Hồ thủy lợi Kapet ở Bình Thuận: Cần tiến hành đánh giá tác động văn hóa – lịch sử của dự án

Dự án “Hồ chứa nước Ka Pét” huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã được Quốc hội Việt Nam chấp thuận chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14. Tại Công văn số 541/TTg-NN ngày 14/5/2020, Thủ tướng Việt Nam cũng đã giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện dự án này. Dự án “Hồ chứa nước Ka Pét” cũng là một trong những dự án ưu tiên đầu tư theo “Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2, từ 2016 đến 2020” của Thủ Tướng Chính Phủ tại văn bản số 730/TTg-NN ngày 26 tháng 5 năm 2017. 

Gần đây, dự án “Hồ chứa nước Ka Pét” do tỉnh Bình Thuận đầu rư được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm vì liên quan đến việc phá khoảng 700 ha rừng trong khu vực thực hiện dự án. Dự án được thực hiện tại tỉnh Bình Thuận, nơi có cộng đồng Chăm bản địa sinh sống từ lâu đời. Chủ đầu tư đã thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án này. Tuy nhiên, theo một số đại diện cộng đồng Chăm ở đây, dự án này cũng cần được đánh giá tác động về mặt “Văn hoá-lịch sử, Tôn giáo – Tín ngưỡng”. Cộng đồng Chăm tại địa phương đang soạn thảo một bản kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng tại địa phương và trung ương để đề nghị lưu tâm đến vấn đề này. Nhân dịp này, RFA phỏng vấn Kiến trúc sư Jaya Thiên, một trong những đại diện cho cộng đồng Chăm bản địa đang kiến nghị cho các cấp chính quyền về tính cần thiết phải thực hiện một khảo sát, đánh giá như trên. 

Theo Kiến trúc sư Jaya Thiên, đây là dự án đầu tư xây dựng mới, với tầm quan trọng Quốc gia. Mục tiêu đầu tư của dự án đã được Quốc hội ban hành chủ trương đầu tư, cụ thể là: Cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; Cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; Phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, Kiến trúc sư Jaya Thiên cho biết cộng đồng Chăm Bình Thuận cũng có một số quan ngại đối về dự án, vì trong ranh giới dự án này đã và đang tồn quần thể “Khu Thánh Tích Po Cei Khar Mâh Bingu” của cộng đồng. Theo Kiến trúc sư Jaya Thiên, điều này đã dấy nên phản ứng mạnh mẽ khắp cộng đồng người Chăm. 

Dưới đây là phần Kiến trúc sư Jaya Thiên giải đáp về những vấn đề liên quan. 

RFA. Bản kiến nghị đang được soạn thảo để chuẩn bị gửi các cơ quan chức năng trung ương và địa phương của cộng đồng đồng bào Chăm nói rằng chủ đầu tư dự án chưa làm “Báo cáo tác động Văn hoá-lịch sử, Tôn giáo – Tín ngưỡng”. Xin ông cho biết trong trường hợp nào thì một dự án cần có loại báo cáo này. Dự án hồ Kapet của Bình Thuận có thuộc trường hợp đó không? 

Jaya Thiên: Kế hoạch dự án đầu tư xây dựng mới hồ chứa nước Ka Pét (Dự án cấp 2) là nhu cầu thiết thực, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; Cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên, dựa vào các thông tin, báo cáo mà các cơ quan Chính phủ và, tỉnh Bình Thuận thông cáo, cho đến nay ngoài “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” (ĐTM) của dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được lập thì Dự án vẫn chưa lập hồ sơ “Báo cáo tác động Văn hoá-lịch sử, Tôn giáo – Tín ngưỡng” nằm trong phạm vi lòng hồ Ka Pét này. 

Đối với công tác “Đánh giá tiền khả thi của Dự án” là điều hết sức quan trọng và cần đầy đủ các cơ quan ban ngành chuyên môn tham gia cùng để có thể đưa ra các số liệu/tư liệu một cách chi tiết và rõ ràng nhất để đánh giá tính khả thi của Dự án.
Trong dự án đầu tư xây dựng mới hồ chứa nước Ka Pét, tại Hồ sơ “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” (ĐTM), cụ thể ở Phần Mở Đầu (tại mục 5.3.1.b: Các đối tượng kinh tế – xã hội) có khả năng bị tác động bởi dự án đã chỉ ra “Bán kính 1km cách khu vực dự án không có các công trình văn hoá, tôn giáo, các di tích lịch sử nào.”. Đây là thông tin thiếu chính xác, bởi ngay trong lòng hồ hiện tồn quần thể Khu Thánh tích Po Cei Khar Mâh Bingu. 

