Kênh đào Funan và vấn đề “tự chủ” của Campuchia?

Hôm 16/5/2024, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen thúc giục Chính phủ Campuchia do con trai ông làm thủ tướng phải thực hiện ngay dự án kênh đào Funan (Phù Nam). 

“Tôi muốn đưa ra ý kiến với Chính phủ Hoàng gia về Dự án kênh đào Funan Techo. Hãy khởi công dự án càng sớm càng tốt; không cần phải chờ đợi nữa. Chúng ta phải nghĩ về nền kinh tế của mình; chúng ta phải nghĩ đến nền độc lập dân tộc của mình.”

Trao đổi với RFA, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về khả năng “độc lập về kinh tế” và “nền độc lập dân tộc” của Campuchia khi thực hiện dự án kênh đào Funan như lời nói của Chủ tịch Thượng viện Campuchia. 

Những thiệt hại về kinh tế của Campuchia nếu thực hiện kênh đào Phù Nam 

Ông Hun Sen nói kênh đào Phù Nam giúp Campuchia bảo vệ “nền độc lập dân tộc của mình”. Nhưng theo Kỹ sư Phạm Phan Long, Chủ tịch của Viet-Ecology, một tổ chức phi chính phủ ở California, Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về các vấn đề môi trường và sông Mekong, dự án này có thể khiến cho Campuchia lệ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc, người bỏ tiền ra thực hiện nó. 

Thủ tướng Campuchia Hun Manet cho biết dự án Kênh đào Funan sẽ được phát triển theo hợp đồng BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao). 

Theo một báo cáo mới đây của Stimson Center, một think tank ở Washington DC, thì dự án kênh đào Funan nằm trong chiến lược Vành đai – Con đường của Trung Quốc, có thể được công ty Trung Quốc China Bridge and Road Corporation (CRBC) thực hiện theo mô hình BOT. 

Nếu kênh đào Phù Nam sẽ được thực hiện như trên, một công ty Trung Quốc sẽ xây dựng kênh đào và rồi quản lý kênh đào này trong thời gian khoảng 50 năm, theo thông lệ các công trình BOT. Trong thời gian đó, người quản lý kênh đào này không phải là Campuchia mà là công ty Trung Quốc. 

Bác sỹ Ngô Thế Vinh ở Viet Ecology, một chuyên gia về sông Mekong, chỉ ra rằng một khi Campuchia để cho Trung Quốc thực hiện dự án Kênh đào Phù Nam, công ty Trung Quốc sẽ nắm toàn quyền vận hành và thu phí suốt 50 năm. Trong 50 năm đó, con kênh này vẫn còn là sở hữu của họ, chứ không phải thuộc Campuchia. Trong thời gian “nửa thế kỷ” Campuchia chờ đợi đến ngày được Trung Quốc chuyển giao quyền quản lý con kênh này, Trung Quốc là bên kiểm soát nguồn nước ra vào kênh vì họ là bên vận hành nó. Quy trình vận hành đó có được chia sẻ công khai và minh bạch hay không? Như vậy, bản thân Campuchia và vùng ĐBSCL của Việt Nam có thể hoàn toàn bị động về nguồn nước. Những tổn hại về kinh tế – môi trường – xã hội là điều không đoán trước được, BS. Ngô Thế Vinh nhận xét.

Kênh đào Funan ảnh hưởng xấu đến Biển hồ Tonlesap? 

Không chỉ làm cho Campuchia trở nên lệ thuộc vào Trung Quốc về giao thông thủy, bị bị thiệt hại hơn về kinh tế, kênh đào Funan khi hoàn thành có thể khiến Campuchia thiệt hại về môi trường. Điều đáng quan ngại trước hết của dự án này, theo Kỹ sư Phạm Phan Long, là nó thiếu sót một quy hoạch toàn diện. Kênh đào Phù Nam cắt đôi diện tích một triệu hecta đồng lũ. Do đó, cùng với kênh đào Phù Nam, Campuchia cần có một hệ thống kiểm soát lũ lụt và thủy lợi. Nếu không, công trình này có thể gây khủng hoảng môi trường cho khoảng 1,6 triệu dân cư. 

Theo Kỹ sư Phạm Phan Long, trước hết, kênh đào này sẽ ảnh hưởng đến Biển hồ Tonle Sap của Xứ Chùa Tháp. Ông nói với RFA:

“Biển hồ Tonlesap của Campuchia có bốn mạch, từ Mekong đi xuống, từ Mekong và Bassac cùng sông Tonlesap đi lên khi mà nước về. Nếu bây giờ có thêm một dòng kênh lấy nước từ điểm cao, nhất là nếu nó lấy nước vào mùa mưa thì nước có khả năng không chảy ngược về Biển hồ Tonlesap được nữa. Một khi được hoàn thành, tác động của kênh đào Funan đối với Biển hồ là có thể xảy ra, khi nước được đưa xuống vùng Takeo. 

