Hàn gắn vết thương chiến tranh: Cơ chế khác biệt khiến không ai tìm hài cốt binh sĩ VNCH mất tích

Hôm 13 và 14 tháng 9, 2023, Viện Hòa Bình Hoa Kỳ, một cơ quan trực thuộc Quốc Hội Mỹ, tổ chức hội nghị “Đối thoại về Hậu quả Chiến tranh và Hòa bình tại Việt Nam” lần hai. Nhân dịp này, RFA phỏng vấn Tiến sỹ Andrew Wells-Dang, Giám đốc Chương trình Hòa giải và Di sản Chiến tranh Việt Nam tại Việt Hòa Bình Hoa Kỳ về các hoạt động của Viện cũng như của hai phía Việt Mỹ trong vấn đề này. 

RFA. Xin ông cho biết tại sao sau gần 50 năm sau khi chiến tranh kết thúc thì đến gần đây Viện Hòa Bình Hoa Kỳ mới có chương trình về hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh Việt Nam?

Andrew Wells-Dang: Trước hết tôi xin giới thiệu về Viện Hòa bình Hoa Kỳ. Viện được thành lập năm 1984. Trong những người thành lập Viện, có nhiều người là các cựu chiến binh lúc đó đang là nghị sĩ Quốc hội. Họ nghĩ là Mỹ nên có một Bộ sau đó chuyển thành Viện, tập trung vào việc xây dựng hòa bình, phòng chống và giảm nhẹ các xung đột bạo lực trên thế giới. 

Viện đã làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau ở các lĩnh vực liên quan đến chiến tranh trên thế giới. Ở châu Á thì khoảng 20 năm gần đây Viện tập trung vào khu vực Nam Á như Afghanistan. Nhưng mấy năm gần đây thì Viện đi về phía Đông nhiều hơn, quan tâm đến Ấn Độ – Thái Bình Dương nhiều hơn, trong đó có Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như Việt Nam. 

Chương trình mà tôi đang làm là về sự hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh trong cuộc chiến Đông Dương, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia nhưng chủ yếu là Việt Nam. Chúng tôi bắt đầu từ 2021, đến giờ đã 2 năm. Quốc Hội Mỹ đã từng góp ý là Viện Hòa Bình nên có một chương trình như vậy. Hội thảo đầu tiên về Việt Nam diễn ra vào năm 2019. Đến năm 2021 thì tôi mới chuyển đến làm việc ở vị trí này. 

Đúng thực ra chỉ sau một thời gian dài thì Viện Hòa Bình Hoa Kỳ mới vào cuộc về vấn đề hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh của cuộc chiến Việt Nam. Nhưng điều đó cũng hợp lý vì gần đây mới có nhiều cơ hội cho việc đó. 

Hai năm gần đây, Mỹ có chương trình hỗ trợ tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Trong cuộc thảo luận bàn tròn tại USIP hôm 14 tháng 9 thì có rất nhiều thảo luận về chương trình đó cũng như về tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Quan điểm của phía Mỹ cũng như của Viện Hòa Bình Hoa Kỳ là chúng ta cần tìm kiếm tất cả mọi người đã mất tích trong chiến tranh, gồm cả những người lính và người dân thuộc tất cả các phía khác nhau trong cuộc chiến. 

Có rất nhiều thách thức về công nghệ, thông tin, chính trị cần xử lý để thực hiện điều đó. Phải làm nhanh vì nếu không làm nhanh thì mất hết các nhân chứng và nhất là thời tiết có thể làm mất hết hài cốt của những người mất tích. Đó là một ví dụ về những chương trình mà Viện Hòa bình Hoa Kỳ có tham gia như là một đối tác, góp phần giúp cả Mỹ và Việt Nam tìm kiếm người mất tích. 

Ngoài ra, những hậu quả chiến tranh khác, như rà soát bom mìn còn sót lại, thì hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam cũng đang tăng lên. 

Gần đây nhất, chuyến thăm của Tổng thống Biden để thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam tạo ra những cơ hội mới. Đây là kết quả của rất nhiều năm người dân ở Mỹ và Việt Nam hợp tác và làm bạn với nhau. Sau này chính phủ hai bên mới vào cuộc. Nếu đặt câu hỏi những người Mỹ và người Việt này là ai thì có thể trả lời rằng trước tiên đó là cựu cựu chiến binh. Họ thực sự có vai trò quan trọng. Những người Việt ở Mỹ cũng rất quan trọng. Họ là những người có người thân, gia đình, họ hàng ở Việt Nam. Họ thường xuyên về Việt Nam, hiểu tình trạng ở Việt Nam. Và nhóm người thế hệ hai sinh ra ở Mỹ. Họ là những người có năng lực rất lớn. Ngoài ra còn phải kể đến sinh viên Việt Nam sinh ra sau chiến tranh và du học ở Mỹ. 

RFA. Xin ông cho biết những khó khăn tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh.

Andrew Wells-Dang: Khó khăn về thời gian thì tôi đã nói rồi. Càng để lâu càng khó tìm. Về kĩ thuật thì vấn đề như sau. Số lượng lính Mỹ mất tích ở Việt Nam khoảng 2000 người. Khi tìm được một hài cốt người Mỹ để phân tích ADN thì chúng ta biết chắc họ thuộc về một trong số khoảng 2000 người đó. Nhưng nếu tìm được hài cốt người Việt Nam thì vấn đề sẽ khác. Không ai biết số lượng cụ thể là gì. 

