Dự án thủy điện Đắk R’lấp 1,2 và 3: còn hy vọng cho Vườn Quốc gia Cát Tiên

Tiếp theo phần trước, RFA điểm lại quá trình 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1,2 và 3 có thể lọt vào Quy hoạch Điện VIII, dù nó dự kiến được xây dựng ở khu vực của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6A và 6B đã bỏ bác bỏ năm 2013. 

Ai đồng ý với 3 dự án này? 

Ngày 10/9/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo trong văn bản số 7513/VPCP-CN, đề nghị bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện Đắk R’lấp 1,2 và 3 để có cơ sở đưa các dự án này vào Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030 (Quy hoạch Điện 8.) 

Ngày 25/9/2020, Bộ Công thương gửi công văn số 7191/BCT-ĐL đề nghị các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước và (Công ty CPĐT&PTNLS Tây Nguyên) cập nhật diện tích chiếm đất của các dự án nêu trên.  

Trong Quy hoạch Điện 8 được ban hành chính thức hôm 15/5/2023, cả 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1,2 và 3 đã được đưa vào, nhưng nằm ở phần Phụ lục III, “danh mục các dự án thủy điện tiềm năng”, là các dự án “sẽ được xem xét trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch và sau này.” Đối với các dự án thủy điện Đăk R’lấp 1, Đăk R’lấp 2 và Đăk R’lấp 3, bản Quy hoạch Điện VIII cũng thận trọng ghi thêm ở Phần Ghi chú, rằng “các phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về tác động môi trường, đất đai, ảnh hưởng đến rừng của dự án.”

Để đi đến được kết quả nói trên, khi cả 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2 và 3 lần lượt được đưa vào Quy hoạch Điện VIII và sau đó là bản thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII (đang chờ thẩm định), cả 3 dự án này đã vượt qua nhiều bước thẩm định tại các địa phương liên quan. 

Trong “Biên bản Làm việc” của cuộc họp giữa các sở, ban ngành của tỉnh Lâm Đồng ngày 23/10/2020, để cho ý kiến về 3 dự án thủy điện Đắk R’lấp 1, 2 và 3, tất cả các sở ban, ban ngành của tỉnh này tham gia cuộc họp đều “đề xuất” UBND tỉnh Lâm Đồng và Bộ Công thương đưa các dự án này vào Quy hoạch Điện VIII. Các cơ quan của tỉnh Lâm Đồng đồng ý đề xuất đưa 3 dự án thủy điện này vào Quy hoạch Điện 8 hồi năm 2020 bao gồm: Sở Công thương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND huyện Cát Tiên, UBND huyện Bảo Lâm. 

Cuộc họp nói trên có 10 bên tham gia. Ngoài 8 cơ quan của tỉnh Lâm Đồng nêu trên, còn có đại diện Vườn Quốc gia Cát Tiên (thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Việt Nam) và Công ty CPĐT&PTNLS Tây Nguyên, là bên đề xuất 3 dự án này. Như đã nói ở phần trước, tại cuộc họp đó, Vườn Quốc gia Cát Tiên đã không đồng ý với 3 dự án thủy điện này. 

Ngày 13/6/2023, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng gửi văn bản số 1394/SCT-QLCN đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng, trong đó có nội dung đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh này đáp ứng yêu cầu của Công ty CPĐT&PTNLS Tây Nguyên, “tích hợp các dự án thủy điện Đắk R’lấp 1,2, và 3 trên sông Đồng Nai vào Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kì 2021-2030.” 

Đắk R’lấp 1, 2 và 3 nằm ở đâu?

Theo luật pháp Việt Nam hiện hành, có thể chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên để xây dựng dự án thủy điện nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhưng điều kiện đi kèm rất rõ ràng: “dự án không nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.” (Nghị định số 83/2020/NĐ-CP, điểm b, khoản 3, Điều 41a.) 

Điều đáng lưu ý là trang 5 của “Biên bản Làm việc” của tỉnh Lâm Đồng ngày 23/10/2020 đã ghi “Hiện tại chưa xác định được các dự án có ảnh hưởng đến phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Cát Tiên”. 

Nhưng biên bản này không ghi rõ đây là ý kiến của đại diện cơ quan nào hay đó là ý kiến được cả cuộc họp thống nhất thông qua.

Tuy nhiên, trang 7 của Biên bản này cũng đã ghi rõ lời khẳng định của đại diện Vườn Quốc gia Cát Tiên tại cuộc họp, rằng khu vực dự kiến xây dựng 3 thủy điện Đắk R’lấp 1, 2 và 3 “nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn của vườn quốc gia.”

Như vậy, vị trí địa lý của 3 thủy điện Đắk R’lấp 1, 2 và 3 (có nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Cát Tiên hay không) rõ ràng có tính quyết định về mặt pháp lý đến tính hợp pháp của việc xây dựng các dự án đó. RFA đã gọi điện thoại vào số máy của Vườn Quốc gia Cát Tiên để xin xác nhận về vị trí dự kiến của 3 dự án thủy điện này, nhưng chưa kết nối được với người có trách nhiệm.  

Chuyên gia: vẫn còn hi vọng cho rừng Cát Tiên 

Trao đổi với RFA, một chuyên gia về thủy lợi không muốn nêu tên khẳng định ông vẫn còn hi vọng 3 dự án này sẽ bị hủy bỏ, mặc dù cả 3 dự án đã được đưa vào Quy hoạch Điện 8 và sau đó là bản thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện 8, sẽ được Chính phủ xem xét hôm 29/11/2023. 