Tuỳ vào mức độ thông tin của đối tượng bị tác động bởi Dự án sẽ cần thiết phải lập thêm hồ sơ đánh giá riêng biệt đính kèm bổ sung cho báo cáo ĐTM này. Trong trường hợp dự án Hồ thuỷ lợi Kapet, dự án này tác động trực tiếp đến Không gian Khu Thánh tích Po Cei Khar Mâh Bingu. Đây là Không gian văn hoá-lịch sử Tôn giáo-Tín ngưỡng của cộng đồng Cham, vì thế việc lập hồ sơ đánh giá tác động về mặt văn hóa – xã hội, đính kèm với Đánh giá tác động môi trường, là điều hết sức cần thiết. Việc này cần được các cơ quan ban ngành chuyên môn thực hiện, có sự tham vấn cộng đồng thụ hưởng về Không gian văn hoá ấy. Điều ấy sẽ góp phần làm rõ thêm thông tin để phục vụ công tác “Đánh giá tiền khả thi của Dự án”.   

RFA. Xin ông cho biết về giá trị văn hóa – lịch sử – tín ngưỡng của khu vực dự kiến sẽ xây hồ Kapet. 

Yaja Thiên. Ở đây, tôi xin trình bày chi tiết về hai khía cạnh là văn hóa – lịch sử và tôn giáo – tín ngưỡng của quần thể di tích hiện đang tồn tại trong khu vực dự án. 

Về mặt Văn hóa – Lịch sử, trải qua 300 năm lịch sử (từ 1698) tồn tại của tỉnh Bình Thuận, cùng với sự hình thành khai phá vùng đất Tánh Linh, Đức Linh, thì Po Haniim Per và Po Cei Khar Mâh Bingu được xem là nằm trong số những vị tiền hiền khẩn hoang vùng đất.

Ba trăm năm ghi dấu lịch sử vùng đất, cũng là trải qua 300 năm khu rừng thiêng này được cộng đồng người Cham – Raglai bảo vệ gìn giữ. Tính linh thiêng của khu Thánh tích đã góp phần giữ lại giá trị nguyên sinh ban đầu của khu rừng, dẫu trải qua bao biến cố lịch sử.

Trong 600ha diện tích được quy hoạch xây dựng hồ chứa nước Ka Pét ở xã Mỹ Thạnh, có hai di tích được người Chăm xem là “Khu Thánh tích” quan trọng. Đó là Khu lăng mộ Po Cei Khar Mâh Bingu và Po Haniim Per, gắn với truyền thống hành hương của cộng đồng người Chăm và Raglai ở 03 huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, cùng người Chăm-Raglai ở khu vực Ninh-Bình Thuận.

Hành trạng của hai nhân vật lịch sử Po Haniim Per và Po Cei Khar Mâh Bingu được ghi chép lại trong các văn bản Văn học Chăm, các văn kiện và truyền thuyết dân gian. Có thể tạm liệt kê các văn bản sau: Damnây Po Sah Inâ, Damnây Po Haniim Per, Damnây Po Cei Khar Mâh Bingu, Adaoh Damnây Po Cei Khar Mâh Bingu,…

Sau đây, tôi xin trình bày về hai nhân vật lịch sử nói trên của cộng đồng. 

Về Po Haniim Per, sau một biến cố lịch sử, ông lên núi (Núi Ông/Po Harum Cek/Cek Haniim Per) lánh trú, kết giao rồi cưới công chúa Cangua (của người Raglai) và qua đời tại nơi đây. Ngài được người dân lập đền thờ (Bimong) nơi đây, và đây trở thành khu Thánh tích, Rừng thiêng.

