồi thì không ai muốn ra cả. Họ chỉ bị ra khi vi phạm quá nhiều và bị đuổi. Cho nên theo ông Vũ, chuyện nói rằng ai có khuyết điểm bị kỷ luật phải tự nguyện đi ra khỏi hệ thống thì không có giá trị về mặt thực tế, ngoại trừ việc nói cho vui, vì với những phúc lợi mà chức vụ mang lại và công sức đã bỏ ra để nhận được vị trí đấy thì không ai dễ dàng tự nguyện đi ra cả.

Chuyện tinh giản biên chế là chuyện phải làm một cách nhanh chóng vì nó liên quan đến ngân sách vốn đã cạn kiệt và cả vì nguyên tắc sống còn của chế độ. Một hệ thống quá nhiều người vận hành, ai cũng đói, cũng cố muốn rút ruột, thì hệ thống đó sớm muộn gì cũng sập.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ

Một vấn đề nữa theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ là trong một hệ thống vốn đã mục ruỗng, khi mà hầu như mọi người đều cố tìm cách để vun vén lợi ích cho mình thì họ nhìn quanh đều thấy các đồng nghiệp của mình ai cũng có khuyết điểm ít nhiều, mắc sai phạm nhiều hay ít. Cho nên ông Vũ cho rằng, thật là bất công khi mà mình tự nguyện từ chức còn các đồng nghiệp cũng mắc sai phạm, dù có thể chưa bị cảnh cáo, vẫn còn ngồi đó. Ông Vũ nói tiếp:

“Chuyện tinh giản biên chế là chuyện phải làm một cách nhanh chóng vì nó liên quan đến ngân sách vốn đã cạn kiệt và cả vì nguyên tắc sống còn của chế độ. Một hệ thống quá nhiều người vận hành, ai cũng đói, cũng cố muốn rút ruột, thì hệ thống đó sớm muộn gì cũng sập.

Về nguyên tắc, để tinh giản biên chế thì người ta bỏ bớt người không có khả năng, giữ lại người có khả năng xử lý công việc.

Mà để biết ai có khả năng đảm trách công việc thì chỉ có cấp trên trực tiếp, tức sếp.”

Nhưng trong hệ thống của chính quyền hiện nay, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, người trên đưa người dưới vào để họ nhận tiền bán ghế, thì rất khó có chuyện người trên gợi ý người dưới nên tự nghỉ việc hay đuổi người dưới, nếu họ không mắc những tội nghiêm trọng. Một hệ thống bao che như vậy do đó theo ông Vũ, không có khả năng tự tinh giản biên chế, thậm chí nó chống lại việc tinh giản biên chế vì biên chế càng ít thì cấp trên càng ít thu nhập từ bán chỗ. Ông Vũ nhận định thêm:

“Đó là chưa kể trong cơ quan chính quyền còn tồn tại một cơ quan đảng song hành mà việc loại bỏ biên chế một cá nhân thì ít nhiều phải có sự can thiệp của các cơ quan đảng bộ.

Nói như vậy để thấy rằng trong chế độ hiện tại rất khó để mà tinh giản biên chế.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, tinh giản biên chế chỉ diễn ra một khi Việt Nam có dân chủ và một đảng khác lên lãnh đạo, họ không có dây mơ rễ má gì nhiều với những người trong hệ thống cơ quan chính quyền và lúc này họ mới có thể mạnh tay thay đổi bộ máy cơ quan chính quyền bằng cách đưa những người kém ra và tuyển những người có khả năng vào.

Related posts