Doanh nghiệp có phải gánh trách nhiệm giải quyết việc Nhà nước?

“Các doanh nghiệp lớn phải mang theo sứ mệnh quốc gia, dân tộc, có giấc mơ lớn, phải giàu có và mang sự giàu có đó để giải quyết những bài toán lớn của đất nước.”

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin Nguyễn Mạnh Hùng khi gặp gỡ một số doanh nghiệp nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vào ngày 30/1/2024.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc hôm 2/2 nói với RFA:

“Tất cả mọi người khi khởi nghiệp doanh nghiệp thì mong muốn của họ thứ nhất là làm giầu cho bản thân, sau đó thì họ phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước… đó là mong muốn chung của tất cả mọi doanh nghiệp. Nhưng ở trên phương diện những nhà lãnh đạo quốc gia, thì họ phải có trách nhiệm tạo điều kiện tốt nhất để cho người dân, cũng như các doanh nhân làm ăn một cách thuận lợi, đúng pháp luật… đóng góp tốt nhất cho người dân và xã hội. Chính trị gia hay một nhà lãnh đạo quốc gia thì không được phép đòi hỏi doanh nghiệp phải làm điều này, điều kia cho đất nước.”

Chính trị gia hay một nhà lãnh đạo quốc gia thì không được phép đòi hỏi doanh nghiệp phải làm điều này, điều kia cho đất nước.
Luật sư Nguyễn Văn Đài

Ngoài ra, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, tại Việt Nam có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Tất cả những doanh nghiệp Nhà nước đều được hưởng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ hoặc thông qua những nguồn viện trợ ODA, hay được ưu đãi về chính sách thuế và lĩnh vực kinh doanh… Trong khi đó theo ông Đài, các doanh nghiệp tư nhân phải tự kinh doanh, tự vay vốn, đồng thời gặp không ít khó khăn từ phía các quan chức từ trung ương đến địa phương… Ông Đài giải thích thêm:

“Các quan chức này tìm cách gây khó dễ cho doanh nghiệp, để làm sao các doanh nghiệp dù lớn, dù nhỏ đều phải nộp tiền bảo kê cho quan chức như công an kinh tế, an ninh kinh tế… Hay những doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải hối lộ cho hải quan để tất cả các thủ tục nhập hàng, xuất hàng được thuận lợi.”

Nói chung theo ông Đài, tính từ đầu năm 1990 đến nay, khi các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam bắt đầu đóng góp cho nền kinh tế, thì hầu như họ không nhận được được sự giúp đỡ từ chính quyền, mà chính quyền gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp là chủ yếu.

Chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn hôm 2/2/2024 cho RFA biết thực tế khó khăn:

“Khẩu hiệu nói nghe cho vui tai, chứ nhà nước có 70 tập đoàn, năm sáu chục cú đấm thép… làm ăn thì cứ lỗ lên lỗ xuống, lấy ngân sách là thuế của dân… Còn thật sự Nhà nước chẳng có hỗ trợ cái gì cho doanh nghiệp tư nhân, không hề có… thuế thì có thể tạm chấp nhận được, nhưng đặc biệt điện và năng lượng tăng giá liên tục thì lấy gì doanh nghiệp phát triển được. Doanh nghiệp chỉ có làm ăn bậy bạ mới khá nổi. Làm đúng thì doanh nghiệp ở Việt Nam trong vòng 4-5 năm nay chẳng làm được cái gì thì lấy đâu ra tiền bạc đóng góp, tạo ưu thế cho đất nước… Doanh nghiệp bây giờ lo cho cuộc sống công nhân mình còn không xong, thì làm sao nghĩ đến chuyện lo cho ai?”

000_34939Q3.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP.

Theo số liệu từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư, được Thời báo Tài chính Việt Nam đăng tải hôm 29/1/2024, trong tháng 1 năm 2024, có 43,9 ngàn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, có 7.798 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14%; và có 2.165 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,2% . Tổng cộng trong tháng 1/2024 có 53,9 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy khi trả lời RFA hôm 2/2/2024 cho rằng, với một doanh nghiệp tư nhân bình thường, mục tiêu của nó là lợi nhuận. Theo ông Vũ, một doanh nghiệp có lợi nhuận ngày càng tăng tự bản thân nó là một đóng góp lớn cho đất nước. Lợi nhuận ngày càng tăng đi kèm với nó là nguồn thuế đóng góp vào ngân sách Nhà nước ngày càng tăng. Doanh nghiệp ngày càng giàu có nó không chỉ làm giàu cho các cá nhân chủ doanh nghiệp mà còn làm giàu cho đất nước.

