Hệ thống tư pháp Việt Nam tạo ra “dân oan”?

Một số người cho rằng, chính hệ thống tư pháp Việt Nam đẩy họ thành dân oan; đẩy họ vào lòng lao lý, thậm chí có người phải tự thiêu.

Bà Bùi Thị Minh Hằng, một nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền Việt Nam từng nói “Việt Nam là một cường quốc dân oan”, nêu nhận định của bà với RFA hôm 14 tháng 2 năm 2023:

“Cái đó là chính xác từ rất lâu rồi. Bởi vì ở các nước thì có tam quyền phân lập nhưng ở Việt Nam thì điều đó không có. Mà mọi vấn đề do một đảng lãnh đạo sẽ dẫn đến các cơ quan họ không độc lập.

Đơn giản nhất như nhà tôi đây, việc tôi vay nợ dân sự bên ngân hàng nhưng an ninh lại dính vào. Tôi đã đọc cái công văn rất là vi hiến, tức họ yêu cầu khi giải quyết những vụ việc ở nhà tôi thì phải thường xuyên báo cáo cho thường trực đảng, cho nội chính và Bộ Công an. Những cơ quan đó đâu có liên quan gì đến việc tôi vay ngân hàng khi tôi làm doanh nghiệp đâu.

Họ thao túng hết. Cho nên cái việc tòa án gây ra dân oan là cả một cái móc xích mà mình gọi nó là hệ thống. Bởi vì ngay từ khâu bắt bớ điều tra chẳng hạn, họ đã có ép cung nhục hình để hoàn thành kế hoạch sáu tháng đầu năm, sáu tháng cuối năm.

Tôi nghĩ trong lĩnh vực đó làm sao có thể lập kế hoạch ra được chẳng lẽ bắt buộc phải có tội phạm à?”

Bà Hằng lo ngại mình sẽ trở thành dân oan lần nữa liên quan đến việc vay tiền ngân hàng của bà.   

Qua việc của gia đình nhà tôi thì tôi trải nghiệm thì tôi thấy đúng là phải xây dựng một nhà nước pháp quyền. Phải có một nền tư pháp độc lập và phải tôn trọng cái quyền con người để nhân dân giám sát bộ máy ở trong nước thì vấn nạn dân oan mới giảm. Ông Trọng cũng phải xem xét. Đảng cũng phải xem xét cải cách tư pháp đi để cho án oan sai nó giảm nó bớt đi. – Ông Nguyễn Khắc Toàn

Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nêu trường hợp cụ thể gia đình ông để kết luận về hệ thống tư pháp Việt Nam:

“Điển hình là vụ án nhà tôi. Chỉ là chia thừa kế thôi, tôi đã làm đơn tố cáo trong nội tình cho công an quận Hoàn Kiếm từ ngày 15/11/2019 mà công an quận này hơn một năm trời không trả lời bằng văn bản, không giải quyết, không kết luận. Suốt bốn năm trời tôi gửi cả cho viện kiểm sát quận, thành phố, gửi cả công an nhưng không ai trả lời.

Như vậy là các cấp ở dưới này đã làm sai. Đội điều tra trật tự xã hội công an quận Hoàn Kiếm đã sai với luật khiếu nại tố cáo của công dân. Từ cái việc bê trễ như thế dẫn đến việc tòa án quận hoàn Kiếm rồi tòa án thành phố Hà Nội đem vụ án ra xét xử trên cái hồ sơ đã bị sai lệch rồi thì bây giờ ai giải quyết đây?

Cái bộ máy sản sinh là dân oan tính là các cơ quan thẩm quyền của nhà nước, trong đó có các cơ quan về tòa án, công an, viện kiểm sát. Qua việc của gia đình nhà tôi thì tôi trải nghiệm thì tôi thấy đúng là phải xây dựng một nhà nước pháp quyền. Phải có một nền tư pháp độc lập và phải tôn trọng cái quyền con người để nhân dân giám sát bộ máy ở trong nước thì vấn nạn dân oan mới giảm. Ông Trọng cũng phải xem xét. Đảng cũng phải xem xét cải cách tư pháp đi để cho án oan sai nó giảm nó bớt đi.”