Ngọn núi mà Po Haniim Per lưu trú, lánh nạn chính là Núi Ông (ngày nay gọi là Khu Bảo tồn Thiên nhiên Núi Ông). Khu vực nơi ông lánh trú là một thung lũng, được bao bọc bởi hệ thống núi Ông, núi Baoh Huoi và sông La Ngà. Thung lũng Kapet cũng là nơi cư trú lâu đời của người Cru (Chu-ru), Raglai, Kahow, Cham,…

Ngài cũng nhận được nhiều sắc phong thần từ thời vua Minh Mạng thứ 5 (1824) cho đến Khải Định năm thứ 2 (1917), với các tên gọi phiên âm chữ Hán-Việt như: Niêm Băn Phiên Dương, Po Niêm Băn. Ví dụ, Sắc mệnh chi bảo Khải Định năm thứ 2, ngày 18 tháng 3 Âm lịch (08/5/1917) có đoạn ghi:

“Sắc cho Sách Man, xã Dụ, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, trước đã phụng sự thờ Thần bản xứ Thành hoàng, giữ nước giúp dân, bày tỏ công đức đối với nhân dân, linh ứng xưa nay. Nay ta được soi sáng bởi sự nghiệp lớn lao, trẫm luôn luôn nghĩ đến công ân của Thần tỏ bày hiệu lệnh, nên trước phong làm Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng tôn Thần. Chuẩn cho thờ phụng thần, ta và bá tánh trông mong thần giúp đỡ nhân dân. Kính thay!”

Đền thờ Po Haniim Per (Po Harum Cek), được người Chăm nơi đây gọi là Bimong. Ngày xưa, đền vốn ở trong khu Thánh tích trong rừng sâu, là nơi Ngài ẩn cư cho đến cuối đời. Đến năm 1968, vì điều kiện chiến tranh và đường sá hiểm trở, nên cộng đồng mới xin thỉnh Ngài về thờ trong làng Palei Pacam (Khu phố Chăm, Lạc Tánh), nhưng duy trì hành hương đến khu Thánh tích. Hằng năm, cộng đồng có 3 kì lễ lớn dành cho Ngài vào dịp Lễ Tế Trâu, Lễ Cambur, Lễ Tagok Bimong.

Về Po Cei Khar Mâh Bingu, đây là biệt danh của Po Cei Sah Bin Bingu, vì ông hay mặc chiếc chăn quấn màu/bằng vàng. Ngoài ra ông còn có các tên gọi khác như Po Cei. Ông vốn là hậu duệ của Po Harum Cek. Ông là vị tướng tài trong triều đại vua Po Ramé (1627-1651), thường cầm roi và một tấm khăn ngao du khắp xứ. Vì có mối bất hoà với Po Ramé (trong vụ chặt cây Kraik/Lim thần; và đánh bại quân Đại Việt khi quân Đại Việt tiến vào đất Pandurangga), nên ông đã quay lại lánh trú nơi quê nhà (là thung lũng Ka-Pet) và qua đời ở nơi Thánh tích này. Ngài được người dân lập đền thờ, được người Cru (Chu-Ru) chăm sóc bảo vệ tại khu rừng thiêng này.

Khoảng năm 1990-1991, người dân mới xin thỉnh Ngài về điểm núi cạnh làng để dễ thờ cúng Ngài.

Cũng như Po Haniim Per, Po Cei Khar Mâh Bingu cũng nhận được nhiều sắc phong thần vào thời Nguyễn. Người Việt gọi Ngài là Cậu Hoa, và cũng lập đền thờ cúng. Hiện có hai địa phương lập đền thờ Ngài, một ở Lạc Tánh (Tánh Linh, điểm núi gần làng), một ở Nông Tang (Lâm Thuận, Hàm Phú, Hàm Thuận Bắc). Lễ lớn nhất dành cho Ngài hằng năm vào dịp Lễ Tagok Bimong.

“Sắc mệnh chi bảo” thời vua Khải Định phong thần cho Ngài có đoạn viết: “Bình Thuận tỉnh, Hàm Thuận phủ, Nông Tang Xã. Cậu Hoa tôn thần, hộ quốc tý dân nhẫm trứ linh ứng tư, kim chánh trị trẫm tứ tuần Đại khánh tiết, kinh ban bửu chiếu đàm ân lễ long đăng trật trứ phong vi Quang ý Dực Bảo Trung Hưng Đẳng Thần, chuẩn kỳ phụng sự. Khâm tai! Khải Định cửu niên, thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.”

So do Thanh tich.jpg

Sơ đồ vị trí các điểm tích trong quần thể Thánh tích Po Cei (Ảnh Google Map, KTS. Jaya Thiên minh họa vị trí.)

Trong thung lũng lòng hồ Ka Pét hiện tồn quần thể Khu Thánh Tích (rộng khoảng 10ha) mang giá trị văn hoá lịch sử đặc sắc, bao gồm:

– Suối mài đao [Craoh thah daw] nơi Po dừng chân nghỉ ngơi, mài đao, cũng là ranh vào trung tâm khu thánh tích của Po. 

