Hơn 550 người yêu cầu tiến hành “Thủ tục đặc biệt” đối với ba vụ án oan

Đã có hơn 550 người ký tên vào “Thỉnh nguyện thư” do các luật sư thảo ra gửi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước và các ban, ngành, yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra lại các vụ án oan trong thời gian qua liên quan đến các tử tù Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải và Lê Văn Mạnh.

Hơn 550 ký tên vào “Thỉnh nguyện thư”

Luật sư Lê Văn Hoà (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) và Phạm Văn Thọ là hai người đã soạn thảo “Thỉnh nguyện thư” kêu gọi các đồng nghiệp và công dân Việt Nam ký tên từ hôm 31/10/2023. 

Tính đến cuối ngày 7/11 (giờ VN), đã có hơn 550 người ký tên vào “Thỉnh nguyện thư”, nhiều hơn con số dự kiến ban đầu của các luật sư.

Luật sư Hòa cho biết chỉ cần có đủ 500 chữ ký, ông sẽ gởi bức thỉnh nguyện thư trên đến ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan báo chí…

Luật sư Lê Văn Hoà trong ngày 7/11 nói với RFA về mục đích của “Thỉnh nguyện thư” do ông và các đồng nghiệp soạn thảo:

“Tôi và một số đồng nghiệp khởi xướng lên việc này thì chỉ có một mục đích duy nhất là kiến nghị lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng phải xem xét toàn diện điều tra lại ba vụ án oan Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải và Lê Văn Mạnh. Bởi vì, cả ba vụ án này đều có những dấu hiệu sai sót nghiêm trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng về mặt thủ tục tố tụng, không đủ cơ sở để kết tội tử hình đối với người ta.”

Ông Lê Anh Hùng, hiện đang ở Hà Nội, một trong số hơn 550 người ký tên vào bức thư, nói rằng ông mong các vụ án oan sẽ sớm được điều tra lại:

“Các bản án cùng những nạn nhân trong bức thư đã có rất nhiều sai sót trong quá trình tố tụng. Các chuyên gia đã phân tích và chỉ rõ các vi phạm đấy nhưng cho đến bây giờ chưa có kết luận chính thức nào để sửa sai những sai sót đó từ phía cơ quan chức năng.

Chúng tôi hy vọng sẽ có tác động nào đấy, đến đâu thì chúng tôi cũng chưa biết, khi ngày càng có nhiều tiếng nói và chữ ký như vậy, hy vọng đến một lúc nào đấy thì nhà cầm quyền sẽ thay đổi tư duy và cách làm của họ.” 

Nội dung bức thư được các luật sư soạn thảo có những phân tích chặt chẽ với các dẫn giải chỉ rõ các dấu hiệu oan sai cũng như những sai phạm của cơ quan tiến hành tố tụng. Nhiều tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ cũng được dẫn chứng để biện luận rằng việc kết án của các cơ quan chức năng Việt Nam là không khách quan, thiếu thuyết phục.

Bảo vệ công lý và sự thật

Trong “Thỉnh nguyện thư” có nêu cụ thể về vụ án Nguyễn Văn Chưởng. Các luật sư cho rằng việc cáo buộc ông Chưởng là chủ mưu và tham gia chém chết thiếu tá cảnh sát Nguyễn Văn Sinh là không đủ căn cứ, là áp đặt, vì quá trình điều tra vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc bảo vệ hiện trường; Việc thu giữ, quản lý vật chứng rất tùy tiện; ông Chưởng có chứng cứ ngoại phạm, nhưng không được điều tra làm rõ

Trong vụ án Hồ Duy Hải, các luật sư cũng nêu rõ có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Điển hình như vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử… các đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật; Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, li dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật… 

Riêng đối với vụ án Lê Văn Mạnh, dù bị cáo đã bị thi hành án tử hình vào tháng 9/2023, tuy nhiên, theo luật sư Hoà, đây là một vụ án phức tạp về đánh giá chứng cứ và gia đình vẫn đang tiếp tục kêu oan.

Từ những phân tích về các tình tiết chưa được làm rõ nêu trên, luật sư Lê Văn Hoà trong “Thỉnh nguyện thư” yêu cầu các cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành các Thủ tục đặc biệt” theo luật định để điều tra, xem xét lại ba vụ án vừa nêu.

“Theo bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015, có hiệu lực năm 2018 thì đã có thủ tục xem xét li các vụ án theo “Thủ tục đặc biệt” rồi. Không thể viện cớ là đã xử giám đốc thẩm rồi mà không xem xét lại.”

Trước đó, vào tháng 8 và tháng 9/2023, liên quan đến vụ án Nguyễn Văn Chưởng, Liên minh châu Âu cùng với các đại sứ quán Canada, Na Uy và Vương quốc Anh liên tiếp ra tuyên bố chung kêu gọi Việt Nam dừng thi hành án đối tử tù này, sau khi gia đình nhận được giấy thông báo thi hành án đối với ông Chưởng.

Với hơn 550 chữ ký từ cộng đồng trong nước và các tuyên bố của cộng đồng quốc tế trước đó, luật sư Hoà hy vọng thư thỉnh nguyện lần này sẽ đạt được kết quả tốt. Ông nói với RFA:

“Về mặt chủ quan, tôi cho rằng kiến nghị lần này của chúng tôi có thể sẽ đem lại hiệu quả tốt. Tiếng nói ca chúng tôi cùng với dư luận xã hội và rất nhiều những người quan tâm khác về vụ án này thì trong tình hình hiện nay lãnh đạo nhà nước Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng sẽ phải thận trọng xem xét hơn; Bởi vì không thể bất chấp dư luận xã hội, người ta phản ứng quyết liệt và gay gắt như vậy thì tôi nghĩ Nhà nước sẽ không thể thờ ơ được nữa.”

Luật sư Hoà đưa ra kết luận, nếu các cơ quan tố tụng có đầy đủ chứng cứ kết tội với bị cáo Chưởng và Hải một cách thuyết phục, thì hãy thi hành ngay bản án tử hình đối với họ. Còn ngược lại, thì hãy trả tự do cho họ ngay lập tức và giải quyết hậu quả của việc truy tố kết tội oan (đối với Lê Văn Mạnh), đồng thời xử lý những người đã trực tiếp thụ lý các vụ án trên theo quy định pháp luật.

Theo Luật sư Hòa, làm được như vậy là góp phần bảo vệ công lý và sự thật, đảm bảo sự nghiêm minh pháp luật, không làm oan người vô tội và đặc biệt là củng cố niềm tin của người dân vào Đảng, vào chế độ.

Related posts