Hiệu trưởng đại học công lập: bầu hay chỉ định đều vướng!

Các quy định pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm đối với hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập là hội đồng trường hay cơ quan quản lý trực tiếp. Đó là nhận định của TS Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, được báo Dân Trí dẫn lại hôm 10 tháng 4 vừa qua.

Để giải quyết vướng mắc này, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định ai có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng, vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để lấy ý kiến nhân dân.

Vấn đề chỉ định hiệu trưởng trong thời gian vừa qua nhìn chung cũng không có việc gì lớn lắm. Nhưng mà thỉnh thoảng vẫn xảy ra ở trường này, trường khác sự tranh giành quyền lực giữa Chủ tịch hội đồng trường, giữa hiệu trưởng. Sự cạnh tranh quyền lực nó dẫn đến phá vỡ sự đoàn kết, nhất trí trong việc xây dựng phương hướng phát triển cho một trường đại học. – Nhà giáo Đinh Kim Phúc

Vậy thực chất việc bổ nhiệm hiệu trưởng cho hệ thống đại học công lập lâu nay được thực hiện như thế nào? Nhà giáo Đinh Kim Phúc cho RFA hay:

“Hiện nay theo quy định chung thì hiệu trưởng đại học dứt khoát phải là đảng viên. Thứ hai nữa, việc bầu hiệu trưởng là do hội đồng trường quyết định và trình cho Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định công nhận.

Vấn đề chỉ định hiệu trưởng trong thời gian vừa qua nhìn chung cũng không có việc gì lớn lắm. Nhưng mà thỉnh thoảng vẫn xảy ra ở trường này, trường khác sự tranh giành quyền lực giữa Chủ tịch hội đồng trường, giữa hiệu trưởng. Sự cạnh tranh quyền lực nó dẫn đến phá vỡ sự đoàn kết, nhất trí trong việc xây dựng phương hướng phát triển cho một trường đại học.”

Cũng theo ông Đinh Kim Phúc, trình độ và sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam so với khu vực còn rất thấp. Nếu các lãnh đạo của đại học, của Chính phủ, của Bộ Chính trị không nhận thấy mà cứ đi vào con đường luẩn quẩn bằng nghị quyết, bằng tiêu chuẩn, bằng những quy định thành văn hoặc bất thành văn, thì đại học Việt Nam chỉ là một trường phổ thông cấp bốn mà thôi.

Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định:

“Theo tôi, nếu là đại học công lập thì chắc chắn người có quyền quyết định chính là cơ quan chủ quản của trường đó. Ví dụ trường Đại học Y thì sẽ do Bộ Y tế quyết định. Hoặc trường nào phụ thuộc Bộ Giáo dục- Đào tạo thì Bộ GD-ĐTsẽ bổ nhiệm. Còn một cơ chế thứ hai, đó là khu vực công nhưng đã được giao quyền tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính, không lấy ngân sách để chi trả, thì phải để hoặc là hội đồng trường có quyền quyết định, hoặc là đưa ra bỏ phiếu bầu trong toàn bộ cán bộ công nhân viên làm việc ở trong trường trong khu vực trường đó.”

Thời gian qua, việc bổ nhiệm hiệu trưởng một số trường đại học có những rắc rối ảnh hưởng tới hoạt động của nhà trường. Điển hình như vào tháng 3 năm 2021, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật tiến hành quy trình bầu hiệu trưởng. Khi đó, ông Ngô Văn Thuyên trong vai trò Chủ tịch Hội đồng trường đã ký thông báo không giao chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền hiệu phó cho TS Trương Thị Hiền, người được bổ nhiệm hiệu phó từ tháng 7 năm 2013. Quy trình này sau đó được Bộ Giáo dục xác định là không đúng với quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi về trách nhiệm và quyền hạn của hội đồng trường.

Còn tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng ký quyết định cho thôi giữ chức vụ hiệu trưởng đối với ông Lê Văn Sửu kể từ ngày 20 tháng 8 năm 2021 do để xảy ra các sai phạm trong công tác chỉ đạo điều hành và nhận tiền thanh toán vượt giờ quy định.

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, cho bầu cử tự do là cách tốt nhất, công bằng nhất để có một vị hiệu trưởng giữ trọng trách quan trọng trong một trường đại học. Điều này từng xảy ra dưới thời ông Trần Hồng Quân làm Bộ trưởng Bộ Đại Học Trung học Chuyên nghiệp-Dạy Nghề và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (từ năm 1987 đến năm 1997).

Nhà Giáo Đinh Kim Phúc nói tiếp:

“Tôi thấy cái kinh nghiệm duy nhất, lần đầu tiên mà đến nay chưa có lần thứ hai, đó là cuộc bầu cử hiệu trưởng Đại học Cần Thơ và các trường Đại học Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế… vào năm 1989. Và cái lá phiếu hết sức dân chủ do cán bộ công nhân viên chọn ai là người quản trị nhà trường, ai là người lãnh đạo mình. Sau cuộc bầu cử đó nó làm chuyển biến bộ mặt đại học Việt Nam. Nhưng rất tiếc tới nay không còn bất cứ cuộc bầu cử hiệu trưởng nào như vậy nữa.”

Ngoài các trường đại học ở miền Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng bầu cử chọn hiệu trưởng vào năm 1989; Đại học Xây dựng bầu cử chọn hiệu trưởng năm 1990.

Tuy cùng là hệ thống giáo dục đại học, nhưng hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; còn hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận do hội đồng trường, thì hội đồng đại học quyết định bổ nhiệm.

Và cái lá phiếu hết sức dân chủ do cán bộ công nhân viên chọn ai là người quản trị nhà trường, ai là người lãnh đạo mình. Sau cuộc bầu cử đó nó làm chuyển biến bộ mặt đại học Việt Nam. Nhưng rất tiếc tới nay không còn bất cứ cuộc bầu cử hiệu trưởng nào như vậy nữa. – Nhà Giáo Đinh Kim Phúc

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, cũng có thể cho bầu cử chọn hiệu trưởng trong khối công lập:

“Trường không tự chủ thì chắc chắn là phải do cơ quan Nhà nước chi ngân sách cho các hoạt động của trường ấy có quyền bổ nhiệm hiệu trưởng.

Nếu để cho cán bộ công nhân viên bầu cũng được. Nhưng tốt nhất thì phải sử dụng cái cơ chế thế này, tức là giới thiệu người này người kia làm hiệu trưởng thì chắc chắn phải sử dụng cơ chế bầu. Thế nhưng sau khi bầu thì bộ nào đứng quản lý trường đó sẽ là người quyết định ai làm hiệu trưởng trên cơ sở kết quả bầu cử.”

Nhiều người cho rằng, cho dù hội đồng trường, cơ quan quản lý trực tiếp hay bầu cử để chọn hiệu trưởng, mà đảng vẫn chi phối giáo dục, quản lý hiệu trưởng thì ngành giáo dục vẫn mãi trì trệ.

Related posts