Học trò bạo lực với thầy cô: vì đâu nên nỗi?

Các đoạn video clip đang lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua ghi lại cảnh một cô giáo cầm dép rượt đuổi học sinh trong một lớp học; cũng cô giáo này, lại bị một nhóm học sinh dồn vào góc tường, ném rác, xúc phạm với lời lẽ thô tục. Cô giáo té xỉu khi bị ném dép vào mặt và chảy máu trên trán…

Tất cả các clip trên là câu chuyện xảy ra vào cuối tháng 11 năm 2023 tại Trường THCS Văn Phú ở tỉnh Tuyên Quang.

Bạo lực tại trường học, do đâu?

Nhìn những hình ảnh trên, nhiều người làm việc cả trong và ngoài ngành giáo dục đều thấy đau xót cho hình ảnh người thầy; thấy đau lòng cho thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay.

Báo Tuổi trẻ dẫn lời thầy Trương Minh Đức, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM: “Tôi quá bất ngờ! Trong suốt 23 năm đi dạy, tôi chưa bao giờ nghĩ đến có một ngày giáo viên phải lâm vào cảnh như cô giáo ở Tuyên Quang. Thật đau lòng!”

Nhà thơ Liêu Thái làm một bài thơ có tựa “Gai tre”, bắt đầu bằng câu hỏi: “Chúng ta đang ở đâu vậy mà nhìn phía nào cũng buồn?

Bộ Giáo dục – Đào tạo sáng 6 tháng 12 gửi văn bản yêu cầu tỉnh Tuyên Quang xác minh vụ việc trên và có hình thức xử lý nghiêm khắc giáo viên, học sinh trong clip. Bộ đồng thời khẳng định trong văn bản gửi UBND tỉnh Tuyên Quang rằng việc học sinh nhốt cô giáo như vậy là vi phạm đạo đức nghiêm trọng!

Theo tôi, nguyên nhân có thể là trong một đất nước mất mát quá nhiều sau hàng chục năm chiến tranh, hôm nay có một nhóm người giàu lên nhờ tham ô, cửa quyền. Đại bộ phận quần chúng không có cơ hội vươn lên nhưng không thể phản ứng với chế độ, với chính quyền. Những dồn nén đó sẽ bộc lộ ra hành vi hàng ngày. Đó là cội nguồn của vấn đề bạo lực hiện nay từ xã hội lan vào nhà trường.- Một nhà giáo ở Hà Nội

Một nhà giáo ở Hà Nội không muốn nêu tên, nêu nguyên nhân dẫn đến câu chuyện trên, với RFA hôm 6 tháng 12:

“Tôi có xem qua một số video clip vụ này được lan truyền trên mạng xã hội, tôi thấy đây là chuyện không thể chấp nhận trong môi trường giáo dục. Truyền thống tôn sư trọng đạo đã bị phá vỡ hoàn toàn do quan điểm tất cả đều bình đẳng. Bạo lực học đường hiện nay là một vấn nạn không thể một sớm một chiều khắc phục được.

Theo tôi, nguyên nhân có thể là trong một đất nước mất mát quá nhiều sau hàng chục năm chiến tranh, hôm nay có một nhóm người giàu lên nhờ tham ô, cửa quyền. Đại bộ phận quần chúng không có cơ hội vươn lên nhưng không thể phản ứng với chế độ, với chính quyền. Những dồn nén đó sẽ bộc lộ ra hành vi hàng ngày. Đó là cội nguồn của vấn đề bạo lực hiện nay từ xã hội lan vào nhà trường. Do đó, tất cả những khẩu hiệu kêu gọi xóa bạo lực học đường đều trở nên vô nghĩa. Bạo lực là tấm gương phản chiếu những bất công trong xã hội.”

Sự việc học trò xúc phạm cô giáo ở Tuyên Quang xảy ra ngay tại lớp học, nơi được trang hoàng với nhiều khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” hoặc “Tôn sư trọng đạo”…

Cách đây hai năm, sáng 21 tháng 11 năm 2021, tại hội thảo “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục – đào tạo”, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đề nghị chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” (khẩu hiệu này được hiểu đơn giản là học lễ nghĩa trước, học kiến thức sau) để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Cũng theo vị giáo sư này, khẩu hiệu trên là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ lễ với người trên.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến nạn bạo lực lan đến thầy cô giáo – cụ thể là vụ cô giáo ở Tuyên Quang – là do nền giáo dục XHCN không có triết lý giáo dục và không có cứu cánh giáo dục. Trong đó, triết lý giáo dục để dạy làm người và cứu cánh giáo dục để dạy nên người. Ông nói:

“Đứng dưới góc độ những học trò lớp 6, lớp 7 hiện nay, những đứa trẻ này hiểu rất rõ lợi thế về quyền trẻ em. Với sự việc vừa xảy ra, chúng biết dùng số đông để áp đảo, khiêu khích, hạ nhục cô giáo.

