Nhân sự kiện Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, đang có chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 19 đến 21/5/2023, tham dự hội nghị mở rộng thượng đỉnh khối bảy quốc gia phát triển công nghiệp hàng đầu (G7 mở rộng) tại Hiroshima, theo lời mời của Thủ tướng Kishida Fumio của Nhật Bản, nước chủ nhà G7, một học giả quan sát chính trị Việt Nam và bang giao Nhật – Việt từ Tokyo bày tỏ mong muốn rằng Việt Nam về chính trị nội bộ không nên “tập quyền” vào tay một người, đồng thời nên công khai ‘tranh luận’ với giới bất đồng chính kiến.
Tuy cho rằng Nhật Bản cần hợp tác với Việt Nam trong việc cùng ‘đối phó’ với vấn đề Trung Quốc ở khu vực, nhà quan sát người Nhật này cũng bày tỏ mong muốn chính phủ Nhật Bản không đưa Việt Nam vào một vị thế “đối đầu” với Trung Quốc như chính mô hình chính sách của Nhật Bản đối với Trung Quốc.
Từ quan điểm riêng của mình, hôm 19/5/2023 từ Tokyo, Giáo sư Hirohide Kurihara, một nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam và bang giao Nhật – Việt từng đến Việt Nam nhiều lần để trao đổi và hợp tác học thuật, đã dành cho Đài Á Châu Tự Do một cuộc trao đổi.
Trước hết, GS. Hirohide Kurihara đưa ra bình luận về Việt Nam đang ở đâu trong một chính sách mới đây của Nhật Bản về đối ngoại và bang giao quốc tế.
Hirohide Kurihara: Gần đây Chính phủ Nhật Bản đề ra phạm trù quốc gia mới như “các nước đồng chí”. Dịch sang tiếng Việt như vậy thì tôi sợ người ta hiểu nhầm nên sau này tôi sẽ dịch là “các nước cùng một chí hương” cho tốt hơn.
Theo ông Hayashi Yoshimasa, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản giải thích, “nước cùng một chí hướng” là “một nước chung mục đích với Nhật Bản về những vấn đề ngoại giao” (16/12/2022). Hồi đó ông Hayashi chưa nêu “nước cùng một chí hướng” cụ thể là nước nào nhưng tháng Tư/2023 vừa rồi Chính phủ Nhật quyết định đẩy mạnh hợp tác về mặt quốc phòng và an ninh với “các nước cùng một chí hương”, trong đó có Philippines, Malaysia, Bangladesh và Fiji.
Điều đó có nghĩa là có lý do nào đó mà Chính phủ Nhật Bản chưa công nhận Việt Nam là một trong “các nước cùng một chí hướng” mặc dù hai nước có một vấn đề chung: đối phó với Trung Quốc như thế nào về vấn đề biển đảo. Tuy vậy trong những năm gần đây lập trường của Việt Nam về cuộc chiến Ukraine giống như của Trung Quốc.
Tôi đoán Chính phủ Nhật Bản kỳ này mời Thủ tướng Việt Nam để trực tiếp trao đổi ý kiến với nhau về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Nhật Bản muốn tìm cơ sở sản xuất mới, thoát sự ‘ỷ lại’ vào Trung Quốc
RFA: Nhật Bản hiện nay, theo Giáo sư, coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam như thế nào, mục tiêu ưu tiên gì chính và mức độ ra sao?
Hirohide Kurihara: Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng quan hệ Nhật Bản – Việt Nam, đặc biệt là về mặt quốc phòng và kinh tế. Về quốc phòng thì tôi đã đề cập ở trên, còn về mặt kinh tế, vai trò của Việt Nam rất quan trọng trong việc các xí nghiệp Nhật thoát ra khỏi sự ỷ lại vào Trung Quốc và tìm ra cơ sở sản xuất mới.
RFA: Theo ông hai bên đang cần nhau như thế nào trong mối quan hệ đối tác chiến lược này, họ có mục tiêu chung chính yếu cụ thể là gì ở khu vực?
Hirohide Kurihara: Hai nước có một vấn đề chung, đó là đối phó với Trung Quốc như thế nào. Tất nhiên một nước thì không thể đánh thắng Trung Quốc được. Vì thế Việt Nam coi trọng vai trò của khối ASEAN; còn Nhật Bản thì coi trọng vai trò của Đồng minh quân sự Nhật – Mỹ.
