Dùng tiền bảo lãnh tại ngoại trong trường hợp bà Phương Hằng

Ông  Nguyễn Quang Tuấn, con trai bà Nguyễn Phương Hằng – CEO Công ty Đại Nam, vừa gửi đơn đến Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) để xin nộp 10 tỷ đồng bảo lãnh cho mẹ được tại ngoại. Trong đơn gởi cơ quan chức năng được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 24/10, ông Tuấn giải thích mẹ ông phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, chưa có tiền án, trước khi bị bắt có nhiều giấy khen về hoạt động từ thiện, sau khi bị bắt đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… Ông Tuấn cho rằng hành vi của bà Hằng không thuộc các trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.

Pháp luật Việt Nam quy định vấn đề này như thế nào? Từ Hà Nội hôm 26/10, Luật sư Hà Huy Sơn giải thích:

“Vấn đề bảo lãnh được quy định trong Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 của Việt Nam, là phải có tối thiểu hai người thân trong gia đình có nhân thân tốt đứng ra bảo lãnh cho bị can đang bị bắt. Chứ không có quy định vấn đề bảo lãnh bằng tiền, còn đối với trường hợp bà Phương Hằng, pháp luật quy định thuộc thẩm quyền cơ quan tố tụng, còn nếu trong giai đoạn điều tra thì cơ quan thụ lý có quyền quyết định cho tại ngoại hoặc bác. Pháp luật cũng không cấm và nếu không cho tại ngoại thì cũng không bắt buộc.”

Trong một xã hội nơi có sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn như hiện nay, việc đòi hỏi một khoản tiền bảo lãnh lớn nó sẽ dẫn đến trường hợp người giàu có điều kiện để tại ngoại hơn những người nghèo, và như vậy nó đi ngược lại chủ trương hình thành một xã hội công bằng và bình đẳng như khẩu hiệu của đảng Cộng sản.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy khi nhận định vấn đề này với RFA qua tin nhắn cho biết, chuyện xin tại ngoại ở nước ngoài khá phổ biến, còn ở Việt Nam có lẽ vẫn còn khá mới. Nhưng rồi theo thời gian theo ông Vũ, cùng với sự hội nhập với thế giới, chuyện xin tại ngoại ở Việt Nam cũng sẽ trở nên là chuyện bình thường.

Tuy vậy ông Vũ cho rằng có vài vấn đề cần phải lưu tâm. Vấn đề thứ nhất đó là luật phải được thực thi một cách công bằng đó là những ai thoả mãn điều kiện nên được chấp nhận cho tại ngoại. Ông Vũ cho biết tiếp:

“Vấn đề thứ hai đó là đảm bảo những cá nhân không có khả năng tác động xấu đến xã hội mới được tại ngoại. Vấn đề thứ ba đó là giám sát việc tại ngoại. Và vấn đề cuối cùng đó là trong một xã hội nơi có sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn như hiện nay, việc đòi hỏi một khoản tiền bảo lãnh lớn nó sẽ dẫn đến trường hợp người giàu có điều kiện để tại ngoại hơn những người nghèo, và như vậy nó đi ngược lại chủ trương hình thành một xã hội công bằng và bình đẳng như khẩu hiệu của đảng Cộng sản.

Bởi vì hệ thống của Việt Nam hiện thời đang đối diện với những vấn đề chính này, chính phủ có lẽ cần thêm một khoản thời gian nữa để điều chỉnh và chuẩn bị trước khi cho phép điều luật này được thực thi rộng rãi hơn.”

YouTuber Nguyễn Phương Hằng, 51 tuổi, ngụ tại TPHCM, từng là Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Đại Nam ở Bình Dương. Bà bị khởi tố, bắt tạm giam từ ngày 24/3/2022. Bà Nguyễn Phương Hằng bị một số cá nhân làm đơn tố giác gửi cơ quan chức năng về hành vi ‘làm nhục người khác’, ‘vu khống’, và ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’. Những người tố cáo bà Hằng gồm có các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, các nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Hàn Ni…

Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài khi nhận định từ Đức quốc hôm 26/10 cho biết, BLTTHS của Việt Nam có quy định sẽ cho tại ngoại đối với những tội phạm ít nghiêm trọng, tức mức hình phạt từ 3 năm trở xuống, điều kiện thứ hai là những người phạm tội khi được tại ngoại không có ý định bỏ trốn, thứ ba là những người phụ nữ đang nuôi con nhỏ hay đang có thai… Ông Đài nói tiếp:

“Trong thực tế Việt Nam cũng đã áp dụng trong một số trường hợp được tại ngoài như trường hợp của ông Lê Tùng Vân vì lý do tuổi cao sức yếu cũng đã được tại ngoại, ngoài ra còn một số trường hợp khác. Bà Hằng đang bị cáo buộc theo tội danh thuộc điều 331, tức là tội danh có án cao nhất là 7 năm tù giam. Như vậy không thuộc tội phạm ít nghiêm trọng, mà là nghiêm trọng, nên không thuộc trường hợp được bảo lãnh tại ngoại cho dù con trai bà hằng có bỏ ra 10 tỷ hay 100 tỷ thì cũng không thuộc diện được bảo lãnh tại ngoại.”

Ông Lê Tùng Vân mà Luật sư Đài nhắc đến là người đứng đầu cơ sở tu tại gia Tịnh thất Bồng Lai (sau đổi tên là Thiền am bên bờ vũ trụ), ông bị cáo buộc tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân theo Điều 331. Nhưng vì bản thân sức khỏe kém do đã già (92 tuổi), ông được cho tại ngoại.