Như vậy, Campuchia có khả năng sẽ phải tính toán đánh đổi. Sự thiệt hại của Biển hồ Tonlesap tùy thuộc vào việc Campuchia lấy đi bao nhiêu nước và lấy vào thời điểm nào.”

Có thể giảm thiểu tác động xấu đến môi trường không?

Trao đổi với RFA, TS. Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á ở Stimson Center, cho rằng “Thư thông báo” mà Campuchia gửi cho Ủy hội Sông Mekong đã mô tả một cách không chính xác về dự án này. “Thư thông báo” nói dự án này là một dự án “phụ lưu” (a tributary project) của sông Mekong. Tuy nhiên, theo ông, kênh đào Funan cần được coi là một dự án tác động đến “dòng chính Mekong”, vì kênh Funan nối với sông Mekong và bản thân sông Bassac lấy nước từ sông Mekong. 

Một khi dự án được coi là dự án tác động đến dòng chính Mekong thì cần phải thực hiện quy trình Thông báo trước và Tham vấn trước (PNPCA) của Ủy hội Sông Mekong. 

Tiến sỹ Brian cho biết, thực tế, hai thủy điện  Xayaburi và Don Sahong của Lào đã thực hiện quy trình Thông báo trước và Tham vấn trước (PNPCA) của Ủy hội Sông Mekong. Việc thực hiện những quy trình này đã dẫn đến một số thay đổi thiết kế để giúp bảo vệ môi trường tốt hơn. Trao đổi với RFA, Kỹ sư Phạm Phan Long cũng cho biết sau những quy trình đó, chính phủ Lào đã có một số nỗ lực để hạn chế tác động xấu đến môi trường. Ông nói: 

“Hai thủy điện Xayaburi và Don Sahong của Lào thì Chính phủ Lào đã bỏ thêm tiền để xây dựng một số hạng mục đối phó với những tác động xấu của môi trường. Ví dụ, họ xây thêm những thang cá để cá có thể đi ngược dòng sông để sinh sản trở lại, tiếp tục vòng đời của cá trên sông Mekong. Họ cũng chọn những tua-bin máy mà cá có thể đi qua được. Họ cũng làm thêm những cống thoát để phù sa có thể đi xuống.” 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Kỹ sư Phạm Phan Long, ngay cả khi đã điều chỉnh thiết kế như trên, những biện pháp đó vẫn không được hiệu quả như các chuyên gia mong đợi. Ông nói:

“Vấn đề chính nằm ở hiệp định Mekong 1995. Nó không được Ủy hội Sông Mekong áp dụng một cách chặt chẽ mà họ để nó rất lỏng lẻo. Những nước như Lào thì cứ quyết làm. Những hạng mục họ xây thêm không hiệu quả, cá vẫn không lên được qua các thang cá họ xây, không đi qua được tua-bin máy phát điện, phù sa cũng không đi qua được những con đập. Dầu vậy, chúng ta cũng thấy là họ cũng đã cố gắng và có nhượng bộ.  

Lịch sử của Ủy hội Sông Mekong cho thấy chúng ta không đạt được tôn chỉ cao nhất là tránh tác hại cho láng giềng mà chia sẻ quyền lợi với nhau. 

Ủy hội Sông Mekong đã trở thành một cái thang để cho các nước khác bước lên để đi tới. Thực tế, cho tới ngày hôm nay, họ chưa cản được bất kỳ con đập nào.

Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen thúc giục Chính phủ Campuchia xây dựng kênh đào Funan (Phù Nam) càng sớm càng tốt vì “nền độc lập dân tộc”, nhưng theo các chuyên gia, có thể dự án này sẽ khiến cho đất nước Chùa Tháp phụ thuộc nhiều hơn vào bên bỏ tiền ra thực hiện dự án là Trung Quốc. Cho dù Campuchia vay tiền Trung Quốc để thực hiện hay cho công ty Trung Quốc thực hiện bằng hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) thì xứ Chùa Tháp vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc. Thậm chí, cho công ty Trung Quốc thực hiện bằng hình thức BOT thì mức độ lệ thuộc còn mạnh hơn. Đó là chưa kể những thiệt hại to lớn về môi trường mà chưa nhìn thấy được khả năng khắc phục hoặc giảm thiểu rủi ro, bởi lẽ dự án này hoàn toàn thiếu vắng một thiết kế toàn diện, xem xét đầy đủ hơn các tác động của nó tới môi trường và xã hội, không chỉ cho Campuchia mà còn cho nước hạ nguồn là Việt Nam. 

Related posts