Học bổng của Hoa Kỳ giúp thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng nông sản

Hàng năm, Sở Nông nghiệp Nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ mời từ hai đến bốn nghiên cứu sinh từ Việt Nam đến Hoa Kỳ thông qua hai chương trình học bổng Cochran Fellowship và Borlaug Fellowship, do Quốc hội Hoa Kỳ tài trợ.

Giang Nguyễn có cuộc trao đổi với bà Sarah Gilleski, hiện làm việc tại Hà Nội, về hai chương trình này. Bà là Tùy viên Nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp Nước ngoài.  

Giang Nguyễn: Chào bà Sarah Gilleski. Trước tiên xin bà cho biết về chương trình Cochran. Được biết chương trình này được thành lập hồi năm 1984, hàng năm mời một nhóm nhỏ nghiên cứu sinh từ Việt Nam và các quốc gia khác đến Hoa Kỳ học hỏi trong vòng hai, ba tuần. Xin bà cho biết thêm về mục tiêu của chương trình này?

Sarah Gilleski: Tại Việt Nam chúng tôi điều hành chương trình này theo hai hướng. Một là chương trình hướng về chính sách: chúng tôi làm việc với các quan chức chính phủ Việt Nam để giúp thúc đẩy các chính sách thương mại nông nghiệp hài hòa hơn. Ví dụ nếu các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đang đề xuất những luật mới và chúng tôi có chuyên môn trong lĩnh vực này ở Hoa Kỳ, thì có thể đưa họ qua Mỹ gặp gỡ các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý khác nhau. Qua những trao đổi như vậy họ có thể điều chỉnh làm chính sách tốt hơn. Một ví dụ điển hình là vào năm 2019, chúng tôi đã làm việc với phía Việt Nam để hài hòa mức dư lượng thuốc trừ sâu tối đa trong lúa mì. Đây là một vấn đề kỹ thuật nhưng có thể ảnh hưởng đến tất cả hàng xuất khẩu lúa mì của Mỹ sang Việt Nam nếu Việt Nam không đặt các mức hài hòa với hệ thống thương mại quốc tế và đảm bảo thương mại công bằng tự do.

Chúng tôi đã cử một nhóm các nhà hoạch định chính sách từ Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế Việt Nam đến Hoa Kỳ và họ đã gặp Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cũng như với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) để tìm hiểu về cách Hoa Kỳ đưa ra các quy định này, những chính sách và thực tiễn tốt nhất mà chúng tôi theo đuổi.

Sau khi họ trở về Việt Nam, một số nghiên cứu sinh đã làm cập nhật các quy định này và điều chỉnh chúng hài hòa với Codex, một tiêu chuẩn quốc tế độc lập. Việc này đã cho phép chúng tôi tiếp tục xuất khẩu các sản phẩm thịt của Hoa Kỳ. Chúng tôi thấy đây là một chương trình thực sự thành công trong việc tiếp cận ở cấp chính phủ trung ương với nhau.


Hạn hán ở tỉnh Sóc Trăng năm 2016. Ảnh minh họa (AFP)

Chúng tôi cũng có chương trình hướng đến doanh nghiệp tư nhân, cho phép các doanh nhân hàng đầu của các ngành tham gia. Cũng trong năm 2019, chúng tôi đã có chương trình học bổng với chủ đề thương mại điện tử và mời một số nhà lãnh đạo từ các chuỗi cửa các hàng bán lẻ lớn và một trong những nền tảng giao hàng thực phẩm kỹ thuật số lớn của Việt Nam. Họ đến Mỹ trong khoảng hai tuần và đã đi khắp nơi như Louisiana, Baltimore, Chicago, California, để gặp gỡ những đại diện của Amazon, Costco và Walmart. Họ cũng đã đến thăm rất nhiều nhà sản xuất bản sản phẩm trực tuyến.

Sau khi họ trở lại và đại dịch COVID-19 bùng phát, nền thương mại điện tử đã thực sự mở rộng ở Việt Nam và trở thành một nền tảng rất phổ biến và quan trọng. Một trong những người tham gia chương trình học bổng của chúng tôi được xem là hệ thống giao đồ ăn trực tuyến hàng đầu. Chương trình Cochran đã là cơ hội tuyệt vời để họ học hỏi những bài học ở Mỹ và mở rộng dịch vụ của mình tại Việt Nam, đồng thời họ cũng có thể tăng mua các sản phẩm của Hoa Kỳ. Đó là hai mặt của chương trình học bổng.