Theo Luật sư Đài, điều 331 mặc dù không nằm trong an ninh quốc gia nhưng trong hệ thống pháp luật cộng sản, họ thường dùng điều 331 để xét xử những người bất đồng chính kiến hay những người đối lập và họ coi đó là tội danh chính trị. Cho nên những trường hợp họ đã điều tra theo tội danh đó thì ông Đài cho rằng hầu như không có khả năng được bảo lãnh. Tuy nhiên ông Đài cho biết ngoại lệ:

“Trong trường hợp bà Hằng chứng minh được trong tình trạng sức khỏe rất yếu, cần phải có nhu cầu chữa bệnh, mà cơ sở y tế của trại giam không đủ khả năng đáp ứng thì bà Hằng có thể được tại ngoại. Chứ nếu chỉ vì lý do ăn năn hối cải, khai báo thành khẩn, kết hợp với lý do tiền, mà mức độ bệnh chưa trầm trọng thì bà Hằng sẽ không bao giờ được tại ngoại.”

7bc8bccb-df6d-4418-94fc-894b76d39c41.jpeg
Bà Nguyễn Phương Hằng trong một livestream trước đây. Hình chụp từ livestream trên YouTube của bà Nguyễn Phương Hằng.

Bà Nguyễn Phương Hằng, một YouTuber từng được nhiều người biết đến qua những cuộc livestreaming chỉ trích các nhân vật nổi tiếng, bị VKSND TPHCM đề nghị điều tra bổ sung và Công an tỉnh Bình Dương đề nghị VKSND truy tố. Tội danh đối với bà Nguyễn Phương Hằng từ hai địa phương TPHCM và Bình Dương đều là ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’ theo Điều 331 của Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Để tìm hiểu thêm, RFA hôm 25/10 liên lạc Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada, và được ông cho biết:

“Tôi nghĩ ở Việt Nam không phải là không có luật, thậm chí có thể nói là có cả một rừng luật nhưng Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp của Việt Nam thích chơi luật rừng hơn, miễn sao bảo vệ được chế độ chính trị. Họ bất chấp tất cả, dù có chà đạp lên hệ thống pháp luật.”

Việc bảo lãnh tại ngoại hầu tra theo Luật sư Khanh là một trong những quyền cơ bản của công dân nói riêng và quyền con người nói chung. Quyền này được hầu hết các quốc gia tự do, dân chủ tôn trọng và hiện thực hoá trong sinh hoạt bình thường của xã hội. Trong quá trình hội nhập của Việt Nam, Chính phủ đã ban hành một số đạo luật, bộ luật để vận hành nhà nước, xã hội và người dân, theo chuẩn mực quốc tế. Và trong bối cảnh đó, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là một minh chứng.

Vấn đề không phải là việc có luật hay không mà là sự thực hiện những điều luật đó như thế nào để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, đem lại công lý cho người dân.
-Luật sư Vũ Đức Khanh

Nhưng vấn đề chính theo Luật sư Vũ Đức Khanh là các thẩm phán Việt Nam không có tính độc lập với nhà cầm quyền vì họ đều là đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), cho nên khả năng bảo vệ lẽ phải, pháp lý còn rất hạn chế. Các thẩm phán sẽ không đứng về công lý mà phán xét, nhưng thường hội ý, hiệp thương với chi bộ đảng địa phương để trao đổi và nhận sự chỉ đạo của tổ chức Đảng. Thẩm phán Việt Nam không độc lập với hệ thống chính trị. Ông Khanh cho biết tiếp:

“Điều 121 BLTTHS 2015 quy định rõ ràng ai được quyền bảo lãnh và những điều kiện cần và đủ nào để thực hiện quyền đó.

Theo quy định của điều 121 BLTTHS, bảo lãnh tại ngoại là “biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh”.

Và cũng theo Bộ luật này, điều 122 quy định về việc dùng tiền để làm thế chấp, xin tại ngoại hầu tra.”

Vẫn theo Luật sư Khanh, vấn đề không phải là việc có luật hay không mà là sự thực hiện những điều luật đó như thế nào để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, đem lại công lý cho người dân. Người dân muốn có công lý chứ không muốn đồng tiền khuynh đảo công lý và mong rằng đây không phải là một phép thử, để các đại gia dùng tiền thoát tội, thoát vòng lao lý.

Luật sư Vũ Đức Khanh đưa ra các gợi ý mà các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam có thể xem xét đơn xin tại ngoại hầu tra của bà Nguyễn Phương Hằng:

“Một là Bà Nguyễn Phương Hằng phải đóng tiền bảo lãnh tại ngoại hầu tra từ vài ba chục tỷ mới thỏa đáng. Cụ thể, tôi đề nghị số tiền đóng theo quy định của điều 122 BLTTHS, tối thiểu phải là $20 tỷ và tối đa $50 tỷ.

Hai là Bà Nguyễn Phương Hằng sẽ cũng bị buộc phải đeo vòng theo dõi GPS trên người trong suốt thời gian tại ngoại hầu tra và phải trả tiền cho một đội bảo vệ (tối thiểu 3 người làm việc 24/24) cho bà.

Ba là Bà chỉ được phép đi ra khỏi nơi cư trú với người bảo vệ từ 8 giờ sáng đến 8 tối, nếu có hẹn trước và được cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép, theo quy định tại điều 123 BLTTHS.”

Ngoài ra ông Khanh cho rằng, các cơ quan chức năng vẫn có thể kết hợp thêm điều 121 BLTTHS về điều kiện bảo lãnh để tránh việc dư luận có thể cho rằng đồng tiền đã chi phối công lý. Việc đưa ra những điều kiện gắt gao sẽ giúp củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp Việt Nam.

Nếu điều này có thể được thực hiện thì theo ông Khanh, nền tư pháp Việt Nam thực sự có thể bắt đầu có những dấu hiệu hài hòa với các chuẩn mực quốc tế trong thực tế hơn là trên những văn bản luật.

Related posts