Hà Tĩnh: Cựu quân nhân tố cáo bị công an xã đánh đập, xử tù oan từ 2015

Một cựu quân nhân ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh nói ông bị đánh đập bởi công an xã Điền Mỹ từ năm 2015, sau đó bị xử tù oan và gia đình bị phân biệt đối xử từ đó tới nay.

Ông Nguyễn Đình Hùng, sinh năm 1976, từng phục vụ nghĩa vụ quân sự trong hai năm ở Sư đoàn 10 tại Kon Tum hồi năm 1997, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng hiện nay gia đình ông bị chính quyền thôn và xã phân biệt đối xử, không cho hưởng các chính sách của địa phương.

Họ không nói ra trực tiếp nhưng họ cấm tất cả người dân không ai dám đến. Rồi là ví dụ như các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người nghèo thì gia đình tôi không được gì cả. Địa phương nhiều lần được hỗ trợ tiền và quà trong những dịp bị lũ lụt nhưng nó gần như cắt hết của gia đình tôi. Nhà tôi không được gì cả.”

Ông Hùng cho biết hồi tháng 9/2015, chị dâu của ông Hùng là bà Trần Thị Nhàn đi xe máy chở cá biển đi bán, Công an xã Phương Mỹ (sau này đổi tên là Điền Mỹ) khi đó tự lập chốt chặn đường để kiểm tra.

Công an xã sau đó vô cớ bắt giữ xe của bà Nhàn rồi đưa về Uỷ ban xã. Sau đó họ tiêu huỷ hàng hoá và giữ xe lại mà cho đến nay vẫn chưa trả lại cho gia đình.

Anh trai của ông Hùng là ông Nguyễn Đình Hải phản đối việc công an xã thu giữ xe và tiêu huỷ hàng hoá cũng như tra hỏi người chị dâu khiến cho Trưởng Công an xã khi đó là ông Hồ Xuân Quế tuyên bố sẽ “xử lý” ông Hùng cho dù ông không liên quan đến vụ việc này.

Đến ngày 21/10/2015, ông Hùng đang điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm bị ông Quế dùng gậy vụt vào tay làm ông suýt ngã.

Khi ông dừng xe và quay lại chất vấn việc mình bị đánh thì ông Quế cầm gậy thúc nhiều lần vào người ông và dùng đầu đội mũ bảo hiểm húc nhiều lần vào bụng. Ông trưởng công an xã còn nhục mạ và đe doạ sẽ giết cả gia đình dòng họ của ông Hùng.

Ông Hùng nói do bị đánh bầm dập tay nên ông phải đi điều trị ở bệnh viện trong thời gian đúng một tuần.

Hơn nửa tháng sau khi xuất viện về nhà, vào giữa tháng 11 năm 2015, ông bị công an huyện Hương Khê bắt giữ với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và bị tạm giam hai tháng. Tuy nhiên, ông được gia đình bảo lãnh tại ngoại sau một tháng 18 ngày trong trại tạm giam.

Cuối tháng hai năm 2016, ông Hùng bị toà án huyện Hương Khê kết tội và kết án sáu tháng tù giam cho dù luật sư chứng minh việc kết án ông là chưa chính xác và có dấu hiệu khép tội sai vì

ông Hồ Xuân Quế và công an xã Phương Mỹ không có thẩm quyền lập chốt để tuần tra kiểm soát giao thông cũng như không có văn bản đồng ý của Công an huyện, theo quy định của Nghị định 27 của Chính phủ năm 2010.

Báo Lao Động ngày 23/12/2016 có đưa tin về vụ án của ông Hùng với tựa đề “Có dấu hiệu oan sai ở một bản án chống người thi hành công vụ?” dẫn lời luật sư đặt dấu hỏi về tính hợp pháp của việc lập chốt kiểm tra giao thông của công an xã Phương Mỹ và ông Trưởng công an xã Hồ Xuân Quế.

