Giảng viên cần thêm bằng thực hành nghề: cớ để bòn rút, tận thu?

Có đến 306 giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ ở trường đại học Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ chưa đạt tiêu chuẩn về trình độ khả năng nghề, và cần phải được đào tạo để đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn thông tin từ Vụ Pháp chế – Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và đưa tin ngày 26/4.

Theo đó, 306/312 giảng viên trường đại học Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ được nói thiếu chứng chỉ khả năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ khả năng nghề thực hành. Trong đó bao gồm 10 tiến sĩ, 266 thạc sĩ và 30 cử nhân tham gia đào tạo 19 ngành đại học, 15 ngành trung cấp của trường.

Trước sự việc trên, Vụ Pháp chế đã yêu cầu trường đại học Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ phải xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo 306 giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn về trình độ khả năng nghề nghiệp để bảo đảm đạt tiêu chuẩn về chuyên môn.

Đáng chú ý, trong Thông tư 08/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không hề có điều khoản nào bắt buộc tất cả giáo viên giáo dục nghề nghiệp phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành. Có chăng chỉ những nhà giáo dạy thực hành mới cần có chứng chỉ kỹ năng nghề, nhà giáo dạy lý thuyết chỉ cần chuyên môn và nghiệp vụ dạy nghề.

Tôi thấy đây là ảo vọng của các nhà quản lý Việt Nam, họ cứ nghĩ rằng thêm một chứng chỉ, thêm bằng cấp, thêm loại hình thức thì sẽ có thay đổi về chất lượng giáo dục. Cái này không phải lần đầu tiên mà là n lần họ lại sai trái đường hướng. – GS. Nguyễn Đăng Hưng

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, từng trong chương trình đào tạo Thạc sĩ hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam vào tối 27/4 nhận định với RFA về vụ việc vừa nêu như sau:

“Điều này đối với tôi là mới mẻ vì đòi hỏi khả năng thực tập của những người đã có những bằng cấp cao học, những bằng cấp chứng chỉ, cái này là một cách xử sự mới mà theo tôi là không tích cực, đây là hình thức của nhóm lợi ích họ chế ra để ngăn cản những người trẻ tham gia giảng dạy với những chính sách mới cởi mở hơn.

Tôi thấy đây là ảo vọng của các nhà quản lý Việt Nam, họ cứ nghĩ rằng thêm một chứng chỉ, thêm bằng cấp, thêm loại hình thức thì sẽ có thay đổi về chất lượng giáo dục. Cái này không phải lần đầu tiên mà là n lần họ lại sai trái đường hướng.”

Trả lời báo giới chính thống, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng Cục trưởng cơ quan Giáo dục nghề nghiệp cho biết, việc đào tạo trung cấp, cao đẳng gồm 30% kiến thức lý thuyết, 70% thực hành, và hầu hết giảng viên dạy thực hành hoặc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.

Do đó theo bà Hương, một tiến sĩ ít nhất phải có trình độ khả năng nghề tương đương với sinh viên tốt nghiệp bậc mình giảng dạy.

Từ kinh nghiệm thực tế, một Thạc sĩ kinh tế không muốn nêu tên, hiện đang là Giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm cá nhân không đồng ý với cách giải thích của vị lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp:

“Thực ra theo tôi cũng tùy từng ngành nghề, thường Việt Nam mình gần đây tiến tới mặc định trung cấp, cao đẳng là chuyên về dạy nghề chứ không phải lý thuyết nên mới nói trên một cách chủ quan chung chung là mọi người có bằng nghề.

Bằng Tiến sĩ của Việt Nam. Courtesy: Tiin.vn

Còn bây giờ ví dụ khối kinh tế của tôi hay khối cơ sở lý luận bây giờ yêu cầu bằng nghề là nghề gì không biết mà áp hết cho tất cả mọi người thì tôi thấy không hợp lý.

Từ xưa đến giờ Việt Nam không có yêu cầu bằng kỹ năng nghề mà người ta vẫn đi dạy, vẫn đi làm ầm ầm, bây giờ đòi hỏi có thì phải tuân theo một chuẩn nào chứ, cũng còn chưa xây dựng được những bộ chuẩn đó thì đâu đánh giá được người ta. Phải trải qua một quá trình, phải thiết lập từ từ.”

Còn theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, rõ ràng việc kết hợp, phải biết lý thuyết và phải đi đôi với thực hành mới là giảng viên tốt. Tuy nhiên ông cho rằng việc này nằm trong phạm trù lo liệu của trường sư phạm, không cần thêm trường học riêng.

Ông đưa ra ví dụ điển hình như những giảng viên học ngành y. Rõ ràng những nơi để họ thực hành kỹ năng nghề là bệnh viện, phòng mạch với những trang thiết bị cần thiết. Vậy việc thành lập những cơ sở đào tạo có cần thiết hay chỉ gây thêm tốn kém, lãng phí?

Bên cạnh đó, việc yêu cầu chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành theo Giáo sư Hưng không những không đem lại tác dụng tích cực mà còn gây thêm khó khăn cho giảng viên.

“Tôi thấy đây là một đề nghị, một quyết định không được thảo luận kỹ, không được xét kỹ và là sự lập lạp trong đề đạc.

Đây là hình thức tạo tờ giấy con để tìm cách bòn rút tiền của các giáo chức với điều kiện tiền lương ít ỏi hiện nay.”

Đồng quan điểm vừa nêu, vị Giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh không muốn nêu tên cũng chia sẻ những khó khăn của nghề giáo hiện nay:

“Muốn nghiệp vụ chuyên môn tôi nghĩ bây giờ lương bổng giáo viên ba cọc ba đồng, học những lớp đó vừa tốn tiền vừa tốn thời gian mà nhà trường cũng như sở, bộ không hỗ trợ kinh phí gì thì nhiều khi lương người ta chả đủ để đóng khóa học đó.”

Muốn nghiệp vụ chuyên môn tôi nghĩ bây giờ lương bổng giáo viên ba cọc ba đồng, học những lớp đó vừa tốn tiền vừa tốn thời gian mà nhà trường cũng như sở, bộ không hỗ trợ kinh phí gì thì nhiều khi lương người ta chả đủ để đóng khóa học đó. – Thạc sĩ kinh tế không muốn nêu tên

Vị Giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định rằng nếu trưng cầu dân ý thì đa số giảng viên sẽ không chấp thuận yêu cầu này, trừ khi bị áp đặt, nhà nước bắt buộc giáo viên, giảng viên đi học để ‘thu tiền’. Dù vậy, bà cho rằng kết quả từ việc học thêm như vậy chưa chắc khả quan.

Trong thực tế, phần lớn giảng viên tại những cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước đây đã có chứng chỉ kỹ năng nghề.

Tuy nhiên, số lượng giảng viên có chứng chỉ kỹ năng của các trường trung cấp, cao đẳng chuyển từ Bộ Giáo dục – Đào tạo sang Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được nói không nhiều.

Theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, giảng viên chưa đạt chuẩn phải đi học để có chứng chỉ này trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Thông tư 08/2017 của Bộ có hiệu lực, bắt đầu từ ngày 30/12/2020.

Related posts