Hỏi tân Chủ tịch nước: Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin giúp cải cách thế nào trong bối cảnh kinh tế thị trường?

“Khủng hoảng”

Trong bối cảnh “khủng hoảng” vị trí người đứng đầu nhà nước, ngày 2/3 vừa qua, ông Võ Văn Thưởng đã trở thành tân Chủ tịch thứ 10 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong lễ nhậm chức Chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng phát biểu có hai điều khác với những người tiền nhiệm. Một là, ông ấy trích bốn câu thơ của Xuân Diệu (1916 — 1985) để thể hiện sự gắn bó “máu thịt” với người dân và vì họ mà phấn đấu. Điều này gây chút bất ngờ bởi vì Nhà thơ Xuân Diệu từng nổi tiếng là “ông hoàng thơ tình” lãng mạn thay vì nội dung cách mạng và tính đảng. Hai là, ông Thưởng nhấn mạnh “kiên định” với chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Điều này không thấy trong phát biểu của hai vị Chủ tịch tiền nhiệm. Cố Chủ tịch Trần Đại Quang giữ chức được hơn hai năm, từ 4/2016 đến 9/2018, rồi mất do bệnh hiểm nghèo, sau đó ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm cho đến hết nhiệm kỳ Đại hội 12 Đảng Cộng sản. Nguyên Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc chỉ ở cương vị này 288 ngày, từ 5/4/2021 đến 18/1/2023 của nhiệm kỳ 13, ngắn nhất trong chín đời Chủ tịch. Ông Phúc đã bị miễn nhiệm “theo nguyện vọng cá nhân.”

“Kiên định”

Trong cơ chế Đảng CS lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, vị trí Chủ tịch nước không do toàn dân bầu chọn có cạnh tranh mà do Đảng cử. Lâu nay mọi người cứ hiểu là việc bổ nhiệm này là dựa trên thành tích công tác, nhưng gần đây trong điều kiện “khủng hoảng” cán bộ thì tiêu chuẩn “trung thành” với Đảng, “kiên định” với lý tưởng cộng sản được ưu tiên.

Ông Võ Văn Thưởng trở thành tân Chủ tịch nước quan trọng không chỉ vì đó là nhân vật số hai trong hệ thống quyền lực tập trung theo “tôn ty trật tự” mà còn bởi vì ông có thâm niên gắn bó và trải nghiệm ý thức hệ cộng sản – phần “hồn” của Đảng.

Ông Thưởng năm nay mới 53 tuổi, còn trẻ so với “tứ trụ”, có quá trình thăng tiến từ hoạt động chuyên nghiệp Đoàn, Đảng và, hơn thế, luôn trung thành, chấp hành sự phân công của Đảng giữ các chức vụ từ thấp đến cao, từ địa phương đến Trung ương. Ông từng là Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản năm 2006, bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2010-2015, tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng, uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo từ 2016, và sau đó nhận “quyết định phân công” làm Thường trực Ban Bí thư trươc khi trở thành Chủ tịch nước. Ông ấy trải qua thử thách là người của Đảng!

000_33AC7E8.jpg
Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước tại Quốc hội hôm 2/3/2023. AFP

“Ý thức hệ”

Ý thức hệ hay hệ tư tưởng là một tập hợp các niềm tin hoặc triết lý được gán cho một người hoặc một nhóm người, đặc biệt là được tổ chức. Hệ tư tưởng cộng sản được sáng lập và sử dụng bởi Karl Marx, Friedrich Engels với luận thuyết phê phán chủ nghĩa tư bản với sở hữu tư nhân và bóc lột là “tự đào mồ chôn” mình, và sau đó chủ nghĩa cộng sản sẽ là thiên đường có sức hấp dẫn mọi người với “của cải tuôn dào dạt”, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, “sở hữu toàn dân”, con người sẽ được giải phóng… Trong khi cả hai vị sáng lập chủ nghĩa cộng sản đã không chỉ ra con đường từ kiểu xã hội “bất công” này đến xã hội “thiên đường” thế nào thì Vladimir Lenin nói rằng phải làm cách mạng và xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ông ta đã vận dụng vào điều kiện quê hương ông – nước Nga – “mắt xích” yếu nhất của hệ thống tư bản.

Câu chuyện tiếp theo như mọi người đã biết qua cuộc thử nghiệm lịch sử kéo dài hơn 70 năm. Từ một nước Nga XHCN đầu tiên (1917) trên thế giới, Liên Xô với 15 nước cộng hoà (1922), hệ thống các nước XHCN sau năm 1945…. Tuy nhiên, từ cuối những năm 1980s hệ thống này bắt đầu sụp đổ cùng với hệ tư tưởng của nó. Như vậy, ý thức hệ XHCN dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin từng thể hiện sức mạnh dưới chế độ chuyên chế tập quyền bởi Đảng CS trong bối cảnh chiến tranh giải phóng dân tộc và vệ quốc, nhưng đã dần triệt tiêu động lực tăng trưởng kinh tế, thất bại trong cạnh tranh, được gọi là thời kỳ chiến tranh lạnh, với chủ nghĩa tư bản. Đây là nguyên nhân chủ yếu, khách quan của sự sụp đổ, mặc dù Mikhail Gocbachep và cuộc cải tổ do ông khởi xướng đã bị đổ lỗi.