Nhóm luật sư của ông Hùng nghi ngờ việc Công an xã hợp thức hoá hồ sơ khi trong phiên sơ thẩm trước đó ông Quế thừa nhận việc lập chốt không theo kế hoạch của công an huyện, cho biết chỉ có kế hoạch của Đảng ủy xã, UBND xã, Trưởng công an xã.

Hồ sơ vụ án không có văn bản đồng ý của công an huyện Hương Sơn cho công an xã này lập chốt.

Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm (2016), phía bị hại (ông Hồ Xuân Quế) lại thay đổi lời khai, khẳng định thực thi nhiệm vụ đã được Công an huyện phê duyệt và trưng ra được kế hoạch tuần tra, kiểm soát giao thông của Công an huyện Hương Khê phê duyệt.

Ông Hùng kháng cáo lên Toà án tỉnh Hà Tĩnh, toà này chuyển hồ sơ cho nhà chức trách huyện để điều tra lại, và trong phiên sơ thẩm lần hai vào tháng 10 năm 2017, ông vẫn bị Toà án huyện tuyên có tội với mức án giữ nguyên (sáu tháng) nhưng được hưởng án treo.

Ông Hùng tiếp tục kháng cáo và trong phiên phúc thẩm lần hai giữa tháng ba năm 2018, Toà án tỉnh Hà Tĩnh giữ nguyên mức án sơ thẩm.

Ông Hùng cho RFA biết trong các phiên toà, ông tố cáo điều tra viên tên Phong của công an huyện Hương Khê mớm cung, buộc ông thừa nhận đánh nhau với ông Quế nhưng trong thực tế chỉ có ông Quế đánh mình.

Ông Hùng nói ông không chấp nhận bản án và gửi đơn kêu oan tới nhiều cơ quan từ cấp xã tới trung ương, trong đó có Toà án Nhân dân Tối cao, yêu cầu xử đúng người đúng tội.

Ông Hùng nói sau nhiều lần gửi đơn cho Toà án Nhân dân Tối cao thì cơ quan này năm 2019 có văn bản thông báo nhận được đơn của ông. Tuy nhiên, từ đó tới nay ông không thấy có động tĩnh gì nữa.

Ông Hùng hiện tại làm nông nghiệp, cho biết cuộc sống của gia đình hiện giờ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh việc không được hưởng các phúc lợi của địa phương, ông còn không được tạo điều kiện để làm kinh tế cho dù ông từng đi lính nghĩa vụ.

Ông cho biết chính quyền địa phương còn không ưa ông vì ông tố cáo họ trong một số vụ việc khác.

Chính quyền ở đây làm sai quá lớn, tham nhũng quá lớn và tôi tố cáo chúng nhiều thứ thành ra chúng nó ghét tôi luôn. Tuy nhiên, chúng không làm được gì tôi vì tôi tố cáo đúng sự thật.”

Theo ông, chính quyền xã có nhiều sai phạm trong việc thực hiện các chính sách về người bị nhiễm chất độc da cam, chế độ thương tật tàn tật, chiếm và phá hoại rừng quốc gia chiến lược Đông Trường Sơn thông qua việc cho người nhà của cán bộ địa phương thầu hết đất và rừng.

Bản thân ông là một quân nhân giải ngũ nhưng chính quyền xã từ chối đề nghị của ông xin thầu ít đất để sản xuất nuôi sống gia đình.

Ông cho biết người đánh ông, ông Hồ Xuân Quế đã về hưu và chuyển vào miền Nam sinh sống.

Chúng tôi có gọi điện cho Trưởng công an xã Điền Mỹ, Công an huyện Hương Khê, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân kiêm người phát ngôn của huyện cũng như Toà án tỉnh Hà Tĩnh nhưng không ai nghe máy.

Ông Trần Tuấn Anh, Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Hương Khê, cán bộ đầu mối tham mưu công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ông này dập máy sau khi nghe phóng viên tự giới thiệu.

Chúng tôi có gửi email cho ông Chủ tịch huyện Ngô Xuân Ninh nhưng chưa nhận được phản hồi.

 

Related posts