Chúng tôi cho rằng hai bên cùng có lợi: Rất nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn xuất khẩu nhiều hơn, họ muốn kết nối, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam thì mở rộng hoạt động kinh doanh, gia tăng doanh thu và đa dạng hóa các sản phẩm bán trong các cửa hàng của họ.

Giang Nguyễn: Bà có thể trình bày thêm về chương trình học bổng thứ nhì là Borlaug Fellowship?

Sarah Gilleski: Học bổng Borlaug thành lập gần đây hơn, vào năm 2004. Những nghiên cứu sinh Việt Nam đầu tiên được chọn vào năm 2009, từ đó chúng tôi có khoảng 39 nghiên cứu sinh. Đây thực sự là một học bổng nghiên cứu nhắm vào các nhà nghiên cứu tại các trường đại học hoặc các bộ, ngành có bằng thạc sĩ trở lên. Hầu hết trong số họ hoặc là các chuyên gia nông nghiệp cấp tiến sĩ, và họ nộp đơn cho học bổng này với một dự án nghiên cứu cụ thể.

Nghiên cứu sinh gần đây nhất từ Việt Nam được chọn hồi năm 2019. Cô ấy nghiên cứu về hạt lúa miến cũng như cách lên men và nảy mầm để biến thành nguyên liệu thức ăn năng suất hơn cho loài cá Swai (Việt Nam gọi là cá basa).

Chúng tôi cũng có rất nhiều nghiên cứu sinh đến trường đại học Davis (UC Davis, California) để học hỏi về các vấn đề biến đổi khí hậu, và trường đại học tiểu bang Louisiana. Hy vọng rằng khi hết dịch được đi lại, chúng ta có thêm Đại học Nebraska vào năm tới để bắt tay vào nghiên cứu vắc-xin dịch tả lợn Châu Phi.

Chúng tôi rất quan tâm đến công nghệ sinh học, các công nghệ mới nói chung như chỉnh sửa gen.

Rất nhiều công nghệ mới này có thể giúp nông dân trên khắp thế giới sản xuất nhiều lương thực hơn, ví dụ như bằng cách phát triển công nghệ sinh học có khả năng chịu hạn hán hoặc tồn tại trong môi trường nước mặn hơn. Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều tác động của biến đổi khí hậu và công nghệ sinh học có thể giúp ích. Ngoài ra còn có các xu hướng như bệnh dịch xuyên biên giới….

Giang Nguyễn: Qua công việc của bà tại Sở Nông nghiệp Nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà thấy có những thách thức gì lớn nhất?

Sarah Gilleski: Việt Nam đang thực sự thay đổi nhanh chóng và trong năm năm qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực bán lẻ. Chúng tôi mong muốn sản phẩm Hoa Kỳ có chỗ đứng trong đó và được biết đến như một sản phẩm chất lượng cao và an toàn. Tôi nghĩ sản phẩm thịt lợn là một lĩnh vực thực sự đáng quan tâm vì đây là một loại mặt hàng mà người Việt Nam vẫn nghĩ rằng đi mua thịt lợn “còn nóng” ở chợ cá tươi sống ngoài trời sẽ là nơi bán sản phẩm tốt nhất, tươi nhất.

Chúng tôi cố gắng nhấn mạnh rằng an toàn thực phẩm thực sự quan trọng và khi mua một sản phẩm đã được đông lạnh từ lúc giết mổ con lợn mới là sản phẩm an toàn hơn cho gia đình bạn, ít có nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella hoặc các bệnh khác truyền qua thực phẩm. Đó là một số lĩnh vực cần có một chút thay đổi văn hóa mà chúng tôi đang hợp tác với một số hiệp hội và các nhà bán lẻ để thúc đẩy sự an toàn thực phẩm mà chúng tôi bán tại Việt Nam.

Giang Nguyễn: Cảm ơn bà Sarah Gilleski rất nhiều.

Related posts