Còn đứng ở góc độ cô giáo, có lẽ cô giáo nhìn học trò như là đối thủ, như là cơ quan công quyền, như cấp trên cấp dưới chỉ có ra lệnh thôi nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy.

Tuy nhiên, ở tầm bao quát hơn thì tôi cho rằng đây là hậu quả của giáo dục XHCN với nội dung căn bản nhất là áp đặt sự chuyên chế về ý thức hệ lên mọi hoạt động của xã hội, trong đó có giáo dục.”

Trách nhiệm thuộc về ai?

33c360e7-c16f-49bc-8de0-c2190f480a96.jpeg
Nhóm học sinh dồn cô giáo vào góc tường, liên tục xúc phạm. Cắt từ clip

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận xét tiếp rằng bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, văn hóa là cội rễ và giáo dục là dưỡng chất. Do đó, ông nói tiếp:

“Lẽ ra phải nhìn mỗi học trò là một tác phẩm do mình đào tạo ra, thì họ lại nhìn mỗi học trò là một sản phẩm. Với những sản phẩm kém chất lượng ai sẽ chịu trách nhiệm?

Trách nhiệm sẽ bị đổ lên cho cha mẹ, cho thầy cô, cho nhà trường. Trong khi đó, ĐCSVN hiện nay là một chế độ độc đảng toàn trị nên họ là những người quan trọng nhất trong thể chế chính trị hiện nay. Họ phải chịu trách nhiệm cao nhất và nặng nề nhất trong việc tưởng rằng nhỏ như thế này.”

Một số chuyên gia trong ngành giáo dục cũng có những nhìn nhận về mục tiêu của ngành giáo dục là đào tạo ra một thế hệ trẻ có tài và có đức. Thế hệ này là nguồn gốc cho sự thành công hay thất bại của một nền giáo dục với những quyết sách của họ, và ảnh hưởng đến cả xã hội. Nếu thế hệ này không có đạo đức mà chỉ có tài năng thì xã hội sẽ gánh chịu hậu quả.

Trách nhiệm sẽ bị đổ lên cho cha mẹ, cho thầy cô, cho nhà trường. Trong khi đó, ĐCSVN hiện nay là một chế độ độc đảng toàn trị nên họ là những người quan trọng nhất trong thể chế chính trị hiện nay. Họ phải chịu trách nhiệm cao nhất và nặng nề nhất trong việc tưởng rằng nhỏ như thế này. – Nhà báo Nguyễn Ngọc Già 

Luật sư Ngô Anh Tuấn, với tư cách là một phụ huynh có con bắt đầu độ tuổi đến trường, chia sẻ suy nghĩ của mình trên Facebook cá nhân về vụ việc xảy ra ở Tuyên Quang, RFA đã được cho phép trích đăng:

“Ai cũng có lúc sai, già như chúng tôi cũng còn sai nhưng sửa sai được hay không lại là điều khác. Như các cháu kia, sau vài lần thanh tra lên, xuống, điệp khúc xin lỗi, tạo điều kiện cho các cháu sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một câu văn mẫu. Ầm ĩ mấy hôm rồi chắc đâu cũng sẽ vào đó thôi, và các cháu này cũng khó mà nên người sau mấy câu nhắc nhở cho lấy lệ ấy. Sẽ không hề gì với các cháu, với bố mẹ các cháu, chỉ xã hội này mới phải chịu đựng các cháu trong suốt quãng thời gian dài sau này – điều đó mới kinh khủng!

Tôi chợt nghĩ xa xăm và ước gì thời gian quay về phía trước, khi mà lũ chúng tôi ai nấy đều sợ run người khi nhìn thấy cái thước gỗ trên tay cô giáo. Thời đó, dù cũ kỹ, lỗi thời nhưng người làm Thầy còn được trân trọng lắm…”

Xã hội đang ngày một phát triển, quan niệm về giáo dục cũng cần đổi mới hơn cho phù hợp. Nếu triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay là Nhân bản, Dân tộc, và Khai phóng thì có khi không có cảnh học trò dồn cô giáo vô tường với lời lẽ xúc phạm và ném dép vào mặt cô giáo!

Related posts