Theo vị chuyên gia nói trên, nếu 3 dự án này được Chính phủ duyệt chung với Bản kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII thì cơ hội cứu rừng Cát Tiên vẫn chưa phải là đã hết. Bởi lẽ, chủ đầu tư trước hết phải xin được chủ trương đầu tư của UBND Tỉnh Lâm Đồng, rồi lập thiết kế và thực hiện bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Các bước này vẫn cần được các nhà khoa học đánh giá, phản biện. Thực tế là 3 dự án thủy điện này nằm cách vị trí 2 thủy điện Đồng Nai 6A và 6B trước đây không xa. Cả hai dự án thủy điện Đồng Nai 6A và 6B trước đây đều đã có chủ trương đầu tư của địa phương, đã có thiết kế và thực hiện bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng vẫn bị hủy bỏ vì các nhà khoa học khi đó đã phản biện một cách đúng đắn về nguy cơ phá hủy rừng Nam Cát Tiên của nó.  

Vị chuyên gia ẩn danh muốn lưu ý các nhà khoa học Việt Nam rằng cả 3 dự án thủy điện mới này nằm gần với vị trí 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6A và 6B trước đây, cho nên có một nguy cơ là chủ đầu tư sử dụng lại bản thiết kế và bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án cũ, chỉ điều chỉnh cho phù hợp với 2 dự án mới. Nếu điều đó xảy ra, nguy cơ tàn phá rừng của 3 dự án mới không khác gì các dự án đã bị bác bỏ trước đây.  

Ba thủy điện sẽ tác động thế nào đến môi trường nếu được xây dựng?

Thạc sỹ Nguyễn Hỳnh Thuật, cựu chuyên gia của Vườn Quốc gia Cát Tiên và là nhà sáng lập Rừng Gọi, đã khẳng định nhiều tác động nguy hại của ba dự án thuỷ điện Đắk R’lấp 1,2 và 3 nếu được xây dựng. Theo ông, cả ba dự án đều nằm trong cùng một không gian sinh thái và văn hoá với 2 dự án thuỷ điện Đồng Nai 6A và 6B trước đây. Cả 2 dự án thuỷ điện Đồng Nai 6A và 6B đã bị bác bỏ năm 2013 vì lý do 2 dự án này tác động nguy hại đến Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, đến kinh tế, xã hội, môi sinh ở hạ lưu sông Đồng Nai. Những tác động nguy hại của 3 dự án này với hệ sinh thái rừng quốc gia Cát Tiên, với kinh tế xã hội môi truờng ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai cũng tuơng tự như tác động của 2 dự án đã bị bác bỏ truớc kia. Thậm chí, 3 dự án mới có thể có tác động xấu lớn hơn, vì nhiều hơn. Chủ đầu tư dự kiến đề xuất những 3 thuỷ điện thay vì chỉ hai cái như cách đây hơn 10 năm. 

Thạc sỹ Nguyễn Hỳnh Thuật giải thích ba tác động xấu của các dự án thuỷ điện Đắk R’lấp 1,2 và 3 nếu được xây dựng:

Thứ nhất, phức hợp Rừng – Di sản – Sinh quyển Vườn Quốc gia Cát Tiên không chỉ là báu vật của đất nước mà là di sản thế giới và lá phổi xanh của nhân loại. Không nên vì lợi ích ngắn hạn mà làm gì ảnh hưởng đến rừng, dù mức độ ảnh hưởng đến đâu đi nữa. 

Thứ hai, ba dự án thuỷ điện này không chỉ ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái rừng vùng thượng nguồn mà còn ảnh hưởng lớn đến hạ lưu. Sông Đồng Nai đã gánh nhiều thuỷ điện rồi, nay nếu thêm 3 con đập nữa thì nguy cơ với dòng sông huyết mạch của Đông Nam Bộ sẽ vô cùng lớn, không thể bù đắp lợi ích về điện mà nó tạo ra. Nguy cơ lớn nhất chính là làm dòng sông cạn nước, không còn đủ lực nước để đẩy mặn xâm nhập ở hạ lưu, khiến công cuộc chống biến đổi khí hậu của Nhà nước ở các đô thị lớn ở hạ lưu trở nên vô cùng khó khăn.Thứ ba, cả 3 dự án thuỷ điện mới này sẽ cùng với các thuỷ điện khác, tạo thành một chuỗi các bậc thang thuỷ điện chia cắt sông Đồng Nai. Nếu các con đập này được xây dựng, sông Đồng Nai có thể bị chia cắt thành một chuỗi hồ chứa. Chuỗi hồ chứa này sẽ gây hiệu ứng domino ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân vùng hạ lưu trong mùa mưa lũ cũng như mùa khô hạn.

Thạc sỹ Nguyễn Huỳnh Thuật nhận xét rằng các thuỷ điện mới này, giống như ông đã từng chỉ ra với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6A và 6B, nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Nếu phá rừng trong khu vực này, dù diện tích phá là bao nhiêu đi nữa, cũng ảnh huởng xấu đến môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã ở đây. Ông cho biết trong lá thư gửi Chủ Tịch nước hơn 10 năm trước kêu gọi dừng hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6A và 6B, ông đã có trình bày các tác động xấu đến môi truờng như vậy. Các tác động này cũng sẽ tương tự, nếu 3 dự án thuỷ điện mới bây giờ được phép xây dựng trong cùng khu vực. 

Related posts