Giấy chuyển viện: Cần hay không?

“Cử tri có ý kiến rất nhiều về việc khi đi khám bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là rất phiền toái, rất mệt mỏi. Trong điều kiện CNTT tiến bộ như hiện nay, khi liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã trở nên dễ dàng”.

Đó là lời ông Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ương trình bày trước Quốc hội vào hôm 20 tháng 11 vừa qua. Ông Trí đề nghị bãi bỏ giấy chuyển viện khi 93% dân số Việt Nam đã tham gia bảo hiểm y tế.  

Theo các chuyên gia y tế, bản thân cái giấy chuyển viện là cần thiết và không gây phiền hà gì cho người bệnh. Nhưng nếu bệnh nặng cần sự trợ giúp của bảo hiểm y tế thì nó lại là nỗi ám ảnh, bởi cái giấy chuyển viện liên quan trực tiếp đến việc thanh toán quyền lợi bảo hiểm y tế. Nếu bệnh nhân không có giấy chuyển viện mà tự đi thì phải tự trả vài chục phần trăm viện phí.

Hiện nay nếu bỏ giấy chuyển viện thì các bệnh viện tuyến trên sẽ quá tải, còn các bệnh viện tuyến dưới thì nhân viên ngồi không, ăn lương. Lý do vì không có sự đồng bộ trong hệ thống y tế của Việt Nam. Trình độ chữa trị cũng không đồng bộ, khác nhau một trời một vực giữa cấp địa phương và cấp trung ương. – Một người bệnh

Một người ở Hà Nội thường xuyên phải vào bệnh viện điều trị do mắc bệnh mãn tính, yêu cầu ẩn danh, nói với RFA sáng 21 tháng 11:

“Thông thường, khi tuyến dưới không chữa trị được phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì phải có giấy chuyển viện. Như thế thì bệnh nhân mới được hường đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế. Nếu bệnh nhân tự đến thì không được bảo hiểm y tế chi trả đầy đủ mà chỉ trả khoảng 30 – 40% mà thôi. Theo tôi, đây là một sự bất cập vì bác sĩ điều trị là người ra toa điều trị cho bệnh nhân. Do đó, cho dù bệnh nhân điều trị ở bệnh viện nào hay bác sĩ nào thì bảo hiểm y tế cũng phải chi trả đầy đủ.

Hiện nay nếu bỏ giấy chuyển viện thì các bệnh viện tuyến trên sẽ quá tải, còn các bệnh viện tuyến dưới thì nhân viên ngồi không, ăn lương. Lý do vì không có sự đồng bộ trong hệ thống y tế của Việt Nam. Trình độ chữa trị cũng không đồng bộ, khác nhau một trời một vực giữa cấp địa phương và cấp trung ương.

Do đó, việc giữ hay bỏ giấy chuyển viện là một bài toán nan giải. Nhưng theo tôi, giấy chuyển viện nên được quy định một cách cụ thể, đơn giản và thiết thực theo yêu cầu của bệnh nhân và theo cơ sở điều trị. Đừng gây phiền hà cho bệnh nhân.”

Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 quy định có ba cấp chuyên môn kỹ thuật trong hệ thống bệnh viện, gồm: Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, chăm sóc sức khỏe ban đầu; quản lý bệnh tật, phục hồi chức năng tại cộng đồng; Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, nội trú tổng quát; đào tạo thực hành tổng quát, tổ chức cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho người hành nghề; Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, điều trị ngoại trú, nội trú chuyên sâu; đào tạo thực hành chuyên sâu; nghiên cứu, đào tạo liên tục chuyên sâu; chuyển giao kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh..

Việc phân cấp này được cho là nhằm xác định mức khám chữa bệnh căn cứ điều kiện, khả năng đáp ứng, tình trạng người bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Viện, tấm giấy chuyển viện vừa cần thiết, vừa gây phiền hà cho bệnh nhân. Ông giải thích với RFA:

Giấy chuyển viện quan trọng lắm. Có giấy chuyển viện có nghĩa đồng ý chuyển luôn cả hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân từ bệnh viện cũ. Tuy không chuyển giao hết nhưng họ sẽ làm một bản tóm tắt với những xét nghiệm quan trọng dể chuyển đến nơi tiếp nhận. Nó có sự bàn giao không chỉ ở nơi tiếp nhận tiếp tục điều trị, mà trong quá trình vận chuyển nữa. Chỉ khi nào bệnh viện mới tiếp nhận thì bệnh viện cũ mới hết trách nhiệm.