Nhưng bên Nhật cũng có ý kiến cho rằng Mỹ không đáng tin cậy (họ nói hãy xem trường hợp ở Afghanistan). Đối với Nhật Bản, sự hợp tác với Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng và câu hỏi đặt ra là: các nước “vừa và nhỏ” thường xuyên đoàn kết như thế nào để bảo vệ đất nước của mình.
RFA: Đối với tình hình Việt Nam hiện nay, chẳng hạn về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, theo Giáo sư, Nhật Bản nên quan tâm ưu tiên giúp đỡ cụ thể gì để được khả thi, hiệu quả, kịp thời?
Hirohide Kurihara: Thứ nhất là hợp tác về mặt quốc phòng, an ninh; đặc biệt là củng cố thêm lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.
Thứ hai theo tôi nghĩ là giúp xây dựng mạng lưới giao thông công cộng để giảm nhẹ ô nhiễm môi trường.
Nhật đừng ‘ép’ Việt Nam vào thế khó
RFA: Gần đây, chính quyền Trung Quốc tỏ ra ‘hung hăng’ và có những hành vi được cho là ‘đe dọa’ các nước nhỏ hơn ở khu vực, theo giới quan sát, theo ông để đảm bảo an ninh, hòa bình, hợp tác, ổn định chung ở khu vực, Nhật Bản và Việt Nam nên hợp tác, tương hỗ thế nào cho phù hợp?
Hirohide Kurihara: Quan trọng nhất là phía Nhật Bản không nên ép Việt Nam vào đường lối và chính sách của Nhật Bản đối với Trung Quốc. Việt Nam không thể nào đối lập mãi với Trung Quốc, lại không thể nào cắt đứt quan hệ với Trung Quốc nữa.
Tuy vậy Tuyên bố chung Việt – Trung (01/11/2022) cho thấy rằng Việt Nam không đồng ý với khẩu hiệu “Cộng đồng chung vận mệnh Trung – Việt” mà ông Tập Cận Bình ưa thích.
Phía Nhật Bản nên tôn trọng sự lựa chọn của Việt Nam và chủ yếu là hợp tác về những vấn đề hai bên có thể đồng ý với nhau được.
RFA: Nhân đây, Giáo sư có nhận xét gì về Thủ tướng Phạm Minh Chính nói riêng và chính trị nội bộ Việt Nam thời gian gần đây và hiện nay?
Hirohide Kurihara: Tôi không rõ về tình hình nội bộ ĐCSVN nên không thể trả lời được. Tôi chỉ cảm thấy đã đến lúc ngay cả cán bộ cao cấp như Chủ tịch nước cũng phải chịu trách nhiệm và xin từ chức giữa nhiệm kỳ.
Ở các nước tư bản, đó không phải là chuyện lạ nhưng ở nước Cộng sản, đó chắc chắn là hiện tượng mới, phải không?
Đồng thời tôi tha thiết mong ở Việt Nam không bao giờ xảy ra chuyện như quyền lực bị tập trung vào tay một người nào đó.
RFA: Theo ông, ban lãnh đạo nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam có điều gì cần và nên học hỏi từ cung cách điều hành chính quyền, quản trị quốc gia của Nhật Bản hay không?
Hirohide Kurihara: Nói về tình hình chính trị tại Nhật Bản, gần đây lần lượt xảy ra các vụ việc rất xấu hổ về nhân quyền hay dân chủ nên tôi không có quyền gì mà khuyên Việt Nam nên học tập với Nhật về cái này, cái kia.
Nhưng tôi chỉ có một điều nói với Đảng Cộng Sản Việt Nam, mà không liên quan đến Nhật Bản, đó là hãy công khai tranh luận với những người bất đồng chính kiến.
RFA: Và xin cảm ơn Giáo sư đã trả lời cuộc phỏng vấn này.
Trên đây là ý kiến trên quan điểm riêng của Giáo sư Hirohide Kurihara, nhà nghiên cứu Việt Nam học, cựu học giả Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Á – Phi (ILCAA), Đại học Tokyo, Nhật Bản. Ông từng có nhiều thời gian tới Việt Nam trao đổi, nghiên cứu học thuật và có công trình nghiên cứu về xung đột và chiến tranh Trung – Việt từ cuối thập niên 1970 ở thế kỷ trước.