Chính phủ Việt Nam nói họ có khoảng 200 ngàn binh sĩ mất tích. Nhưng con số này chưa bao gồm các nhóm khác như người dân và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Nếu tính hết tất cả mọi người đã mất tích thì chắc chắn con số sẽ nhiều hơn. Nếu muốn sử dụng công nghệ ADN để xác định danh tính của những bộ hài cốt tìm được thì cần tạo ra một ngân hàng dữ liệu ADN vô cùng lớn. Cần tất cả gia đình Việt Nam có thân nhân mất tích trong chiến tranh hiến tặng mẫu ADN để làm điều đó. Đó là mới nói đến những gia đình ở Việt Nam, chưa nói đến gia đình người Việt ở nước ngoài. Có thể Chính phủ Việt Nam làm được, nhưng họ có rất nhiều khó khăn về kỹ thuật và truyền thông. 

Ngoài ra, còn nhiều khó khăn trong hệ thống nhà nước Việt Nam và Mỹ. Do cấu trúc bộ máy nhà nước hai bên khác nhau nên rất khó làm việc cùng nhau, vì phải xác định đúng ai nói với ai. Ví dụ ở Việt Nam, có thể cơ quan này phải xin phép cơ quan kia. Và ở đâu cũng có yếu tố cá nhân cả. Nếu có những người rất giỏi để kết nối được tất cả các bên thì có thể làm được rất nhiều việc. Nhưng nếu có người sợ hoặc không muốn làm thì việc khó trôi chảy. 

RFA. Ông nói rằng Hoa Kỳ và Viện Hòa bình Hoa Kỳ ủng hộ quan điểm tìm hài cốt của người mất tích thuộc tất cả các bên đã liên quan tới cuộc chiến. Quan điểm đó có được phía Việt Nam chia sẻ hay không? 

Andrew Wells-Dang: Ở Mỹ thì có thể nói tất cả chúng tôi đều chia sẻ quan điểm đó. Tôi không muốn nói thay cho phía Việt Nam. Nhưng có thể nói ở Việt Nam có nhiều quan điểm khác nhau. 

RFA. Đó có phải là vấn đề còn “nhạy cảm” ở Việt Nam hay còn lý do nào khác không? 

Andrew Wells-Dang: Có thể hiểu là vấn đề đó vẫn còn vô cùng lớn với Việt Nam. Thứ hai là thông tin thật về cuộc chiến đó vẫn chưa được phổ biến. Dù cuộc chiến đã kết thúc, rất nhiều năm đã qua nhưng vẫn còn trở ngại đó. 

Thường thì nguồn lực ở Việt Nam rất hạn chế. Khi nguồn lực hạn chế đó thì vấn đề của chính phủ là xác định thứ tự ưu tiên khi sử dụng nguồn lực đó. Họ phải xác định nguồn lực hạn chế của nhà nước nên được chi vào chỗ nào. Ví dụ nhà nước Việt Nam có chế độ hỗ trợ cho “những người có công với cách mạng” chẳng hạn. Mặc dù trong xã hội, các nhóm khác cũng có nhiều vấn đề về sức khỏe, khuyết tật, nhưng không nằm trong nhóm “những người có công với cách mạng”. Nhưng xét từ cách ra quyết định của nhà nước thì họ chỉ có nguồn lực để làm chỉ được một phần, không làm được hết thì mình chỉ nên ưu tiên cho một số nhóm nhất định trước. Nếu Mỹ hay các nước khác có nguồn lực giúp thêm các nhóm khác thì đó lại là câu chuyện khác. 

Tôi muốn nói thêm một ý về bên Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh. Đây là những người Việt Nam. Theo tôi, sau khi Việt Nam thống nhất thì Chính phủ Việt Nam nên có trách nhiệm cho tất cả công dân Việt Nam. Cho dù họ sống ở đâu, làm gì trước 1975 thì họ đều là công dân Việt Nam. Đó là cách nhìn cá nhân của tôi. Nhưng phía Việt Nam có quan điểm khác là những người VNCH là đồng minh của Mỹ thì Mỹ cần có trách nhiệm với họ chứ không phải Việt Nam. Thực ra quan điểm này có cái lý của nó chứ phải không.

RFA. Nhưng về mặt cơ chế thì rất khó để có một cơ quan nào đó trong Chính phủ Mỹ làm nhiệm vụ tìm người Việt Nam mất tích. 

Andrew Wells-Dang: Đúng. Cơ quan DPAA của Bộ Quốc phòng Mỹ có nhiệm vụ tìm hài cốt người Mỹ mất tích trong chiến tranh chứ họ không thể tìm người Việt Nam hay đồng minh khác bị mất tích. Cho nên vấn đề được nêu ra như thế thì vô cùng lớn để có thể giải quyết. Đó là một ví dụ cho thấy không chỉ là cơ chế ở Việt Nam mà ở Mỹ cũng là một vấn đề. 

Related posts