Hợp tác công-tư trong giáo dục: Lối thoát cho bế tắc lâu nay?

Hiện nguồn ngân sách Nhà nước Việt Nam dành cho giáo dục thấp hơn một số lĩnh vực khác. Báo cáo về hoạt động giáo dục và thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022 của Chính phủ cho thấy, tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa đạt mức tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu tại nghị quyết số 37/2004 của Quốc hội. Nghị quyết 37 và luật Giáo dục nêu rõ: “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước”.

Có đề xuất cho rằng nên hợp tác công-tư để giúp đem lại sự thay đổi toàn diện trong giáo dục và đào tạo góp phần nâng cao kỹ năng, kiến thức cho học sinh, sinh viên để đáp ứng xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.

Một số nhà giáo, chuyên gia trong ngành giáo dục lo ngại, mối quan hệ hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong giáo dục sẽ dẫn đến chuyện dạy thêm, học thêm ngay trong trường dẫn đến xung đột lợi ích trong môi trường giáo dục.

Báo Tiếng Dân hôm 4 tháng 10 năm 2023 có bài viết “Hợp tác công- tư trong giáo dục: trong hay đục” của nhà giáo Thái Hạo. Trong đó có đoạn:   

“Nhập công và tư lại với nhau không những làm công bị méo mó rối loạn mà còn khiến cho tư không thể phát triển và phát triển một cách lành mạnh được. Đây cũng là đang gián tiếp hạn chế cơ hội của những học sinh có nhu cầu và điều kiện kinh tế khá giả. Nó sinh ra sự chồng chéo đã đành mà còn làm biến tướng chương trình giáo dục quốc gia, làm nảy sinh những tiêu cực ngày càng khó kiểm soát…”

Tháng 5 năm ngoái, trong buổi làm việc với Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP.HCM về các vấn đề giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện Bộ đang nghiên cứu triển khai thí điểm chọn một số trường công chất lượng tốt chuyển sang làm đề án thu học phí cao, lấy học phí này chi trả, giảm nguồn viên chức hưởng lương. Ông đề nghị TP.HCM thí điểm cùng với Bộ.

Nhiều người phản đối chủ trương này với lý do: Trường công được Nhà nước cấp đất, xây trường, đầu tư trang thiết bị giáo dục, trả lương cho giáo viên. Nếu thu học phí cao là dùng ngân sách nhà nước để kinh doanh. Trong khi đó, trường tư thục là trường do tư nhân thành lập, tự đầu tư và điều hành, chịu trách nhiệm về vấn đề pháp lý, không liên quan tới ngân sách của nhà nước.

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, hơn nửa đời người gắn bó với ngành giáo dục, ông thấy nếu hợp tác công-tư theo cách nhà nước cấp đất, hỗ trợ tài chính cho các trường tư hoạt động và kết hợp hai phương thức giảng dạy công-tư hài hòa thì đó là hướng đi đúng. Ông nói thêm:

“Về nguyên tắc thì tôi cho là có thể chấp nhận được. Công là cấp ra những gì và tư làm những gì thì điều đó phải rạch ròi. Tôi cho rằng ở Việt Nam hiện nay, nếu tư thục không thì nó không giống như ở các nước mà nó tạo ra mức học phí quá cao. Giáo dục trường tư thì đại đa số là theo phương pháp cũng như giáo trình của phương Tây.

Học phí chính thức ở trường công thì không cao nhưng học sinh phải nộp tiền này tiền khác thì hiện nay cũng đã có nhiều ý kiến. Nhưng chương trình giáo dục ở trường công nó vẫn theo mạch cũ là quá nặng nề và không giúp ích được cho trẻ nhưng kiến thức thực sự cần thiết.

Tôi hy vọng rằng họ phải nghiên cứu kỹ để hợp tác công-tư trong giáo dục như thế nào cho hợp lý. Phải làm sao cho hình thức công-tư là hình thức mà nó hiệu quả hơn trường tư riêng và trường công riêng thì nó mới có chỗ đứng. Cái chênh lệch về học phí giữa công và tư hiện nay khác nhau rất xa đồng thời chất lượng của trường tư thì học phí cao nhưng nhiều nơi cũng không đảm bảo, thành ra giáo dục Việt Nam vẫn nằm trong hướng cải cách từ rất lâu nhưng vẫn chưa đâu vào đâu cả.”

Giáo dục Việt Nam từng qua nhiều lần cải cách nhưng rồi “vẫn chưa đâu vào đâu”. Giáo sư Hoàng Tụy lúc sinh thời từng nhận xét, lãnh đạo, quản lý giáo dục mà thiếu tư duy hệ thống, thiếu một tầm nhìn chiến lược bao quát thì chỉ có sa vào sự vụ, nay thế này mai thế khác, đổi mới liên miên nhưng vụn vặt, chắp vá, không nhất quán, rốt cục tiêu tốn nhiều công sức tiền của mà kết quả chỉ làm rối thêm một hệ thống vốn đã què quặt, thiếu sinh khí, thường xuyên trục trặc.

Cựu bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ cũng từng thừa nhận một số hạn chế của ngành giáo dục như công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường còn bất cập, trách nhiệm còn chồng chéo; tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số địa phương; tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; hệ thống quản lý, quản trị, kết nối, khai thác dữ liệu ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành, dạy học chưa đồng bộ…

PGS-TS Hoàng Dũng nói với RFA sáng ngày 5 tháng 10 năm 2023 về một bước cải cách giáo dục nữa có tên ‘hợp tác công-tư’:

“Quan trọng là họ quan niệm về hợp tác công-tư như thế nào. Nếu hợp tác công-tư mà hiểu theo nghĩa trường đó phải mở ra lớp để học trò học thêm thì phải cấm tiệt vì nó phá hoại giáo dục. Còn nếu hợp tác công-tư hiểu theo nghĩa nhà nước tạo điều kiện cho trường tư hoạt động. Nhà nước kiểm tra mọi thứ thấy tốt mà nhà nước không đủ tiền để mở một trường công như thế, thì để đáp ứng nhu cầu giáo dục, nhà nước hoàn toàn có thể cấp đất cho họ để họ mở trường.

Nếu họ hiểu hợp tác công-tư như thế thì rất tốt. Nhưng hiện nay người ta không hiểu như vậy. Hợp tác công-tư với ngọn cờ rất đẹp nhưng bản chất vấn đề là hợp thức hóa chuyện dạy thêm ở trường công thì như thế là phá hoại giáo dục.”

Việt Nam từng đưa ra chính sách gọi là “xã hội hoá giáo dục”, tức huy động toàn xã hội làm giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự quản lý của Nhà nước nhằm giúp cho giáo dục phù hợp với sự phát triển của xã hội, thích ứng với xã hội, duy trì sự cân bằng giữa hoạt động giáo dục và xã hội. Đến nay, mọi quốc sách, cải cách trong giáo dục vẫn dậm chân tại chỗ.

Related posts