“Nhượng bộ”

“Thiên đường” chủ nghĩa cộng sản vẫn là nguồn cảm hứng cho các lãnh đạo chế độ Đảng CS toàn trị ở Trung Quốc và Việt Nam. Họ nói rằng cần “Đổi mới”, “mở cửa và cải cách”… chứ không phải thay đổi chế độ như đối với các nước XHCN Đông Âu. Dường như, điều này được biện minh khi điều kỳ diệu về kinh tế xảy ra. Chính sách dựa trên “tư tưởng thực dụng” thắng thế và được sử dụng, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được “khuyến khích” để tạo động lực, tăng trưởng kinh tế cao và kéo dài là cơ sở để tạo công việc làm, mở rộng cơ hội xoá đói giảm nghèo…, nhưng hơn thế, nó đảm bảo cho tính chính danh của chế độ đảng trị. Bởi vậy ý thức hệ cũng được duy trì.

Tuy nhiên, tư tưởng thực dụng chứa đựng tính cơ hội chủ nghĩa đã dần bị phơi bày. “Đổi mới”, “mở cửa và cải cách”… được ví như chính sách kinh tế mới (NEP) thời V.Lênin, sự nhượng bộ chủ nghĩa tư bản và dân chủ chỉ là sách lược gia tăng lực lượng sản xuất chỉ để duy trì chế độ hiện hành. Các lãnh đạo Đảng CS đã không lường hết sự nhượng bộ đã dần thay đổi chế độ Đảng – Nhà nước thành “nhà nước tư bản thân hữu”, và hậu quả là quốc nạn tham nhũng và rối loạn xã hội. Để đối phó với tình hình giới lãnh đạo đã lựa chọn tái lập mô hình chuyên chế toàn trị “kiểu Mao”, nhiều chính sách đang “đảo chiều”, yếu tố kinh tế nhà nước như đầu tư công được thúc đẩy, bắt giữ các đại gia vô trật tự, tự chủ nửa vời… tăng trưởng kinh tế bước vào giai đoạn khó khăn trong bối cảnh Trung Quốc chấm dứt thời kỳ hoàng kim, chấm dứt “nhượng bộ” chủ nghĩa tư bản, Mỹ và phương Tây đang xem lại chiến lược của họ, các nhà đầu tư cân nhắc…

“Idiocracy*”

Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo nhiều lần về tình hình “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”, và nguy cơ tồn vong chế độ sẽ lớn dần. Ý thức hệ XHCN sẽ lung lay mạnh hơn trong trường hợp tăng trưởng kinh tế suy giảm, “bảo bối” cho chế độ dần mất thiêng. Cải cách đang đứng trước thế lưỡng nan: Kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin – nền tảng ý thức hệ, thúc đẩy việc quay lại mô hình toàn trị kiểu cũ để duy trì chế độ toàn trị, mâu thẫu với kinh tế thị trường khiến động lực tăng trưởng suy giảm.

Trong khoa học chính trị khi hệ thống niềm tin là một cấu thành thiết yếu của bộ máy cai trị nó trở thành ý thức hệ, và nó có sức thuyết phục mạnh mẽ bởi “các yếu tố thực tiễn cũng được chú trọng như các yếu tố lý thuyết.” Nhưng ý thức hệ không hoàn toàn là nhận thức luận, và nó sẽ không còn “hợp lý” khi lý thuyết ngày càng xa rời thực tiễn, nó dần trở thành “idiocracy*”. Khái niệm thuật ngữ trở lại với ý nghĩa ban đầu về hệ tư tưởng được sử dụng để chống lại “các xung động” của đám đông. Đây chính là “lỗ hổng” cho độc đoán về tư tưởng cùng với đàn áp bạo lực. Trong chế độ dân chủ có đa nguyên, đa đảng, nhưng lại bị cấm trong chế độ cộng sản. Điều này phần nào lý giải vì sao những người có hành vi trái với quan điểm chính thống bị Đảng CS coi là “thế lực phản động”, những cán bộ, lãnh đạo có tư tưởng “khác” trở thành suy thoái chính trị, có thể dẫn đến suy thoái đạo đức lối sống, và phải bị trừng phạt.

Theo Quyết định số 39-QĐ/TW năm 2011, Chủ tịch nước cũng đồng thời đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương. Tên gọi của Ban này thể hiện nhiệm vụ của nó: “kiên định” với chủ nghĩa Mác – Lênin – nền tảng ý thức hệ CNXH, chính sách cải cách sẽ thế nào trong bối cảnh động lực tăng trưởng kinh tế nhờ thị trường suy giảm?

________

Tham khảo:

*Ideocracy là sự cai trị của chế độ theo một hệ tư tưởng nhất nguyên áp đặt trong chính trị và ăn sâu vào các khía cạnh của xã hội

Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu  Tự Do.

Related posts