– Đền Po [Bimong Po] Nơi Po an nghỉ 

– Lán chia thịt (trâu) [mblang rabha ralaow (kubaw)] 

– Bãi phơi lưới chài, thuyền,… [mblang bambu jal ahaok] 

– Bãi luyện binh [mblang pathrem jabuel] (Thành đá bẫy thỏ, bàn cờ Po) (pateng tapay, pataw catur) Nơi có bàn đá Po ngự để luyện binh pháp (bàn cờ) và chế thuốc điều trị cho lính khi bị thương. 

– Khu trồng thuốc nam [mblang pala phun jru Po] 

– Khu điển tích Po xử tội thuộc hạ [mblang bacan inâ gah yak-bak]

– Cánh đồng ruộng của Po [hamu Po] Cánh đồng trồng lúa của Po, nơi sản xuất cung cấp lương thực. Con suối nơi Po đắp đập dâng nước vào Cánh đồng. 

– Khu vòng thành xếp bằng đá [bal pataw tali] 

Hanh le dem trong Thanh tich.jpg
Hành lễ đêm tại quần thể Thánh tích Po Cei (Ảnh: KTS. Jaya Thiên cung cấp.)

Vị trí quần thể khu Thánh tích này thuộc Khu Đá Bàn, thôn 1, xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, cách trung UBND xã Mỹ Thạnh khoảng 3,5km đường chim bay theo hướng Tây-Bắc. Nếu nhìn trên Google Earth thì toạ độ khu trung tâm thánh tích là 11°05’48.8″N 107°51’54.1″E. 

Về mặt tôn giáo – tín ngưỡng, cả hai nhân vật lịch sử Po Haniim Per và Po Cei Khar Mâh Bingu kể trên đều gắn liền với truyền thống hành hương của người Cham và Raglai. Mỗi kì hành hương quy tụ trên dưới 500 người từ các nơi không quản đường xa, núi rừng cách trở, để về nơi Thánh tích, làm lễ tế trâu cho Ngài. Thành phần tham dự bao gồm các Chức sắc phong tục, giới tri thức, người dân từ người già đến trẻ con.

Den PoCei trong Thanh tich.jpg
Đền Po Cei trong quần thể Thánh tích. (Ảnh do KTS. Jaya Thiên cung cấp.)

Như trên đã nói, cả hai nhân vật lịch sử đều đi vào đời sống tín ngưỡng của cộng đồng Chăm, đã được nhận nhiều sắc phong thần của các đời nhà Nguyễn. Hiện nay, các bản sắc phong nói trên đang được lưu giữ ở hai ngôi đền Po Harum Cek (Po Haniim Per, Tánh Linh) và đền Po Cei Khar Mâh Bingu (Lăng Cậu Hoa, Hàm Thuận Bắc). Hằng năm, cộng đồng có 3 kì lễ lớn dành cho Ngài vào dịp Lễ Tế Trâu, Lễ Cambur, Lễ Tagok Bimong… 

Hành trình hành hương về khu Thánh tích trong thung lũng Ka Pét cũng được đài BTV (Đài phát thanh truyền hình tỉnh Bình Thuận) làm phóng sự, công bố trên số “Văn hóa dân tộc” ngày 06-8-2023. 

RFA. Với những giá trị văn hóa – lịch sử – tín ngưỡng của khu vực dự kiến sẽ xây hồ Kapet như vậy, nhóm Cộng đồng đồng bào Chăm dự kiến sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng những vấn đề gì? 

Yaja Thiên. Cá nhân tôi cũng như cộng đồng Chăm địa phương, chủ nhân của các di tích văn hóa – lịch sử nói trên, cho rằng việc chủ đầu tư dự án “Hồ Thủy Lợi Ka Pét”, không lập hồ sơ “Đánh giá tác động Văn hóa-lịch sử, Tôn giáo – Tín ngưỡng” là một thiếu sót nghiêm trọng. Tôi thiết nghị tỉnh Bình Thuận cần thành nhanh chóng lập đoàn khảo sát, đánh giá chuyên môn về không gian quần thể khu Thánh tích này.