Có nhiều trường hợp bệnh nhân họ không hài lòng với bệnh viện họ đang được chữa trị. Họ không tin tưởng và muốn lên tuyến cao hơn, có uy tín hơn. Nhưng để bảo vệ quyền lợi và danh tiếng cho bệnh viện mình đang làm, các bác sĩ không muốn bệnh nhân chuyển viện. Trường hợp này bệnh nhân rất khó có giấy chuyển viện. Bệnh nhân thông thường chỉ có một cách là viết giấy tự xin về nhà rồi tự vào bệnh viện mới.”

Có nhiều trường hợp bệnh nhân họ không hài lòng với bệnh viện họ đang được chữa trị. Họ không tin tưởng và muốn lên tuyến cao hơn, có uy tín hơn. Nhưng để bảo vệ quyền lợi và danh tiếng cho bệnh viện mình đang làm, các bác sĩ không muốn bệnh nhân chuyển viện. – BS. Nguyễn Viện

Với kiến nghị của ông Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định giấy chuyển viện là cần thiết, không thể bỏ nhằm đảm bảo hệ thống y tế bền vững, tránh quá tải một tuyến.

Một số người dân mà RFA trò chuyện cho rằng, tấm giấy chuyển viện là miếng mồi của tiêu cực, bởi người bệnh thì cần mà nhân viên y tế thì không phải lúc nào cũng nhanh chóng cấp cho họ; có trường hợp phải chờ ý chữ ký của lãnh đạo mới được nhập viện tuyến trên điều trị.

Ông Trần Anh Quân ở Sài Gòn nêu ý kiến của mình với RFA về việc này:

Theo tôi thì cái giấy chuyển viện là không cần thiết, bởi giấy này phụ thuộc vào chuyện bảo hiểm y tế, rổi chuyển thì phải chuyển từ huyện lên tỉnh, rồi từ tỉnh mới lên bệnh viện tuyến trung ương. Nó làm mất thời gian của bệnh nhân vì nó vướng nhiều thủ tục chuyển viện. Có khi ảnh hưởng tới tính mạng, do đó giấy chuyể viện theo tôi là không cần thiết.

Thêm vào đó, hiện nay bệnh viện nào cũng nhận bảo hiểm y tế nên tờ giấy chuyển viện chỉ là một cái hình thức vòi tiền người bệnh, vì nhiều trường hợp người bệnh muốn nhanh thì phải chung chi cho nhân viên y tế cấp địa phương. Đó lại là một hình thức tham nhũng chứ tờ giấy đó chẳng có ý nghĩa gì với người dân cả.”

Bác sĩ Đinh Đức Long nêu quan điểm của ông:

“Bỏ giấy chuyển viện là đáp ứng tốt nhất nguyện vọng, mong muốn chủ quan của bệnh nhân mà thôi. Còn trên thực tế thì chưa chắc tốt. Tâm lý của bệnh nhân là muốn lên tuyến cao hơn. Nhưng trong ngành y, một chỗ không thể gánh hết bệnh nhân của cả một tỉnh hay cả nước. Họ phải phân tuyến ra. Bệnh nhẹ thì ở tuyến dưới, bệnh nặng thì lên tuyến trên. Họ phân như thế để giảm bớt áp lực và phụ thuộc vào nguồn lực, trang thiết bị y tế, thuốc men cảu từng tuyến. Nó có mặt tốt của nó.

Về mặt bác sĩ, chẳng hạn bệnh này họ có khả năng chữa nhưng người bệnh không tin cứ đòi lên tuyến trên, nên họ đấu tranh đỏi bỏ giấy chuyển viện. Tức là nếu chuyển viện không cần giấy thì phù hợp với bệnh nhân, nhưng tuyến trên quá tải thì bệnh nhân phải trả giá.”

Báo Người Lao Động hôm 10 tháng 8 năm 2023 đưa tin, chỉ riêng từ đầu năm đến nay, số lượng viên chức ngành y tế nghỉ việc là 547 người, trong đó có 202 bác sĩ và 239 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y. Theo lý giải của Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam, viên chức ngành y tế nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau, như do áp lực công việc cao, không đảm bảo sức khỏe làm việc, sức khỏe suy giảm sau dịch COVID-19, đơn vị công tác xa nhà.

Trước đó, hôm 13 tháng 6 năm 2022, đại biểu Quốc Hội Nguyễn Thị Thu Dung cho hay, sau hai năm đại dịch gần 5.000 nhân viên y tế và bác sĩ công lập xin thôi việc vì áp lực công việc cũng như thu nhập không đảm bảo cuộc sống.

Related posts