Cũng theo Tiến sĩ Vũ, khi một vài chủ doanh nghiệp giàu có thực hiện một số hoạt động đóng góp vô vị lợi cho xã hội điều đó nên được ghi nhận như là một hành động thiện nguyện và đáng khích lệ. Tuy nhiên ông Vũ cho rằng:

“Việc giải quyết những bài toán lớn của đất nước phải là trách nhiệm của những người cầm quyền của quốc gia. Họ là những người có quyền lực và có nguồn lực. Nguồn lực của quốc gia mới đủ lớn để giải quyết các bài toán của quốc gia. Để tạo thêm nguồn lực của quốc gia và để giải quyết những bài toán lớn của quốc gia nó đòi hỏi người cầm quyền không những có giấc mơ lớn mà nó đòi hỏi người cầm quyền có năng lực. Năng lực ở đây phải là tạo ra môi trường và cơ chế để hỗ trợ các doanh nghiệp thăng hoa và người dân thăng tiến trong cuộc sống.”

Việc giải quyết những bài toán lớn của đất nước phải là trách nhiệm của những người cầm quyền của quốc gia.
Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ

Thực tế theo ông Vũ cho thấy điều ngược lại. Người dân bị áp bức, đất đai bị tước đoạt, tiếng nói bị bóp nghẹt, giáo dục bị nhồi sọ, thông tin bị kiểm duyệt, doanh nghiệp thì bị nhũng nhiễu, thuế cao, giấy tờ phức tạp, luật pháp nhập nhằng, tham nhũng tràn lan. Ông Vũ nói tiếp:

“Những điều đó chỉ là một vài trong vô số điều đang kềm hãm sự thăng hoa và phát triển của dân tộc mà những người đang cầm quyền dẫn dắt đất nước đã cố tình áp đặt, nhằm giữ lấy chiếc ghế quyền lực cho chính mình, để đánh đổi lại là một xã hội bị kềm nén, ngột ngạt, mất niềm tin, và một quốc gia phát triển không có định hướng và chiến lược.”

Theo ông Vũ, nói như vậy để thấy rằng những người cầm quyền đang lái con thuyền dân tộc mới là những người nên trang bị cho mình một giấc mơ lớn và là người phải giải quyết bài toán để đưa dân tộc đến một tầm cao vinh quang và thịnh vượng hơn, họ chứ không phải các doanh nghiệp.

Dưới một góc nhìn khác, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 2/2 nói với RFA:

“Thứ nhất doanh nghiệp trước tiên là phải làm đúng theo pháp luật, không trốn thuế. Thứ hai doanh nghiệp lớn nhỏ gì thì họ phải làm giàu cho bản thân họ, chứ không phải làm giàu cho ai khác. Đối với Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong môi trường có thể nói là vô định hình, khó xác định. Doanh nghiệp ở Việt Nam càng lớn thì sản phẩm của họ càng mập mờ, sự giàu có của họ mang tính tạm bợ. Bởi vì doanh nghiệp ở Việt Nam càng lớn thì hầu hết phụ thuộc nhà nước hai vấn đề quan trọng nhất, đó là đất đai và vốn liếng. Đất đai thì họ được hưởng quá nhiều lợi thế, vốn liếng thì dựa vào ngân hàng và phát hành trái phiếu.”

Chính vì vậy, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, doanh nghiệp ở Việt Nam hầu hết giàu có từ bất động sản. Tuy nhiên ông Già cho rằng bất động sản ở Việt Nam đang sụp đổ theo hiệu ứng domino. Ông Già nói tiếp:

“Chính quyền Việt Nam đã xác định Việt Nam có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là nền kinh tế không có thật và dựa vào đó nên doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hoạt động trong môi trường vô định hình, có đất đai và huy động được vốn thì tung vào bất động sản. Khi bất động sản chết thì kéo theo hàng loạt tất cả các ngành nghề khác chết theo. Trong khi đó, chính quyền Việt Nam đang yêu cầu Hoa Kỳ công nhận có nền kinh tế thị trường. Điều này gây ra nghịch lý, Việt Nam phải xác định lại có kinh tế thị trường hay không? Và khi đã có kinh tế thị trường thì phải hoạt động đúng theo nó. Lúc đó mới nói đến chuyện doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật.”

Vì vậy ông Già cho rằng, doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay đều bị chính trị hóa và ông không ngạc nhiên khi ông Nguyễn Mạnh Hùng lồng ghép chuyện ‘doanh nghiệp lớn phải giải bài toán cho đất nước’. Theo ông Già, đó là một điều phi lý và không có logic. Bởi vì theo ông Già, bất cứ doanh nghiệp nào đều phải giải bài toán cho họ, còn giải bài toán cho đất nước là nhiệm vụ trách nhiệm của bất cứ nhà nước nào trên thế giới, chứ không phải là chuyện của doanh nghiệp.

Related posts