Tôi cho rằng chúng ta quy hoạch, xây dựng dự án, nhưng không tham vấn cộng đồng thụ hưởng trực tiếp đến di sản tổ tiên (cộng đồng người Chăm) trong phạm vi dự án đó là tiềm ẩn khả năng dẫn đến xung đột văn hóa sắc tộc nghiêm trọng.  Ở trên, tôi cung cấp các thông tin và tư liệu lịch sử, văn hóa để các cơ quan chức năng có thể dễ dàng hơn khi tiến hành khảo sát, đánh giá tác động Văn hóa-lịch sử, Tôn giáo – Tín ngưỡng” của dự án này.

Le Moc duc tam cho Than.jpg
Lễ Mộc dục tắm cho Thần. (Ảnh do KTS. Jaya Thiên cung cấp.)

Quần thể Thánh tích Po Cei Khar Mâh Bingu là cụm di tích đặc biệt có giá trị, không những về mặt Văn hóa – Lịch sử, mà đi kèm với nó bao gồm cả không gian văn hóa đặc thù mà tỉnh Bình Thuận đang có. 

Việc đánh giá đúng tầm quan trọng của quần thể Thánh tích sẽ giúp định hướng đúng thang giá trị mà quần thể Thánh tích này mang lại cho tỉnh nhà. Điều đó cũng có thể giúp phát huy giá trị đặc thù địa phương, phù hợp định hướng phát triển du lịch – văn hóa của Việt Nam. Việc tôn trọng và phát huy đúng giá trị văn hóa – tâm linh sẽ mang lại tính bền vững cho phát triển du lịch văn hóa cho tỉnh nhà.

Qua Bản kiến nghị, nhóm cộng đồng Chăm sẽ cố gắng trình bày để cơ quan chức năng có thêm thông tin rõ ràng hơn về giá trị Văn hóa-lịch sử, Tôn giáo – Tín ngưỡng của cộng đồng tại nơi Thánh tích này. Cụ thể, chúng tôi kiến nghị các vấn đề sau đây:

– Nhà nước xem xét quyền chủ thể đối với di sản, chủ thể về văn hóa (người Chăm kế thừa trực tiếp đối với các di sản tổ tiên của mình).

– Đền-tháp là sản phẩm vật thể, là kết tinh văn hóa lâu đời của người Chăm (Champa), đồng thời là biểu tượng tâm linh. Đi đôi với nó là những thực hành về văn hóa và tín ngưỡng cần được tôn trọng. Các tác động gây ảnh hưởng đến di sản vật thể/phi vật thể cần được xem xét đánh giá cẩn thận và được sự đồng thuận của cả cộng đồng, hay có sự tham gia đánh giá góp ý từ phía cộng đồng Chăm (Người dân-Trí Thức-Chức sắc), nhằm đem lại kết quả mang tính khách quan.

– Các quan niệm về tín ngưỡng tôn giáo, tính thiêng liêng đối với không gian di tích phải dựa trên các tri thức truyền thống của cộng đồng Chăm.

– Việc lấy ý kiến, hay sự đồng thuận của cộng đồng đối với các dự án sử dụng hay các dự án có tác động đối với di sản (vật thể/phi vật thể) của cộng đồng Chăm, nhằm mục đích phát huy tiềm lực kinh tế địa phương, cần sự đồng thuận của cộng đồng, nhằm xây dựng quy chế, nội dung phù hợp với quan điểm của cộng đồng.

– Xác định lại và công khai ranh khu vực quần thể khu Thánh tích.

– Kiến nghị UBND Tỉnh giao Sở Văn hóa kết hợp các ban ngành chuyên môn khảo sát thẩm định các giá trị văn hóa, lịch sử của quần thể khu Thánh tích Po Cei Khar Mâh Bingu, để có kết luận đánh giá quần thể này về mặt di sản văn hóa lịch sử. 

– Kiến nghị tỉnh Bình Thuận mời cơ quan chuyên môn phụ trách về di sản của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tham vấn, thẩm định về quần thể khu Thánh tích, đồng thời, lấy ý kiến tham vấn của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội Di sản Việt Nam, sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận,…và các ban ngành chuyên môn khác.

– Cuối cùng, chúng tôi kiến nghị tỉnh Bình Thuận công bố công khai để lấy ý kiến cộng đồng địa phương về khía cạnh Văn hóa – lịch sử – tín ngưỡng tôn giáo của dự án này. 

RFA xin cảm ơn Kiến trúc sư Jaya Thiên đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Related posts