Dịch COVID-19: Phong tỏa toàn bộ tỉnh Hải Dương từ 0 giờ 16-2, Hà Nội đóng cửa quán ăn, cà phê, trà đá vỉa hè

Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương vào sáng nay 15-2-2021 (mùng 4 Tết Tân Sửu) đã yêu cầu thực hiện phong tỏa toàn tỉnh này kể từ lúc 0 giờ ngày 16-2 trong thời hạn 15 ngày theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Việt Nam.

Đến chiều tối ngày 15/2, giới chức y tế Việt Nam cho biết đã có thêm 40 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm trong cộng đồng đợt dịch thứ ba trên cả nước lên 677 ca. Trong số này, 38 ca nhiễm ở Hải Dương, 2 ca ở Hà Nội. Con số người nhiễm ở Hải Dương trong đợt dịch thứ 3 từ ngày 27/1 đến chiều ngày mùng 4 Tết là 499 ca. Số người nhiễm ở Hà Nội trong đợt dịch này là 34.

Theo ông Thăng, Bí thư Đảng ủy Hải Dương thì mỗi địa phương sẽ có sự chỉ đạo, thực hiện cách ly phù hợp với tình hình dịch bệnh như:

Tiếp tục thực hiện phong tỏa chặt chẽ TP Chí Linh đến khi kiểm soát, dập được dịch, thực hiện cách ly xã hội cao hơn, tương đương mức độ phong tỏa ở Chí Linh và thực hiện nghiêm Thông báo Kết luận số 89 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với huyện Cẩm Giàng.

Theo kết luận số 89, chỉ cho phép công nhân có hộ khẩu thường trú, công nhân ở tỉnh khác đang tạm trú tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương không về quê ăn tết tới công ty làm việc.

Các công nhân này phải có giấy xác nhận của Ủy ban cấp xã nơi thường trú hay tạm trú và được lấy mẫu xét nghiệm ngay khi đến nơi làm việc, có kết quả âm tính mới được làm việc…

Chỉ thị số 16 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành ngày 31-3-2020 từng gây xôn xao trong dư luận, theo đó thực hiện việc cách ly theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Chỉ thị này cũng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long nhận định,  tình hình dịch bệnh tại Hải Dương có yếu tố nguy cơ cao hơn Đà Nẵng vì tốc độ  lây lan nhanh, hệ số lây nhiễm cao, thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng đào thải nhanh hơn. Tốc độ lây lan gấp 4 lần chủng cũ.

“Chúng tôi cho rằng có nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, tương đối phức tạp và có thể kéo dài hơn, dù chúng ta kiểm soát được tình hình chung nhưng  trong từng đơn vị cụ thể vẫn còn nhiều phức tạp, Hải Dương phải hết sức lưu ý ổ dịch Cẩm Giàng “đây là mối lo ngại của chúng tôi”– ông Long nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Hải Dương áp dụng Chỉ thị 16 nhưng theo hướng giãn cách trên diện rộng – phong toả trên diện hẹp để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân đồng thời lưu ý thêm, cần tuân thủ nghiêm vấn đề cách ly, nhà giãn cách nhà, người giãn cách người thì mới có thể thực hiện được mục tiêu chống dịch.

Cũng trong ngày 15/2, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ra quyết định đóng cửa quán ăn đường phố, cà phê, trà đá vỉa hè từ 0 giờ ngày 16/2, coi đây là biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.

Related posts