Ông Toàn nói thêm, dân oan ở Việt Nam có trong nhiều lĩnh vực như lĩnh vực đất đai, lĩnh vực chính sách chế độ, lĩnh vực án oan sai…

Ngoài hai trường hợp do chính ‘dân oan’ nói với RFA ở trên, một số trường hợp tự thiêu trước đây được báo chí nhà nước loan tải, như trường hợp cụ ông 82 tuổi tên Nguyễn Ngọc Hà, ngụ tại Thành phố Bắc Giang vào sáng ngày 15 tháng 12 năm 2022 đã mang xăng đến trước Văn phòng Tiếp dân, Tòa án tỉnh Bắc Giang châm lửa tự thiêu. Ông Nguyễn Ngọc Hà là bị đơn trong một vụ án “tranh chấp di sản thừa kế” tại Bắc Giang.

quochoi.vn.jpeg
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo về công tác của các Toà án trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, vào ngày 12/1/2021. Courtesy quochoi.vn

Vào đầu năm 2022, một vụ tự thiêu xảy ra ở Quận 6, thành phố Hồ Chí Minh. Nạn nhân là ông Văn Quốc Quang có nhà thuộc diện giải toả cho dự án cải tạo, khơi thông kênh Hàng Bàng. Theo như lời người thân của nạn nhân nói với đài RFA, thì buổi chiều hôm xảy ra sự việc, ông Văn Quốc Quang đã tới trụ sở UBND phường và có xảy ra cự cãi với cán bộ của phường về vấn đề đền hỗ trợ và đền bù giải phóng mặt bằng.

Sáng 15 tháng 9 năm 2022, tại buổi báo cáo công tác trong năm của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết vẫn còn 17 trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố trong năm 2022 thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí phản hồi rằng: “Một năm cả nước có trên 120.000 vụ án hình sự mà chỉ có 17 vụ án oan sai như vậy thì phải cảm thấy mừng. So với năm trước là 15, năm nay là 17. Con số 2 này không nói lên được điều gì cả, bởi vì còn lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, chúng ta sẽ lưu ý, nhưng đừng đánh giá sớm quá thì tạo ra một tâm lý cho anh em trong thực thi nhiệm vụ.”

Ở Việt Nam, cán bộ thực thi pháp luật không được chuẩn. Các cơ quan điều tra, tức bên công an thì do trường công an nhân dân đào tạo; kiểm sát viên thì do trường cao đẳng kiểm sát đào tạo; các thẩm phán thì do các học viện tư pháp đào tạo; các luật sư thì được đào tạo ở trường luật, thành ra họ không thể thống nhất với nhau về mặt ngôn từ của pháp luật. – LS Đặng Trọng Dũng

Trước đó một năm, khi báo cáo về công tác của các toà án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định trong nhiệm kỳ không xảy ra án oan hình sự. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội.

Là người có hơn 20 năm trong ngành tư pháp, Luật sư Đăng Trọng Dũng nêu quan điểm của ông với RFA:

“Hệ thống luật pháp của mình thì về mặt ngôn từ rất là hay, có nhiều điểm tiến bộ, nhưng khi thực thi luật pháp thì lại gặp những con người không được đúng như tinh thần mà các bộ luật đã viết ra.

Ở Việt Nam, cán bộ thực thi pháp luật không được chuẩn. Các cơ quan điều tra, tức bên công an thì do trường công an nhân dân đào tạo; kiểm sát viên thì do trường cao đẳng kiểm sát đào tạo; các thẩm phán thì do các học viện tư pháp đào tạo; các luật sư thì được đào tạo ở trường luật, thành ra họ không thể thống nhất với nhau về mặt ngôn từ của pháp luật.

Ngay trong bộ luật hình sự cũng có một điều khoản rất dễ dẫn đến oan sai. Tức là kiểm sát viên không được quyền có ý kiến riêng khi căn cứ theo tình hình thực tế của phiên tòa. Họ không được quyền thay đổi cáo trạng, họ lên tòa họ phải giữ nguyên quan điểm truy tố của Viện kiểm sát, của cấp trên đã đề ra.”

Luật sư Đặng Trọng Dũng kể rằng, trong một buổi hội luận mà ông được tham dự nhiều năm trước, khi một vấn đề được nêu lên thì thẩm phán hiểu khác, kiểm sát viên kiểu khác, luật sư hiệu khác và người dân hiểu theo nghĩa khác nữa. Mà người có quyền quyết định là thẩm phán, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Do đó, án oan sai là điều rất dễ xảy ra.

Related posts